Văn học Nhật đâu chỉ có Murakami!

29/09/2009 23:10 GMT+7

Văn học Nhật Bản đang trở lại với người đọc Việt Nam qua khá nhiều tác phẩm của những tác giả quen thuộc: Murakami Haruki, Yoshimoto Banana, Yamada Eimi... Vì thế, Hội thảo Văn học Nhật Bản do Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Japan Foundation) tổ chức tại TP.HCM (từ 25 - 28.9) đã diễn ra trong không khí rất nghiêm túc và hào hứng.

Qua sự trình bày của Mitsuyoshi Numano, giáo sư văn học ĐH Tokyo, văn học Nhật Bản hiện ra như một sự tổng hòa của cả bề dày lịch sử 1.300 năm, cộng với những ảnh hưởng thu nhận từ nước ngoài (Trung Quốc, phương Tây), những yếu tố từ thiên nhiên Nhật với 4 mùa rõ nét, và tính trữ tình đặc trưng, cố hữu. Ngôn ngữ Nhật cũng chịu ảnh hưởng của chữ Hán trước đây, và Anh, Đức, Pháp sau này, tuy nhiên tất cả đều được Nhật Bản hóa với cách phát âm kiểu Nhật, phương cách mà người Nhật sử dụng để làm phong phú thêm ngôn ngữ gốc của mình.

Song song với việc giới thiệu thơ Haiku và thơ hiện đại Nhật, giáo sư Mitsuyoshi Numano đã nói về văn xuôi Nhật, chú trọng nhất đến tiểu thuyết cận - hiện đại. Đây cũng là phần mà cử tọa hết sức chú tâm. Giáo sư cho rằng 10 tên tuổi lớn nhất của văn học cận - hiện đại Nhật Bản là: Mori Ogai, Natsume Soseki, Tanizaki Junichiro, Akutagawa Ryunosuke, Dazai Osamu, Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, Abe Kobo, Oe Kenzaburo, và Murakami Haruki. Và ông cũng tiếc là họ không được giới thiệu đầy đủ như với Murakami Haruki hiện nay.

Bên cạnh những tác giả - tác phẩm rất nổi tiếng viết bằng tiếng Nhật đã được biết, còn có một hiện tượng xuyên biên giới là người Nhật sáng tác bằng tiếng nước ngoài: Tawada Yoko sáng tác bằng hai ngôn ngữ Đức - Nhật. Hoặc người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Nhật: Levi Hideo người Mỹ, được coi là một trong những tác giả quan trọng nhất Nhật Bản hiện nay. Tiểu thuyết Vỡ thành muôn mảnh của ông đã giành giải Osaragi Jiro của báo Asahi. Còn có Roger Pulvers kịch tác gia - tiểu thuyết gia người Úc; Arthur Binard, nhà thơ Mỹ; và nữ tiểu thuyết gia Trung Quốc Dương Di đã giành được giải Akutagawa uy tín.

Không chỉ có thế, nhiều nhà văn Nhật Bản sống bên ngoài Nhật Bản cũng đang viết về Nhật Bản hay bối cảnh ngoài Nhật Bản: nhà văn nữ Mizumura Minae, và các nhà văn Ikezawa Natsuki, Shimada Masahikio, Horie Toshiyuki...

Về văn học Nhật Bản hiện đại, giáo sư Mitsuyoshi Numano đã mạnh dạn chia làm 2 thời kỳ: tiền-Murakami và hậu-Murakami. Bởi vì, cho dù Murakami bị chính giới cầm bút Nhật Bản cho rằng không kế thừa văn học truyền thống Nhật Bản, thì trong mắt độc giả nước ngoài, họ vẫn nhận ra những yếu tố Nhật Bản truyền thống trong tác phẩm của Murakami, bên cạnh tính toàn cầu và những ảnh hưởng của văn hóa Mỹ. Ấy là chưa kể hiệu ứng mà Murakami đã gây nên trên những tác giả trẻ của Nhật Bản, như Furukawa Hideo - tiểu thuyết gia đại chúng được giới trẻ yêu thích; Isaka Kotaro - tác giả truyện ly kỳ ăn khách; hay Kawakami Mieko, nhà văn - nhà thơ nữ xuất hiện “như một sao chổi” và đang rất được kỳ vọng...

Dostoievski của văn học Nga cũng được giáo sư nhắc đến, với tư cách là một tác giả cổ điển mới được dịch lại và đã có số bản in vượt quá 1 triệu bản với tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov. Theo giáo sư: “Khi xếp chung Oe Kenzaburo, Murakami Haruki và Dostoievski với nhau, ta có thể thấy được bức tranh tổng thể về cái mà độc giả Nhật Bản đang tìm kiếm trong tiểu thuyết”.

Còn một tác giả đặc biệt mà giáo sư rất muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam, đó là Miyauchi Katsusuke, với tiểu thuyết Thiêu thân, xuất bản năm 2005. Tác giả đã “đi khắp Việt Nam, vượt qua hàng rào ngôn ngữ để tìm câu trả lời” về hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã tự thiêu để phản kháng chế độ Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn 1963. Cuộc lên đường sau hơn 40 năm của tác giả là muốn tìm cho ra ý nghĩa của cuộc sống sau sự kiện ngày 11 tháng 9.

Để có thể hiểu biết về một nền văn học có độ dài 1.300 năm, cuộc hội thảo 3 ngày chỉ như một vài nét nhấn. Thế nhưng qua sự nồng nhiệt đầy tôn trọng giữa nguời nói và người nghe, người ta có thể nhận ra rằng, cái đẹp luôn có nhu cầu tìm tới với cái đẹp. Và chỉ bằng cầu nối văn hóa, người ta mới có thể vượt qua những rào cản ngôn ngữ, lịch sử..., để đến với nhau qua niềm đồng cảm.

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.