Xu hướng làm phim hiện thực xã hội

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
25/11/2020 06:17 GMT+7

Có thể thấy phim Việt có nội dung về hiện thực xã hội trước nay xuất hiện không nhiều trên thị trường, bởi nhiều người cho là khô cứng, khó xem, cách làm chưa tới.

Song mới đây, nhiều phim có đề tài này ra rạp đã gây chú ý như Ròm, Tiệc trăng máu, Trái tim quái vật...
Doanh thu phim Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) đạt gần 70 tỉ đồng tại các rạp chiếu ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lại tại VN được xem như kỳ tích. Tiếp nối, bộ phim Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) cũng vừa công bố doanh thu 167 tỉ đồng tính đến 23.11. Sự quan tâm của khán giả dành cho các phim có đề tài hiện thực xã hội như trên là tín hiệu đáng mừng bởi nội dung này từng được đánh giá là “khó nhằn” so với những đề tài quen thuộc như tình cảm, hài, hành động - hài...

Không còn “khô”, mà gần gũi

Phim Ròm được một bộ phận khán giả yêu thích và khen ngợi về đề tài, tính hiện thực khi sử dụng những chất liệu đường phố và đặc biệt là nghệ thuật quay và dựng. Ròm có hơi hướng "neorealism" (tân hiện thực) về cuộc sống dưới đáy của những đứa trẻ bán vé dò xổ số và cả những mảng màu tối tăm bởi những phận người quẩn quanh trong cái nghèo của tệ nạn cờ bạc đỏ đen ở một khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Khi đồng tiền trở thành gánh nặng của tầng lớp lao động nghèo, họ sẵn sàng làm tất cả để đổi đời và đôi khi là trượt dài trong bế tắc.

Người nghệ sĩ cần có vốn hiện thực xã hội, phải hiểu, rung động và thấm với mảng đề tài phản ánh thì mới có thể làm phim khiến khán giả xúc động

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Gây rúng động với những vụ án mạng chung cư đúng chất thời sự nóng bỏng, Trái tim quái vật (đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp) là một bộ phim khác biệt so với những phim khác trên thị trường. Hiện thực xã hội trong phim được nhìn thấy ở bối cảnh khu chung cư ọp ẹp với lối sinh hoạt chung hỗn độn phức tạp giữa các căn hộ, câu chuyện đền bù giải tỏa, những buổi họp tổ dân phố, nghề làm gái mát xa của nhân vật chính... Phim sở hữu một số khung hình, góc máy độc đáo để lột tả sự ngột ngạt bên trong khu chung cư với những dãy hành lang, cầu thang cũ kỹ, u ám, đem đến góc nhìn chân thực, tạo điểm nhấn thị giác cho khán giả. Trong khi đó, Sài Gòn trong cơn mưa (đạo diễn Lê Minh Hoàng) theo chân những người tỉnh lẻ chọn đô thị lớn làm nơi mưu sinh và đã khắc họa một Sài Gòn với những con hẻm chằng chịt, xóm nhỏ đầy tình người, chợ hoa tết trên bến Bình Đông... Dù nội dung đề cập việc “nên chọn giữa tình yêu hay sự nghiệp” không mới, nhưng Sài Gòn trong cơn mưa vẫn chạm đến trái tim người xem vì ai cũng nhìn thấy tuổi trẻ của mình ở đó và cảm được hiện thực quá thật của Sài Gòn trong phim.
Với doanh thu ấn tượng, Tiệc trăng máu không chỉ đem lại những giây phút giải trí, mà còn chuyển tải một cách thu hút nhiều thông điệp xã hội qua thể loại phim “hài đen” (hiểu nôm na theo kiểu Việt là “hài châm biếm”) vốn ít xuất hiện trong điện ảnh Việt. Tiệc trăng máu thuyết phục khán giả Việt với những “châm biếm” sâu sắc về mọi ngóc ngách đời sống xã hội, như mối quan hệ của con người trong thời đại số, chuyện ngoại tình, chuyện tình dục trước hôn nhân, vấn đề con dâu không muốn ở chung với mẹ chồng nên tìm cách đưa vào viện dưỡng lão…

Nỗ lực chinh phục khán giả

Có thể thấy hiện thực xã hội trong phim không chỉ là màu u ám hay tuyền màu đen, mà muôn màu muôn vẻ, đủ sắc thái tùy thuộc vào câu chuyện mà các nhà làm phim chọn kể. Như phim Anh thầy ngôi sao (đạo diễn Đức Thịnh) chiếu cuối năm ngoái nói về một ca sĩ nổi tiếng đi trốn scandal bằng cách ra đảo, nhưng khi đến nơi, nhìn thấy những đứa bé của làng chài, anh quyết định dạy học cho chúng rồi yêu thích, đến ngày đi về lại không muốn rời xa đảo. Hay phim Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh), Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh)... cũng là hiện thực về chuyện xã hội, gia đình khi đối diện với một người con, người bố đồng tính thế nào. Doanh thu của các phim này ở mức vừa phải chứng tỏ khán giả không thờ ơ với những bộ phim mang hơi thở cuộc sống, có tính nhân văn.
Có nhiều phim, khán giả xem những hình ảnh miêu tả cuộc sống của các nhân vật trong phim ngột ngạt tăm tối, nhưng thấy rõ mạch phim đầy năng lượng và chực chờ bùng nổ. Dẫn dắt khán giả đi đến những cảm xúc ấy chính là cái tài của người đạo diễn. Nhà sản xuất - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Làm phim về đề tài hiện thực xã hội để hay và hấp dẫn khán giả là điều khó chứ không phải dễ. Hãy nhìn doanh thu toàn cầu của phim Hàn Quốc Parasite (Ký sinh trùng) từng đoạt Oscar hồi đầu năm nay và số tiền bán vé tại VN được gần 90 tỉ đồng của phim này cũng hiểu: Nếu đủ tài năng để làm ra một bộ phim xuất sắc mang đậm tính hiện thực xã hội thì sẽ lãi về doanh thu lẫn tiếng vang đến thế nào. Vì vậy, tôi tin dòng phim đề tài này có nhiều tiềm năng tại thị trường VN chứ không hề kén khán giả”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh trong một buổi giao lưu tại TP.HCM đã chia sẻ: “Trong muôn vàn phong phú của hiện thực, người làm phim lựa chọn hiện thực nào đó để đưa lên phim. Tôi chắc chắn hội đồng thẩm định phim hiện tại đã cởi mở hơn trong vấn đề kiểm duyệt phim nhằm phát huy sự sáng tạo của nghệ sĩ, để chờ đón những bộ phim có tầm vóc, gai góc hơn của điện ảnh Việt. Người nghệ sĩ cần có vốn hiện thực xã hội, phải hiểu, rung động và thấm với mảng đề tài phản ánh thì mới có thể làm phim khiến khán giả xúc động”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.