Vàng tăng giá mạnh

30/01/2020 07:03 GMT+7

Nghỉ giao dịch những ngày Tết âm lịch nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng liên tục theo giá thế giới .

Lên hơn 44 triệu đồng/lượng

Như đã dự báo từ đầu năm nay, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng. Nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy giá vàng đi lên là nhu cầu mua các loại tài sản an toàn đang tăng cao, bao gồm vàng, trái phiếu chính phủ...

TS Phan Dũng Khánh,  giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân BizLight

Hôm qua 29.1, giá vàng quay đầu giảm nhẹ sau 2 ngày tăng mạnh trước đó nhưng vẫn đứng ở mức cao. Dù Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chưa hoạt động trở lại thì giá bán vàng miếng SJC tại Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được công bố mua vào 43,6 triệu đồng/lượng và bán ra 44,2 triệu đồng/lượng. So với ngày 28.1, giá vàng miếng SJC giảm 50.000 - 200.000 đồng/lượng. PNJ giảm giá mua vàng mạnh hơn giá bán ra khiến chênh lệch giữa giá mua - bán tăng lên 600.000 đồng/lượng thay vì 450.000 đồng/lượng trước đó. Riêng vàng miếng PNJ có giá mua 43,6 triệu đồng/lượng, bán ra 44,4 triệu đồng/lượng.
Ở khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), các tiệm vàng của Mi Hồng bán vàng giảm 50.000 đồng, còn 44,25 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua có xu hướng tăng 200.000 đồng, lên 43,8 - 43,85 triệu đồng/lượng... Như vậy, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng thêm 500.000 đồng so với thời điểm trước khi nghỉ tết. So với cuối năm 2019 thì chỉ sau 1 tháng đầu năm mới, giá vàng đã tăng 1,6 triệu đồng/lượng.
Hôm qua mới là ngày mùng 5 tết nên các cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở nhiều nơi vẫn chưa hoạt động. Một số cửa hàng ở đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM) mở cửa sớm nhưng khách hàng khá ít. Nhân viên tiệm vàng H.T cho biết có lẽ người mua chờ đến ngày vía Thần tài (mùng 10 tết) mua lấy hên cho cả năm nên rất hiếm người mua vàng sớm vào ngày này.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận định: Dịch cúm Corona tác động khiến giá vàng đi lên nhanh. Nhưng điều đó chỉ kéo dài vài ngày và ở một mức độ nào đó rồi sớm quay lại với quỹ đạo của mình. Về việc giá vàng trong nước neo ở mức cao dù kim loại quý trên thị trường thế giới đã giảm, ông Trần Thanh Hải cho rằng giới kinh doanh vàng đang chuẩn bị cho mùa mua sắm vía Thần tài. Theo dự báo, thị trường vàng ngày vía Thần tài năm nay sẽ tăng cao hơn cả về giá lẫn nhu cầu mua sắm so với năm trước.

Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn

Giá cả hàng hóa tăng mạnh dịp tết, đẩy CPI tăng 1,23%

 Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29.1 cho thấy, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 1,23% so với tháng 12.2019 và tăng 6,43% so với tháng 1.2019. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 2,29%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp tết. Đứng thứ hai là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%, nhóm giao thông tăng 0,69%... Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1 tăng 6,43%. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,76% so với tháng 12.2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch tháng 1 ước tính đạt 38,1 tỉ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 19 tỉ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 ước tính nhập siêu 100 triệu USD.
Anh Vũ
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, vàng đã được nhiều chuyên gia trong ngoài nước dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm mới. Theo TS Phan Dũng Khánh, giảng viên lĩnh vực đầu tư Trường Doanh nhân BizLight, giá vàng những ngày Tết âm lịch tăng mạnh do các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn nhiều hơn khi lo sợ dịch cúm Corona lan rộng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều thị trường chứng khoán của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan - những quốc gia đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán - đồng loạt lao dốc. Tuần qua chỉ số Hang Seng của Hồng Kông là thị trường giảm mạnh nhất với gần 4% và theo sau là CSI300 của Trung Quốc cũng giảm 3,5%... Trong khi đó, giá một số ngoại tệ như USD, yen Nhật và đô la Thụy Sĩ lại đi lên theo giá vàng. Tuy nhiên ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh: Dịch cúm Corona có thể là tác nhân thúc đẩy giá vàng tăng nhanh hơn dự báo và có thể sớm đạt mức 1.600 - 1.700 USD/ounce. Nhưng điều này cũng không phải là nguyên nhân chính để có thể đẩy giá đi lên cao hơn nhiều. “Như đã dự báo từ đầu năm nay, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng. Nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy giá vàng đi lên là nhu cầu mua các loại tài sản an toàn đang tăng cao, bao gồm vàng, trái phiếu chính phủ... Trong đó chỉ có vàng là có khả năng sinh lời cao nhất khi nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư đã mạnh tay gom mua trước đó và chưa có ý định bán ra”, ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải cho rằng vàng giảm lại sau 2 ngày tăng giá do chờ những thông tin quan trọng trên thị trường như kết quả luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đồng thời, dự kiến trong ngày 29.1, văn kiện về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) sẽ được đưa ra phê chuẩn tại Nghị viện châu Âu và được các quốc gia bỏ phiếu vào ngày 30.1. Sau khi các thủ tục liên quan đến thỏa thuận Brexit được hoàn tất, Anh sẽ rời EU vào ngày 31.1.2020 và bắt đầu đàm phán với EU về mối quan hệ trong tương lai của hai bên. Bên cạnh đó, khi lo lắng về dịch cúm tạm lắng xuống thì dòng tiền đã quay trở lại kênh đầu tư chứng khoán.
Ông Trần Thanh Hải dự báo: Vàng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao, có thể chạm đến mức 1.700 USD/ounce trong năm nay. Nhưng từ nay đến tháng 11, trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, vàng sẽ không tăng mạnh như một số dự báo lên giá 2.000 USD/ounce. Riêng với thị trường trong nước, sẽ giữ mức giá 44 triệu đồng mỗi lượng trong 3 tháng tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.