Xem "Nửa đời ngơ ngác"

16/11/2010 10:25 GMT+7

(TNTS) Nửa đời ngơ ngác - vở kịch mới ra mắt trên sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM), do tác giả Trần Mỹ Trang - Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã để lại nhiều dư vị cho người xem.

Trong nhiều tác phẩm nổi bật của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, lý do gì khiến hai tác giả Mỹ Trang - Hoàng Thái Thanh chọn Chiều vắng - một truyện ngắn giàu cảm xúc nhưng chỉ có vài ba câu thoại kiệm lời - để chuyển thể? Câu trả lời chỉ đơn giản là hai tác giả "thích" truyện ngắn này. Trong vở kịch, các tác giả đã đưa thêm nhiều chi tiết, nhiều nhân vật hơn để khắc họa sinh động câu chuyện "tình chị duyên em" của ba người: Tư Nhỏ, Ba Lê và Út Lý. Ba Lê (diễn viên Ngọc Lan) vì tình yêu mãnh liệt, nửa đêm bỏ nhà trốn mẹ theo Tư Nhỏ (Trí Quang), rồi lại hồn nhiên lo: "Em theo không anh vầy, anh có khinh em không?". Út Lý (Hồng Ánh) vô tư lự, cộc cằn, thẳng tính nhưng hồn hậu, chứng kiến mối tình trái ngang của chị gái Ba Lê, dưới sự ngăn cấm mang nhiều thủ đoạn tàn nhẫn của mẹ mình là bà Hai, nên rưng rức trong lòng món nợ tình cảm với Tư Nhỏ.

Đến khi tóc lưa thưa sợi bạc, món nợ ấy vẫn còn nguyên. Tư Nhỏ chân chất, yêu thương chân thành, ngổn ngang giữa tình yêu và nỗi thù hận, chỉ có cách giấu tình yêu ấy tận sâu trong lòng, giữ bên ngoài lớp sắt đá, cư xử thô thiển với người chờ đợi anh hơn cả nửa đời. Trong khi đó, bà Hai là người gây ra số phận oan nghiệt của hai người con ruột thịt của mình, dù rằng những việc làm mang tiếng ác đó lại xuất phát từ sức mạnh của tình mẫu tử. Ái Như vào vai bà Hai không khỏi khiến khán giả vừa xem vừa tặc lưỡi về kỹ năng diễn tinh tế và xuất thần của chị. Chị tâm sự: "Bà Hai là một vai thú vị của tôi, "ngấm" từ khi làm đồng tác giả kịch bản đến khi vào vai, dưới sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn Thành Hội. Trạng thái, tình cảm của tôi trong cả hai vai trò đều chòng chành giữa việc bà Hai khắt khe, luôn muốn con mình phải đi theo nền nếp, gia phong gia đình mà chính bản thân bà đã được dạy dỗ. Những việc làm của bà đều xuất phát từ cái lý của một người mẹ, nhưng bà không hiểu được rằng, cuộc sống của con mình phải là do chính chúng lựa chọn. Vậy đấy, ai sống cũng có nửa cái sai và nửa cái đúng".

Bà Hai yêu con, nên ngăn cấm tình cảm của cô Ba Lê với chàng trai nghèo lái đò Tư Nhỏ, đi kiện Tư Nhỏ tội buôn lậu để đưa con gái trở về nhà gả cho một chàng trai giàu có khác là con chủ sạp trái cây, dù khi đó Ba Lê đã mang trong mình giọt máu của người mình yêu. Bà Hai thốt lời tàn nhẫn với người cha, người chồng đang điên cuồng cầm rựa tìm đến nhà bà tìm vợ, tìm con: "Muốn tìm con ra bãi rác mà tìm". Trí Quang, người vào vai Tư Nhỏ cáu bẳn, khó "cảm hóa", đã chinh phục được khán giả đồng cảm với mình. "Lần đầu tiên, tôi vào một vai nặng ký như thế này.

Thật ra, ban đầu vai Tư Nhỏ là của anh Thành Hội, nhưng anh đã dành đất cho diễn viên trẻ như tôi thể hiện khả năng. Tôi với Ngọc Lan hợp nhau lắm, vì đã từng đóng phim chung, cũng trong vai "bồ bịch" nên giờ diễn trên sân khấu rất ăn ý. Tôi nói với Ngọc Lan, anh em mình diễn sao cho khán giả thấy Tư Nhỏ và Ba Lê rất hạnh phúc, nhưng rồi sau đó, hạnh phúc lại rơi tự do, mất hết. Nhưng cảnh cuối là cảnh khó khăn nhất của tôi, khi biết tin Út Lý chết trong giếng rồi (thật ra ai cũng biết Út Lý giả đò để đo tình cảm của Tư Nhỏ). Tư Nhỏ đến bên cái giếng, thấy đôi dép của Út Lý bên thành giếng mà lòng quặn đau. Lúc đó, tình yêu thật sự đè nén dưới lòng hận thù bấy lâu nay dâng lên, tuôn trào. Thật sự rất  khó để lột tả hết trạng thái cảm xúc này".

Vở kịch kết thúc có hậu, nửa đời còn lại của Út Lý và Tư Nhỏ không dở dang, không mơ hồ, không nhiều nước mắt tiếc nuối như trong truyện ngắn Chiều vắng, làm người xem cũng nhẹ lòng khi ra về.

Thủy Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.