Vẫn tổ chức hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tại các đặc khu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/04/2018 10:59 GMT+7

Bộ Chính trị đã có ý kiến chỉ đạo về mô hình chính quyền địa phương đặc khu. Theo đó, chính quyền đặc khu vẫn tổ chức HĐND, UBND nhưng theo hướng gọn nhẹ và đổi mới cả chức năng, nhiệm vụ.

Sáng nay, 4.4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận cho ý kiến dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới.

 

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự luật tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tên của dự thảo luật được điều chỉnh thành luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án luật này.

 

Đối với vấn đề tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu vẫn còn ý kiến khác nhau tại kỳ họp lần thứ 4 của Quốc hội, ông Định cho hay, dự thảo lần này đã được chỉnh lý bảo đảm với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị T.Ư 11 khóa 11 và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.

 

Theo đó, ý kiến của Bộ Chính trị là mô hình chính quyền của đặc khu gồm có hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND), nhưng tổ chức gọn nhẹ, đổi mới cả chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu phù hợp với đặc thù của đặc khu.

 

Cụ thể, tại dự thảo luật gửi các đại biểu tại hội nghị, điều 59 quy định chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND đặc khu và UBND đặc khu, thay vì mô hình trưởng đặc khu như dự thảo trước.

 

Ông Định cũng cho biết, để tăng cường kiểm soát với cơ quan chính quyền địa phương đặc khu, dự thảo lần này bổ sung thêm quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu, do Thủ tướng thành lập tại điều 80.

 

Lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu: Nên hay không?

 

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc dự thảo lần này xác định chính quyền địa phương đặc khu là cấp chính quyền địa phương thì đương nhiên phải có HĐND và UBND, vì điều này đã được quy định tại Hiến pháp.

 

Tuy nhiên, ông Tám không đồng tình với đề xuất thành lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu vì theo quy định như dự thảo, đã có nhiều cơ quan thực hiện việc giám sát kiểm tra, nếu có thêm Ban tư vấn thì sẽ có thêm nhiều ràng buộc với chủ tịch UBND và UBND đặc khu.

 

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, việc yêu cầu với chủ tịch UBND đặc khu phải báo cáo xin ý kiến và khi không thống nhất ý kiến với Ban tư vấn thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do vì sao không thống nhất có thể làm chậm chức năng, nhiệm vụ của chủ tịch UBND và UBND đặc khu. Từ đó, bà Lan đề nghị không cần thiết phải đặt Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu ngay tại các đặc khu như dự thảo.

 

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại ủng hộ phương án thiết kế Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu. Theo ông Hàm, thiết kế ban này là mô hình mới, giúp kiểm soát quyền lực và cân bằng quyền lực, tránh tình trạng xảy ra sai phạm rồi lại xử lý cán bộ, nhất là trong trường hợp trao quyền lớn cho chủ tịch UBND đặc khu như dự thảo luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.