Văn Thành Lê và câu chuyện về xứ sở thần tiên của tuổi thơ

14/11/2020 09:00 GMT+7

Sau Trên đồi, mở mắt, và mơ , cuốn sách Bên suối, bịt tai nghe gió của Văn Thành Lê được xem là mạch đập tiếp nối câu chuyện cậu bé Thành và kỳ nghỉ hè ở quê nội ăm ắp biết bao điều diệu kỳ, hấp dẫn.

Không chỉ mở ra nhiều không gian kỳ thú đối với trẻ thơ, trong Bên suối, bịt tai nghe gió, mùa hè của cậu bé Thành cùng các bạn còn là bước chân tiến gần đến những con người, những cảnh đời đặc biệt. Để từ đó, các bạn nhỏ hiểu hơn cuộc sống, yêu hơn những con người đang ở quanh mình.
Vẫn là biệt đội trẻ làng có Lê thủ lĩnh, Văn lắp, Điệp điệu và Tuyết đen. Vẫn là dẫn theo lời kể của nhận vật tớ - Thành - “Tớ đeo kính cận và luôn ôm theo cuốn từ điển Tiếng Việt. Để gặp từ gì khó hiểu là tớ tra liền, biết ngay”. Chỉ khác là trong hành trình năm nay, hội “vui không thể tả” đã bước qua mùa hè lớp Năm, gia nhập thêm thành viên mới là em Bống. Đặc biệt, bảo bối lận lưng - từ điển Tiếng Việt đã được trao quyền lại cho Bống sau khi được anh dạy cho cách tra từ điển.
Qua lăng kính của cậu bé Thành 10 tuổi với những hồn nhiên đúng tuổi, lém lỉnh và ham học hỏi, hành trình khám phá cuộc sống muôn màu được mở ra. Đi qua từng chương đoạn Thời gian có cánh có chân, Sáng mắt sáng lòng, Sách ơi, mở ra - như những đoạn phim ngắn được kết nối liền mạch với nhau, bạn đọc khó mà từ chối lời mời gọi hấp dẫn của nhân vật kể chuyện xưng “tớ”. Không có dấu chân của những phố xá phồn hoa, những trò chơi điện tử hay internet. Chân bước đều cùng bạn nhỏ, theo đến tận cùng ngóc ngách vẫn là hình ảnh cuộc sống làng quê Bắc Bộ hiện ra mộng mơ và xinh đẹp.
Mùa hè của Thành cùng hội bạn trong Bên suối, bịt tai nghe gió có màu gì? Hẳn nhiên là có màu vàng của những ngày hạ rực rỡ, có sắc xanh của làng quê Bắc Bộ thanh thản yên bình. Thế nhưng xuyên suốt nhất vẫn là chất màu trong vắt vẻo của những ngô nghê sáng sáng. Nếu chưa được thăm thú đến miền đất tuổi thơ của Thành, bạn sẽ tò mò có gì mà khiến cậu bé Thành luôn tự hào về xứ sở thần tiên quê nội như một nơi chốn tuyệt diệu để trở về trong mỗi mùa hè? Góp mặt để làm nên sự giàu có ăm ắp đó, ngoài những nhân vật trên, không thể không kể đến bạn bè, là ông bà nội, cô Lâm, kể cả chú lợn út xứng danh “nam vương hoa hậu” đã được kể ở năm ngoái. Ngoài ra còn có những trải nghiệm sống động, tràn ngập tiếng cười của trò Phiếu lá mít hay chuyện đoàn lô tô - như một đặc quyền chỉ dành cho những đứa trẻ quê.
Lợn hiểu tiếng người - nghe thì khó tin thật nhưng mà đó là chuyện xuất hiện trong Bên suối, bịt tai nghe gió qua những bật mí. Theo lời Thành, con lợn út nhà ông bà nội có khả năng hiểu được lời của Thành và em Bống bằng việc nó luôn vẫy đuôi và ụt à ụt ịt theo cách trả lời của một chú lợn. Dũng mãnh, quyết đoán như Lê thủ lĩnh chắc chắn sẽ khiến các độc giả nhí bật cười ha hả khi Lê được nhắc đến với hình ảnh tè ướt đũng quần thậm chí ướt cả sân khấu vì tận mắt chứng kiến màn nhắm mắt phi dao của đoàn lô tô.
Rộn ràng và luôn rổn rảng tiếng cười bởi những trò lí lắc, nghịch ngợm là không gian bao trùm lên toàn bộ cuốn sách. Nhưng mạch ngầm kết nối từng câu chuyện vẫn là tình yêu thương ấm áp. Thành kể về những con người máu mủ, bác hàng xóm, con vật, cây cối bằng tất cả sự mến yêu và thương quý. Đúng như nhan đề của chương đoạn Yêu thương hóa giải mọi chuyện, với Thành yêu thương là sợi dây gắn kết, là phép màu để hàn gắn và chữa lành tất cả. “Không chỉ lợn mà con vật nào cũng có thể hiểu con người. Yêu thương nó, nó hiểu. Độc ác với nó, nó cũng hiểu. Nếu không tin, bạn cứ thử yêu thương một cái cây hay một con vật nào đó đi. Chắc chắn bạn sẽ hiểu được tiếng nói yêu thương của loài đó đáp lại”.
Ai thông minh hơn học sinh lớp Năm? Chắc chắn phải kể đến Thành rồi. Vô tư và trong veo, sẵn sàng tham gia và mọi cuộc tinh nghịch là thế nhưng thấp thoáng trong những câu chuyện Thành còn hiện rõ lên mồn một là “ông cụ non” nhiều lý lẽ pha lý sự. Đi hết cùng cậu bé trong kỳ nghỉ hè, bạn đọc hẳn sẽ có một “sàng khôn” mang về với những chân ái rút ra được mà theo như Thành kể là “bố tớ nói”. Đây chính là những bài học được tác giả kín đáo ký gửi vào sau con chữ, không theo cách lồ lộ giáo điều mà ẩn dụ một cách ý nhị và mang những vẻ đẹp rất riêng.
Đi từ những sôi nổi, hăng hái và những phút nín thở như việc gửi đi các tập thơ của Văn lắp đến tòa soạn thì trong Bên suối, bịt tai nghe gió cũng không thiếu những nốt trầm. Tụi trẻ vừa mới tốt nghiệp Tiểu học đã biết trầm tư, nhận ra sự thay đổi của làng quê. Sự ra đi của bác Phú là một mất mát lớn đối với người dân quê. Buồn nhưng không bi ai, điều lay động ở đây chính là những giọt nước mắt lấp lánh, sự đồng cảm, sẻ chia của các bạn nhỏ trước khoảng lặng của cuộc sống xung quanh.
Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng - sông - tuổi - thơ. Tuổi thơ tôi, tuổi thơ trong trí tưởng tượng. Tuổi thơ các em bây giờ. Hầu hết đều gặp nhau ở sự tinh khôi, tinh khiết, tinh nghịch đến tinh quái. Bởi vậy, khi cho câu chữ “bơi” về phía ấy, tôi thấy mình như được tiếp thêm năng lượng, trường năng lượng mà bất kỳ ai cũng mơ màng muốn có” - tác giả Văn Thành Lê chia sẻ.
Dí dỏm, hài hước, cảm động mà cũng rất có sức mạnh cổ vũ. Cổ vũ các bạn nhỏ biết sống thẳng ngay, biết yêu thương, biết lan tỏa văn hóa đọc hay sẵn sàng tham gia vào các cuộc thi sáng tác dành cho thiếu nhi là những giá trị mà Bên suối, bịt tai nghe gió mang lại. Ngoài vẻ đẹp nội dung, minh họa cũng góp phần bồi đắp nên sự lôi cuốn hấp dẫn của cuốn sách.
Với bạn đọc nhỏ tuổi, Bên suối, bịt tai nghe gió đã đánh thức các em hãy bỏ xuống những chiếc điện thoại thông minh, những trò chơi tiêu khiển để cùng hòa mình vào thiên nhiên, cuộc sống thường nhật, lắng nghe những điều bình dị nhất như cách các bạn nhỏ đã thử bịt tai và thử nghe xem gió nói điều gì ở bên suối. Còn với những bạn đọc không còn nhỏ tuổi, cuốn sách cũng đánh thức “những đứa trẻ đã từng lớn lên” trong họ, để họ hiểu được rằng niềm vui không ở đâu xa mà ở ngay cạnh, hiện diện xung quanh chúng ta.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.