Giá vàng miếng SJC cách xa thế giới
Hôm qua (29.1), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vàng miếng với giá 74,3 triệu đồng/lượng và bán ra 76,8 triệu đồng. Mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới gần 16 triệu đồng. Trong khi đó, vàng nhẫn 4 số 9 của SJC được mua vào 62,8 triệu đồng và bán ra 64 triệu đồng/lượng, chỉ cao hơn thế giới khoảng 3,5 triệu đồng.
Giá vàng miếng SJC vẫn giữ mức cao hơn vàng thế giới 15 - 16 triệu đồng/lượng trong những ngày qua, bất chấp cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thanh tra thị trường vàng và các bộ, ngành khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1.2024.
Biến động vàng ngày 30.1: Giá vàng trong nước tiếp đà tăng
Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng miếng SJC với thế giới là do tình trạng độc quyền sản xuất từ khi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 24) ra đời năm 2012 đến nay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu vàng miếng này. Từ đó giá vàng miếng cứ "một mình một chợ" và ngày càng chênh lệch lớn với thế giới.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, phân tích trước đây khi Chính phủ ban hành NĐ 24 có thể phù hợp khi tình trạng vàng hóa diễn ra đáng lo ngại. Nhưng đến nay tình hình kinh tế đã quá khác nên không thể tiếp tục duy trì quy định này.
"Trước đây có tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế là do nhà nước cho phép các NH huy động và cho vay bằng vàng. Từ đó vàng trở thành một phương tiện thanh toán phổ thông như người dân có thể mua xe, mua nhà và thanh toán bằng vàng. Thế nhưng hiện nay, các NH không được phép thực hiện việc huy động và cho vay bằng vàng. Vì vậy vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ thông nữa. Trong khi đó, từ khi NĐ 24 ra đời đến nay, người ta hiểu chỉ có NHNN là "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC.
Thực tế hơn 10 năm qua cũng chỉ có vàng miếng SJC mới ngày càng chênh lệch giá quá cao so với thế giới. Còn vàng nhẫn, vàng nữ trang thì không biến động mạnh mà chỉ đi theo diễn biến của kim loại quý thế giới. Trong khi đó, cùng là vàng thì chất lượng là ngang nhau. Do đó cần thiết phải thay đổi việc này và không cần duy trì tình trạng độc quyền nói trên", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Nên bỏ tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nếu vẫn duy trì NĐ 24 với tình trạng "độc quyền" sản xuất vàng miếng SJC như hiện nay thì chênh lệch giá trong và ngoài nước càng lớn. Đồng thời, có thể gây ra tình trạng buôn lậu gia tăng, ảnh hưởng đến chính sách tỷ giá ngoại tệ của nhà nước. Vì vậy, cần bỏ quy định hiện hành, trả lại thương hiệu SJC cho công ty này và cho phép các đơn vị kinh doanh vàng bạc khác tự do mua bán các loại vàng, từ vàng miếng đến vàng nhẫn, để cho thị trường cạnh tranh tự do và người dân thích mua thương hiệu vàng nào là tùy ý. Thực hiện việc này sẽ không lo tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế bởi hiện nay các NH vẫn không được phép huy động và cho vay bằng vàng. Vàng không phải là phương tiện thanh toán nên không trở nên phổ biến.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng nên thay đổi cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Cụ thể, cho nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng với thương hiệu riêng để chấm dứt tình trạng độc quyền chỉ mình vàng miếng SJC. Tuy nhiên, việc cho phép nhập khẩu vàng vào VN hằng năm vẫn phải theo quy định với hạn mức nhất định, có sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN do liên quan đến vấn đề tỷ giá, ổn định tiền đồng.
Thậm chí, nhà nước có thể xem xét áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng nguyên liệu để gia tăng nguồn thu. Khi việc nhập khẩu được công khai cùng với các loại thuế, phí thì việc tính ra giá vàng miếng trên thị trường cũng đơn giản. Từ đó giúp chênh lệch giữa vàng miếng trong nước với thế giới thu hẹp lại nhiều so với hiện nay.
"Việc cho phép nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng sẽ không thể nào khiến tình trạng vàng hóa diễn ra. Bởi hiện nay người dân không có nhu cầu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong các hoạt động giao dịch hằng ngày. Thậm chí những giao dịch lớn như mua bất động sản, xe hơi… cũng sẽ không có chuyện sử dụng vàng để thanh toán", TS Hiển chia sẻ.
TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, đặt vấn đề vì sao chỉ có vàng miếng mới chênh lệch quá cao so với giá thế giới, trong khi vàng nhẫn các loại lại không thay đổi nhiều từ khi NĐ 24 ra đời đến nay, vẫn chỉ chênh lệch từ 2 - 4 triệu đồng/lượng là mức chấp nhận được. NHNN đã công bố không nhập khẩu vàng trong thời gian qua, nhưng không ai biết được có bao nhiêu vàng miếng SJC đang có trên thị trường, vàng miếng SJC hằng năm cung ứng ra là bao nhiêu?...
"Chỉ cần sửa đổi NĐ 24 như bổ sung cơ chế giám sát hoạt động sản xuất, giao dịch vàng miếng SJC cụ thể như thế nào? Bởi nếu muốn thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng thì phải minh bạch hoạt động sản xuất và giao dịch, nhất là khi vẫn giữ thương hiệu vàng quốc gia khi đã tạo dựng được nhiều năm qua", ông Chí đề xuất.
Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhấn mạnh NĐ 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012, đến nay cách quản lý thị trường vàng theo NĐ 24 đã không còn phù hợp, rất cần có sự thay đổi. Thị trường vàng liên thông quốc tế rất mạnh. Sự biến động của thị trường quốc tế sẽ tác động ngay đến thị trường các quốc gia. Vì vậy, VN cũng phải bỏ các công cụ để có thể liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế.
Bình luận (0)