Xem phim Cải ơi: Về đi, về với yêu thương

11/01/2007 01:14 GMT+7

Một người cha dượng ngược xuôi khắp nẻo tìm đứa con gái của vợ mình. Một cô gái bị cha mẹ bỏ rơi không nguôi khát khao mái ấm. Một chàng trai nghèo ôm giấc mộng ca sĩ... Ba mảnh đời gặp nhau ở cái xóm nhỏ, trong dãy phòng trọ nghèo. Gặp nhau, tựa vào nhau để sống rồi lại xa nhau. Phim buồn như câu hát ru: Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

Phim mở ra bằng cảnh ông Tư Đèo gọi con: "Cải ơi, con ở đâu?" trước khi mở màn gánh hát giá bèo. Gánh hát tan, ông đi bán kẹo kéo nhưng cái điệp khúc gọi con cứ trở đi trở lại, day dứt khôn nguôi. Người đời thường bảo cha gà có bao giờ thương con vịt, nhưng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, tình thương ấy hiện hữu như một biểu tượng của tình người. Chất nhân văn lấp lánh trong Ơi cải về đâu và Biển đời mênh mông đã được chuyển tải trọn vẹn bằng hình ảnh đến khán giả.

Người cha lật đật hối hả kiếm tìm. Ở một chỗ cũng vì tìm con mà đi khắp nơi cũng vì tìm con. Ánh mắt hớt hải, dáng đi liêu xiêu của ông lạc giữa biển áo trắng học trò trong lúc miệng không ngớt gọi Cải ơi làm đau tận tâm can người xem. Hai tiếng Tía ơi trêu đùa của Diễm Thương làm ông Tư mừng đến phát rồ rồi ngã bệnh khi biết đó chỉ là trò đùa. Nhưng, trách gì người đùa, bởi cô cũng có hoàn cảnh bi kịch không kém.

Tiếng gọi Cải ơi ấy đã cứa vào lòng Thương những vết đau: "Sao mà tui thù cái con Cải đó không biết, nó chết bờ chết bụi thì chết đi, có cha có mẹ mà bỏ đi đâu. Còn tui nè, cha mẹ tui bỏ tui ở đây, tui đợi hoài, đợi hoài mà có ai đến đón tui về đâu". Ông nằm mẹp, nước mắt lưng tròng: "Tui thương nó như con ruột của tui. Vậy mà người ta đồn ác, nói tui ghét nó để nó bỏ đi, có người còn nói...". Người cha tìm con, hết cách khôn dồn đến cách dại: ăn trộm trâu để được lên truyền hình, đau đáu gọi: "Cải ơi, tía là Tư Đèo ở xóm Cỏ Cháy nè, con đang ở đâu?".

Ông Tư Đèo đáng trọng thế nào thì Diễm Thương đáng tội nghiệp thế ấy. Bán bia ôm, bị công an bắt, quay phim lên truyền hình, cô không cúi mà ngẩng đầu, vuốt tóc khoe gương mặt. Không phải vì trơ trẽn đánh mất tự trọng mà vì: "Tui cố tình đưa cái mặt tui ra coi cha mẹ tui ở đâu, thấy tui ở hoàn cảnh này có đau lòng không?".

Ba con người, ba cảnh ngộ gặp gỡ nhau như bèo mây tương phùng. Họ lặng lẽ đùm bọc, yêu thương nhau rồi lặng lẽ rời xa nhau cũng vì thương yêu. Ông quan tâm và thương yêu Thàn. Thàn gọi ông bằng "tía" xưng "con", hết lòng lo cho ông. Ông ngã bệnh, anh cạo gió và lắng nghe tâm sự đau đớn của ông. Thàn yêu thầm Diễm Thương, ông thấu hiểu và tìm mọi cách giúp đỡ.  Diễm Thương cong cớn mà chân thành, vì yêu mà bỏ đi để anh thực hiện giấc mơ ca sĩ. Khi rời nơi ấy, có lẽ cô sẽ nhớ mãi bông súng trắng cắm trên vách nhà tắm làm bằng lá dừa nước sơ sài mà anh con trai lặng lẽ tặng. Khi rời nơi ấy, Thàn hẳn sẽ còn nhớ mãi đêm duy nhất họ có nhau trong đời, nhớ ông Tư và tháng ngày đùm bọc lẫn nhau. 

Không chỉ mênh mông tình cha, miên man tình người, Cải ơi còn khắc họa một không gian Nam Bộ đậm đặc với các trích đoạn vọng cổ. Những câu hát nói thay tâm sự nhân vật. Những câu hát như dấu chấm câu cho từng thân phận buồn: "Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà”, bởi sợ định kiến cũng như nỗi buồn thân phận bị bỏ rơi mà cô gái rời xa chàng trai yêu cô thật lòng...

Kết phim, câu hỏi khắc khoải của ông già vẫn ám ảnh: "Hổng biết giờ này con Cải nó làm cái gì?". Tự nhiên, lòng người xem chùng xuống, như muốn khóc mà nước mắt không chịu rơi, cứ rưng rưng trên bờ mi. Tự nhiên, lòng muốn nói với cô Cải (hay nói với chính mình?) rằng: "Về thôi, về với những yêu thương".

H.A

(*) Phim Cải ơi, đạo diễn: Phương Điền, kịch bản Hoài Hương dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, diễn viên: Mạc Can, Bằng Lăng, Quang Tuấn... Hãng TFS sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.