Vẫn nhiều cơ hội vào đại học nếu điểm thi không như ý

16/07/2019 08:08 GMT+7

Sau khi biết điểm thi, nhiều thí sinh có mức điểm không như mình kỳ vọng, hoặc cao hơn so với dự đoán. Vậy thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng? Nếu có thì làm thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất?

Các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ đã có nhiều lời khuyên bổ ích trong chương trình tư vấn trực tuyến “Cần làm gì sau khi biết kết quả thi” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 15.7 tại thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.

Nên tận dụng các phương thức xét tuyển

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), năm 2019 có nhiều phương thức tuyển sinh mới so với các năm trước. “Chẳng hạn phương thức xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét từ điểm công nhận tốt nghiệp, tổ chức thi riêng hoặc kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi. Các phương án này có giá trị độc lập”, tiến sĩ Hải liệt kê.
Bà Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, khuyến khích thí sinh (TS) nên tận dụng tối đa các phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.
Trả lời cho thắc mắc các phương thức xét tuyển này có giá trị như nhau không, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Tất cả các phương thức xét tuyển đều giúp TS có cơ hội như nhau, khi trúng tuyển thì chương trình học, giảng viên, cơ sở vật chất cho việc học tập, học phí, học bổng, bằng cấp… đều như nhau, không phân biệt”.

Có nên điều chỉnh nguyện vọng

Thời điểm này, nhiều TS cũng băn khoăn không biết có nên điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian sắp tới hay không. Tiến sĩ Võ Thanh Hải nhìn nhận: “Từ thời điểm này, câu chuyện xét tuyển bắt đầu rất gay cấn. Đó là các bạn cần phải xem mức điểm của mình còn phù hợp so với lúc đăng ký nguyện vọng hồi tháng 4 hay không? Những bạn đạt điểm cao hơn so với mức điểm chuẩn vào ngành, trường mình yêu thích trong 3 năm trở lại đây thì không có gì lo lắng. Nhưng với TS có số điểm thấp hơn so với kỳ vọng, nhất là nằm trong phổ điểm có số lượng TS quá nhiều, thì các em bắt buộc phải cân nhắc để điều chỉnh”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương phân tích: “Năm nay mức điểm từ 17 - 20 khá phổ biến. Các em xem mức điểm mình đạt được là bao nhiêu, rồi tham khảo điểm chuẩn các năm vào ngành mà mình chọn, đồng thời so sánh với điểm xét tuyển của các trường. Nếu phù hợp rồi thì không cần điều chỉnh, các em chỉ nên điều chỉnh khi điểm quá thấp hoặc quá cao so với dự kiến”.
Tương tự, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý TS hết sức thận trọng khi điều chỉnh. “Không nên theo tâm lý đám đông mà phải xem xét có thực sự cần thiết hay không. Trước tiên, phải tìm hiểu phổ điểm của các tổ hợp môn, xem điểm của mình rơi vào phân khúc nào, đồng thời tham khảo điểm chuẩn ngành mình muốn trong 3 năm trở lại đây ở khoảng nào…”, thạc sĩ Tư nhận định. 
Có 3 ngày điều chỉnh nguyện vọng thử
Từ ngày 16 - 18.7, Bộ GD-ĐT cho phép TS có thể dùng tài khoản của mình để thay đổi nguyện vọng thử nghiệm. Việc điều chỉnh nguyện vọng chính thức bằng phiếu bắt đầu từ ngày 22 - 31.7 (có thể tăng nguyện vọng) hoặc trực tuyến từ ngày 22 - 29.7 (không được tăng số lượng nguyện vọng), nộp tại trường THPT mình theo học.
Cơ hội trúng tuyển nhiều ngành “hot”
Bà Trương Thị Ngọc Bích cho biết Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có mức điểm xét tuyển dự kiến cho 20 ngành đào tạo là 15 điểm ở tất cả các tổ hợp môn. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành kinh doanh quản lý, marketing, luật, quan hệ công chúng và truyền thông, ngôn ngữ Nhật, Hàn… thu hút nhiều TS.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình cũng thông tin: “Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét 5.700 chỉ tiêu các nhóm ngành kinh tế, sức khỏe, nhân văn, kỹ thuật nghệ thuật… TS quan tâm nhiều đến các ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ ô tô”.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dành 65% chỉ tiêu cho phương thức điểm THPT quốc gia, 25% cho việc xét học bạ lớp 12 và 5% cho kết quả thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ở các khối ngành sức khỏe, kinh tế, kiến trúc, mỹ thuật, du lịch…
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn hiện đang nhận hồ sơ theo phương thức xét tuyển học bạ lớp 12 với điểm trung bình từ 6,0 và điểm 3 môn tổ hợp từ 18 trở lên cho các ngành như kỹ thuật phần mềm, ngôn ngữ Anh, quản trị nhà hàng khách sạn…
Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) xét tuyển bằng 3 phương thức: xét tuyển thẳng, học bạ lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia cho các ngành an toàn thông tin, thiết kế đồ họa, tài chính ngân hàng, kỹ thuật xây dựng… Ngoài ra, trường có chương trình tài năng, tiên tiến và quốc tế.
Tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, TS có điểm học bạ 3 môn xét tuyển đạt 15 điểm, thi THPT quốc gia 13 điểm trở lên là có thể nộp hồ sơ vào những ngành mà doanh nghiệp đang cần như ngành công nghệ ô tô, công nghệ cơ khí, điện công nghiệp, kế toán, quản trị nhà hàng khách sạn…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.