Vẫn tranh luận "sổ đỏ - sổ hồng" hay một sổ

02/06/2005 23:18 GMT+7

Hôm 2/6, cho đến hết ngày làm việc, vẫn còn nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký nhưng chưa được phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở. Đưa ra lấy ý kiến QH lần đầu, dự thảo luật này đã có những quy định được đa số ĐB đồng tình như đăng ký thuê, mua nhà ở thương mại mà không cần sổ hộ khẩu; các chính sách ưu đãi về thuê, mua nhà cho đối tượng có thu nhập thấp...

Nhà ở xã hội: Chỉ tính giá bán bằng giá thành

Các ĐB đều bày tỏ sự đồng tình với việc ban soạn thảo đặt ra nhiều quy định về việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, cán bộ, chiến sĩ quân đội, cán bộ, công chức công tác ở biên giới, hải đảo... mua nhà. Dự luật cũng đặt ra một số điều khoản về quỹ nhà ở xã hội, trong đó quy định rõ việc quy hoạch, dành quỹ đất, nguồn vốn để phát triển quỹ nhà ở xã hội,  đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp mà thực sự có khó khăn về nhà ở.

ĐB Đinh La Thăng (Thừa Thiên-Huế) nhất trí, nhưng cho rằng: "Cách thể hiện như trong dự luật chưa tốt. Theo tôi, phải nêu rõ căn cứ giá nào để bán cho người có thu nhập thấp". Ông đề xuất: "Tôi cho là giá bán nhà cho đối tượng chính sách, khi xây dựng phải dựa chủ yếu trên giá thành, còn không tính các chi phí về hạ tầng, cái đó Nhà nước, các tổ chức kinh tế  khác lo". Và để tránh tình trạng lợi dụng chính sách để mua đi, bán lại, kiếm lời, ĐB Đinh La Thăng kiến nghị: "Khi đã bán, phải quy định người đó không được bán cho đối tượng khác, còn nếu không có nhu cầu sử dụng thì buộc phải giao lại cho ban quản lý nhà".

ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) góp ý: "Phải quy định rõ đối tượng thu nhập thấp (được mua nhà) là người có thu nhập thế nào hay ta lấy tiêu chí hộ nghèo hiện nay (có mức thu nhập dưới 150.000 đồng/tháng)?". Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Cù Thị Hậu thì đề nghị bổ sung thêm đối tượng nghèo, có thu nhập thấp vào nhóm được ưu đãi thuê, mua nhà là công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, học sinh, sinh viên nghèo...

ĐB Lê Quốc Dung (Thanh Hóa) bổ sung: "Tôi đề nghị thêm quy định nghiêm cấm đầu cơ nhà ở dành cho đối tượng chính sách và  phải đảm bảo, thể hiện được tính công khai, minh bạch trong việc mua, bán loại nhà này".

"Như thế rất phiền hà cho dân!"

Sôi nổi nhất trong những vấn đề thảo luận ngày hôm qua là việc nên cấp 2 giấy riêng biệt - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (QSHN) - hay gộp chung 2 loại này vào 1 giấy. Theo thiết kế trong dự thảo Luật Nhà ở, "chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, cá nhân tạo lập nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận QSHN ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận QSHN". ĐB Phan Thị Tuyết Mai (Vĩnh Long) cho rằng: "Nên cấp 2 giấy riêng biệt vì QSHN phát sinh sau QSDĐ". ĐB Đào Xuân Nay (Bình Thuận) nói: "Theo tôi, tùy theo trường hợp cụ thể mà ta cấp 1 hay 2 giấy". Ông đề xuất: "Thứ nhất là ta cấp một loại giấy với 2 nội dung, áp dụng với loại nhà ở và đất ở luôn gắn với nhau, khi chủ sở hữu thực hiện chuyển QSHN đồng thời cũng phải chuyển QSDĐ có nhà ở. Còn với nhà ở xây dựng trên đất thuê, thuê lại hay nhà ở chung cư thì nên cấp 2 loại giấy riêng biệt".

Nhưng ĐB Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) lại không nghĩ thế: "Đã có Giấy chứng nhận QSDĐ, phải đi xin giấy phép xây dựng rồi lại phải đi xin Giấy chứng nhận QSHN thì sẽ tạo đất làm ăn cho người có động cơ không trong sáng". Dẫn ra trường hợp một người dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bị  chủ tịch, cán bộ địa chính phường nhũng nhiễu, làm khó đến lần thứ 30 đi xin mới được cấp "sổ đỏ", ĐB Hồng Vy nói: "Số lượng Giấy chứng nhận QSHN còn lớn hơn rất nhiều Giấy chứng nhận QSDĐ và thủ tục còn phức tạp hơn. Theo tôi, cứ cấp 1 giấy thì đơn giản thủ tục và  tránh phiền hà  cho dân và cũng thuận tiện cho các giao dịch về nhà ở".

Trưởng ban Dân nguyện của QH, ông Lê Quang Bình đứng lên nói: "Lâu nay nhiều quy định của ta chỉ thuận lợi cho cơ quan nhà nước mà không thuận lợi cho dân. Bây giờ, nếu phải cấp riêng 2 giấy thì khi cấp giấy chứng nhận về tài sản trên đất, nếu là nhà ở thì đi xin  Bộ Xây dựng, nếu tài sản là trạm bơm, vườn cây lâu năm lại phải đi xin xác nhận của cơ quan quản lý về nông nghiệp, hay có một cơ sở công nghiệp lại đi xin xác nhận của ngành công nghiệp...". Ông kết luận: "Như thế rất phiền hà cho dân. Ta nên tổ chức như các nước, có dịch vụ hành chính công để dân chỉ đến đó một lần đăng ký tài sản và cơ quan đó sẽ có trách nhiệm điều tra, xác nhận. Không nên quy định cứng phải có "sổ hồng" riêng và không nên chỉ là cơ quan nhà nước cấp vì có thể thay bằng tổ chức dịch vụ hành chính công". ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nêu sáng kiến: "Chúng ta nên làm một sổ nhưng chia làm 2 phần: một số trang theo dõi về nhà ở, một số trang về đất ở".

Dự kiến Luật Nhà ở sẽ được QH thông qua trong kỳ họp lần sau vào cuối năm nay.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.