Vẻ đẹp của giá cả - Kỳ 1: Một 'phép lạ'

14/11/2014 13:05 GMT+7

(TNO) Cao hay thấp, mắc hay rẻ không làm nên vẻ đẹp của giá cả. Adam Smith, nhà kinh tế chính trị học người Anh, bảo rằng một giao dịch giữa hai đối tác tự nguyện, nó sẽ không xảy ra trừ khi cả hai bên đều tin rằng mình có lợi. Đó là sự ''thuận mua vừa bán'' mà bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu được. Chính sự ''thuận mua vừa bán'' này mới làm nên vẻ đẹp của giá cả .


Chính trị gia người Đức Ludwig Erhard - Ảnh: Patzek, Renate, chụp năm 1963

Giá gạo phân phối thời bao cấp chỉ có 4 hào, thấp hơn hàng chục lần giá gạo chợ đen, đã gây biết bao nhiêu là bi hài kịch.

Chính sách bảo hộ phi lý ở nước ta hiện nay đã khiến cho giá bán ô tô cao gấp đôi giá ô tô cùng loại ở Nhật và châu Âu. Sự phi lý này không những không khuyến khích mà còn tạo ra nguy cơ triệt tiêu ngành công nghiệp ô tô khi chấm dứt bảo hộ, nó chỉ phục vụ cho “lợi ích nhóm”.

 

Điều lạ lùng là không ít các chính trị gia, không ít các nhà quản lý đã không hiểu được điều mà bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu, vì vậy mới có sự bóp méo nói trên đối với giá cả.

Người dân không cần biết giá điện ở Việt Nam cao hơn hay thấp hơn giá điện thế giới, họ bất bình mỗi khi tăng giá điện bởi vì họ bị buộc phải mua chứ không “thuận mua”.

Giá xăng dầu ở Việt Nam vừa giảm đến lần thứ 9 nhưng người dân vẫn không hài lòng, không phải chỉ vì nó giảm ít hơn, giảm chậm hơn giá xăng dầu thế giới mà còn do họ nghĩ rằng cơ quan quản lý giá đã “câu kết” với các doanh nghiệp xăng dầu khi ra những quyết định tăng nhanh giảm chậm.

Trên đây là một số ví dụ của giá cả bị bóp méo. Sự bóp méo này gây biết bao nhiêu là hệ lụy, từ đời sống của mỗi gia đình cho đến vận mệnh quốc gia.

Điều lạ lùng là không ít các chính trị gia, không ít các nhà quản lý đã không hiểu được điều mà bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu, vì vậy mới có sự bóp méo nói trên đối với giá cả.

Và điều thú vị là có nhiều trường hợp, khi một chính trị gia hiểu được “điều mà bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu” đó và ngẫu nhiên ở vào một vị trí được tự do hành động đúng như điều mà mình hiểu, lập tức lịch sử được “nắn dòng”. Điển hình là trường hợp của Ludwig Erhard, người trở thành Thủ tướng CHLB Đức thời kỳ 1963 - 1966.


Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, tại hội thảo về Ludwig Erhard tổ chức ở Berlin (Đức), ngày 15.12.2011 - Ảnh: Reuters

Sau Đại chiến thế giới lần thứ 2, nước Đức bị chia cắt thành 4 khu vực do quân đồng minh chia nhau chiếm đóng. Liên Xô chiếm đóng khu vực phía đông, Pháp ở vùng viễn tây, Anh ở vùng tây bắc và Mỹ ở vùng phía nam. Sau đó 2 vùng do Mỹ và Anh chiếm đóng được sáp nhập thành Bizonia, hoạt động như một nhà nước (tiếp đó vùng do Pháp chiếm đóng cũng sáp nhập thành Trizonia, đến năm 1949 ba vùng này trở thành nước CHLB Đức, thường được gọi là Tây Đức). Nước Đức lúc đó chỉ còn là một đống đổ nát, đến mức tướng Lucius Clay, Tư lệnh quân đội Mỹ tại khu vực Bizonia, đã phải gửi một bức điện về Washington: “Chúng tôi không thể hiểu được tại sao các ngài phải đọc Thời báo New York mới biết là người Đức sắp chết đói”. Nước Mỹ đã phải đổ một lượng lớn thực phẩm viện trợ đến để cứu đói.

 
Hẳn không bao giờ có thể đạt được những gì mà ông (Erhard) đã làm nếu phải chịu những ràng buộc quan liêu hay dân chủ. Một khoảnh khắc may mắn khi một con người thích hợp ở vào một địa vị thích hợp được tự do làm những gì mà anh ta coi là đúng, cho dù anh ta có thể chưa bao giờ từng thuyết phục được bất kỳ ai khác rằng điều đó là đúng
Nhà kinh tế học Friedrich Hayek (giải Nobel 1974)

Đầu năm 1948, Johannes Semler, Giám đốc Ủy ban Kinh tế Bizonia, đã “hỗn láo” với người Mỹ khi tuyên bố phần lớn lượng ngũ cốc mà người Mỹ gửi tới là “cám gà” chứ không phải thức ăn cho người. Tướng Clay đã nổi khùng lên sa thải luôn ông Semler và ngẫu nhiên chọn nhà kinh tế Ludwig Erhard lên thay thế.

Erhard là nhân vật kỳ lạ. Xuất thân là người bán vải trong một cửa hàng của gia đình, sau đó ông có bằng tiến sĩ kinh tế, làm chuyên viên nghiên cứu tiếp thị. Do bị thương trong Đại chiến thế giới lần thứ 1, ông không tham gia quân đội quốc xã. Ông bị mất việc năm 1942, nhưng vẫn tự mình nghiên cứu thị trường. Đại chiến 2 kết thúc, có một thời gian ngắn ông làm cố vấn kinh tế trong khu vực Mỹ chiếm đóng. Tướng Clay đã không ngờ sự “nổi khùng” của mình đã trở thành một điểm nhấn trong lịch sử nước Đức.

Thời gian này ở Đức áp dụng chế độ kiểm soát và phân phối hàng hóa khiến cho thị trường chợ đen phát triển đến mức người ta ước tính chỉ có một nửa tổng sản lượng hàng hóa được làm ra ở đây được phân phối theo kênh hợp pháp. Hệ thống kiểm soát giá cả làm cho các hoạt động kinh tế không thể nhúc nhích được. Đồng tiền chính thức là đồng Mark gần như không còn giá trị, người ta phải dùng các hộp thuốc lá Lucky Strike làm “tiền” để mua bán hoặc lấy hàng đổi hàng.

Giữa lúc Mỹ và Anh thực hiện cuộc cải cách tiền tệ ở Đức, Erhard bất ngờ xóa bỏ tất cả các quy định về kiểm soát giá cả chỉ trong một đêm. Theo quy định, không thể thay đổi bất cứ sự kiểm soát giá cả nào mà không có sự phê duyệt của lực lượng chiếm đóng, đứng đầu là tướng Clay, nhưng cũng không có bất cứ sự “chế tài” nào nếu như những quy định đó đã bị xóa bỏ, đơn giản là người ta không nghĩ điều đó có thể diễn ra. Lợi dụng sự sơ hở đó, Erhard đã nhanh chóng tạo ra một chuyện đã rồi mà không cần phải báo cáo với tướng Clay.

Hành động bất ngờ của Erhard như một “phép lạ”. Chợ đen biến mất, hàng hóa xuất hiện trở lại ở các cửa hàng. Nền kinh tế được kích hoạt. Hành động này được coi là một “cú hích” vĩ đại làm thay đổi vận mệnh Tây Đức.

“Ông Erhard, các cố vấn của tôi nói rằng điều mà ông đang làm là một sai lầm tệ hại. Ông nói gì về việc này?”, tướng Clay hạch sách. Erhard trả lời: “Thưa tướng quân, cứ mặc kệ nó! Các cố vấn của tôi cũng nói như vậy”. Đó là đoạn đối thoại nổi tiếng mà nhiều sách lịch sử còn ghi lại.

Câu chuyện trên cũng được Erhard kể lại với nhà kinh tế học Friedrich Hayek (giải Nobel 1974). Hayek đánh giá rất cao Erhard, ông cho rằng thành tựu đó “gần như của chỉ một người”. Ông bình luận: “Hẳn không bao giờ có thể đạt được những gì mà ông (Erhard) đã làm nếu phải chịu những ràng buộc quan liêu hay dân chủ. Một khoảnh khắc may mắn khi một con người thích hợp ở vào một địa vị thích hợp được tự do làm những gì mà anh ta coi là đúng, cho dù anh ta có thể chưa bao giờ từng thuyết phục được bất kỳ ai khác rằng điều đó là đúng”.

Một cách tổng quát, cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhận xét: “Mọi người vẫn cho rằng kinh tế châu Âu hồi phục là do Kế hoạch Marshall. Tôi không nghi ngờ gì điều này. Kế hoạch Marshall đã giúp châu Âu, nhưng chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ thời hậu chiến. Tôi coi chính sách tự do hóa thị trường hàng hóa và tài chính Tây Đức do Ludwig Erhard đưa ra năm 1948 là đóng vai trò quan trọng hơn rất nhiều trong việc thúc đẩy khôi phục kinh tế thời hậu chiến Tây Đức. Tất nhiên là Tây Đức đã trở thành một cường quốc kinh tế nổi bật ở khu vực” (*)

(còn tiếp)

(*) Loạt bài có tham khảo tài liệu từ các sách:

+ Alan Greenspan, Kỷ nguyên hỗn loạn, NXB Trẻ.

+ Alan Ebenstein, F. Hayek - cuộc đời và sự nghiệp, NXB Tri thức.

+ Daniel Yergin và Joseph Stanislaw, Những đỉnh cao chỉ huy, NXB Tri thức.

+ Gilles Dostaler, Chủ nghĩa tự do của Hayek, NXB Tri thức.

Và một số tài liệu về kinh tế trong và ngoài nước.

Hoàng Hải Vân

>> Cần quản lý chính sách kinh tế vĩ mô cẩn trọng hơn
>> Hụt hơi chờ chính sách
>> Đà Nẵng xin chính sách đặc thù cho khu công nghệ cao
>> Điều chỉnh chính sách để giảm tác động rủi ro về kinh tế
>> Tìm chính sách khả thi phát triển vùng Tây Bắc
>> Cần chính sách đủ mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.