Về hưu, ông lại cầm cuốc...

26/09/2010 05:00 GMT+7

Chiều thu Tây Bắc mưa giăng mờ mịt núi đồi. Chiếc xe máy rền rĩ vượt con đường trơn trượt về miền biên viễn Loóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La. Tôi đi tìm vị cựu chủ tịch huyện Lò Văn Khịn nổi tiếng gây sốc trong các cuộc họp với câu nói: “Người thì không có mà ăn. Kẻ thì ăn trên mồ hôi, nước mắt người khác”.

Xế chiều, tôi cũng tìm đến được nhà ông Khịn khuất trong nương, mà muốn vào lại phải xắn quần lội đường đất sình lầy. Nếu không được người dân tận tình dẫn tới, tôi không tin đó là nhà vị cựu chủ tịch huyện. Đó là căn nhà tồi tàn nhất mà tôi từng thấy so với những căn nhà tồi tàn trên đường vào Loóng Sập. Những hàng cột kèo rệu rạo, xin xỉn màu thời gian. Sàn nhà hư hỏng, mái thủng dột toang hoác. Cửa nẻo thông thống cái có cái không. Trong nhà cũng chẳng thứ gì đáng giá để mất.

Phải biết xấu hổ với dân

Tôi không đánh tiếng gọi mà đi thẳng vào để gây bất ngờ. Ở góc bếp, ông Khịn và vợ lom khom chuẩn bị bữa cơm chiều. Trên mâm chỉ có đĩa măng rừng luộc và chén muối ớt. Sẵn bữa, ông mời tôi ngồi cùng. Bà vợ phải vùi nướng thêm mấy củ sắn để khỏi thiếu cơm.

Trước khi đến đây tôi đã được người dân ở thị trấn Mộc Châu nói ông nghèo, nhưng thật sự không ngờ ông lại nghèo đến thế. Khách miền Nam đến thăm ông vui lắm, nhưng nhà chẳng còn gì đãi khách.

Làm cán bộ ăn lương từ thuế của người dân, lúc về hưu mà giàu có thì dân sẽ nghĩ mình thế nào!

Ông Lò Văn Khịn

Suốt buổi chiều ông trầm ngâm tâm sự với tôi nhiều chuyện về đời mình: “Tôi hoàn thành nhiệm kỳ chủ tịch huyện Mộc Châu, lãnh đạo Sơn La gọi lên nói đồng chí Khịn về tỉnh làm trưởng ban tổ chức chính quyền. Tôi lắc đầu, cương quyết xin nghỉ để nhường chỗ cho các em trẻ thay tôi. Mình lớn tuổi rồi mà cứ ngồi ì ra đấy thì chặn mất đường phát triển của người khác.

Lãnh đạo tỉnh lại đề nghị tôi nhận chức giám đốc một sở. Tôi vẫn lắc đầu, trả lời mình đã 35 năm ăn cơm nguội, làm việc xa nhà rồi, giờ chỉ thèm những bữa cơm nóng thôi”. Và suốt buổi trò chuyện, ông hay nhắc từ xấu hổ như là tấm gương phản chiếu đúng sai cuộc đời...

Trước khi về miền đất biên viễn Loóng Sập, tôi đã hỏi nhiều người dân thị trấn Mộc Châu về ông chủ tịch về hưu này. Những người biết chuyện nói: “Tính ông Khịn ấy cứng lắm nhưng rất thương dân. Làm lãnh đạo huyện mà ăn cơm nguội, về nhà cầm cày chai cả tay”. Bây giờ cái cày đó vẫn nằm ở chái nhà ông. Và tính ông thì vẫn thế, vẫn hừng hực những câu chuyện tràn đầy nỗi niềm của dân.

Từ làm việc ở xã, ông được đề bạt lên phòng công thương, phó chủ tịch huyện rồi chủ tịch. Nhà ở xã, ông lóc cóc đi làm bằng chiếc xe đạp trên đường núi dốc đến trâu đi cũng phải sùi bọt mép. Có người hỏi sao ông không linh động dùng xe cơ quan, ông trả lời: “Nhiều người dân miền núi nghèo khó này còn chưa có xe đạp mà đi. Mình ngồi xe máy lạnh thì làm sao mà hiểu được nỗi khổ của dân”.

Hồi đương chức, chủ tịch Khịn khét tiếng trực tính, không ngại mất lòng, kể cả với cấp trên. Có thời cả nước đua nhau khai thác rừng để đạt chỉ tiêu kinh tế. Chính ông là người lội ngược dòng, kiên quyết không cho xâm phạm nhiều cánh rừng Mộc Châu. Là người sinh ra ở miền đất núi đồi này, ông hiểu rừng là mái nhà, là người bạn và nồi cơm bền vững của dân. Cái lợi trước mắt của những khúc gỗ sẽ đem đến đói khổ, thảm họa sau này!

Thế là ông thành cái gai trong mắt nhiều người. Đe dọa không được, có người cầm phong bì đến tìm ông. Chỉ tay ra cửa, ông quát: “Đi ra ngay, nếu không tôi kêu công an vào còng tay. Đời tôi ghét nhất là những kẻ tham nhũng. Người thì không có mà ăn. Kẻ thì ăn trên mồ hôi, nước mắt người khác”.

Và câu nói trực tính đó vẫn theo ông đến tận bây giờ. Hồi ông làm ở phòng công thương, lắm người đến xin xỏ này nọ và đề nghị “đền ơn” sòng phẳng. Ông từ chối thẳng thừng: “Dân ngoài kia vẫn đang đói khổ kiếm miếng ăn từng ngày. Các anh làm bậy bạ thế mà lương tâm không biết xấu hổ với dân à?”...

Ngoài giờ làm việc cơ quan, ông Khịn về nhà xắn tay áo lên nương. Nhiều khi không kịp mùa vụ, ông phải tranh thủ cày cuốc cả những đêm trăng sáng. Bà con bản nói: “Ối giời. Làm chủ tịch huyện mà khổ thế thì làm chi cho mệt!”. Ông cười: “Bà con ở huyện đồi núi này toàn sống bằng đất đai. Tôi làm cán bộ mà không biết cầm cày cuốc thì làm sao hiểu để phục vụ bà con”.

Suốt thời kỳ dài, huyện Mộc Châu nổi tiếng cả nước về trà và bò sữa. Trong mồ hôi của người dân có cả mồ hôi và tâm huyết của vị chủ tịch này. Về sau, bà con còn hiểu ông cũng phải cày cuốc thêm để nuôi gia đình. Lương cán bộ huyện lúc ấy ba cọc ba đồng. Ông lại không nhận bồi dưỡng “trà nước” gì nên càng thiếu thốn. Bản thân ông 35 năm làm việc cơ quan là ngần ấy năm đùm gói cơm nguội đi ăn để tiết kiệm.

Rượu hối lộ, một giọt cũng không uống

Ngày về hưu với nhiều người là kết thúc. Nhưng với chủ tịch Khịn thì nhẹ nhàng như bước tiếp một con đường mới. Ngày xưa ông chẳng mang theo gì đến nhận nhiệm sở. Khi rời ghế chủ tịch, ông cũng chẳng mang theo về cái gì ngoài chiếc cặp sờn rách và mấy cái lon đựng cơm nguội.


Ông cựu chủ tịch huyện và ngôi nhà xập xệ nhất Loóng Sập - Ảnh: Q.V

Bạn bè thấy ông nghèo quá ái ngại: “Hay bác cứ nhận nhiệm vụ mới trên tỉnh để còn tranh thủ lo phần đời còn lại?”. Ông cười nhẹ nhàng: “Trước khi làm cán bộ tôi đã cầm cuốc, giờ lại cầm cuốc càng vui chứ có sao đâu. Làm cán bộ ăn lương từ thuế của người dân, lúc về hưu mà giàu có thì dân sẽ nghĩ mình thế nào”.

“Đời tôi ghét nhất là kẻ tham nhũng”

Cuối năm 2009, ông Lò Văn Khịn được mời về Đà Nẵng dự lễ vinh danh những cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng. Có người hỏi nhỏ ông: “Về hưu rồi sao bác không chọn đường yên thân?”. Ông trả lời: “Người dân còn bất bình trước sai trái. Mình là cán bộ ăn bổng lộc nhà nước cũng là tiền thuế của người dân thì làm sao nhắm mắt làm ngơ được. Làm cán bộ càng biết xấu hổ trước dân chứ. Đời tôi ghét nhất là kẻ tham nhũng!”.

Về hưu, ông càng gắn bó với ruộng đất hơn. Ngoài nương rẫy của mình, ông còn tham gia hợp tác xã, sinh hoạt chi bộ. Chính nhờ gần gũi với thực tế này mà ông phát hiện nhiều điều chướng tai gai mắt và kiên quyết không lùi bước trước sai trái. Hàng hecta đất đai chung của hợp tác xã địa phương đùng một cái thành đất cho cá nhân thuê, rồi lặng lẽ được phân lô, bán nền. Kẻ ngồi không tự dưng tiền đầy túi. Người lao động bỗng chốc chẳng còn đất sản xuất.

Ông giận lắm nhưng lúc đầu vẫn khuyên giải: “Các anh nên dừng lại đi. Mình làm cán bộ mà giành đất lao động của nguời dân thì coi sao được”. Ban đầu đối tượng liên quan xách rượu đến nhà ông. Ông hỏi: “Đây là rượu gì? Nếu rượu hối lộ thì một giọt tôi cũng không uống”.Họ hậm hực bỏ về và trong một cuộc họp đã thách ông: “Đố thằng nào làm được gì”.

Ông không thèm trả lời, nhưng ngay sáng sau cơm nắm, lóc cóc đạp xe lên thị trấn gõ thẳng cửa chủ tịch huyện nói hết mọi chuyện. Lãnh đạo huyện tỏ vẻ quan tâm: “Bác cứ về, bọn em sẽ xem xét rõ ràng”. Ông về nhưng chuyện vẫn đâu vào đấy. Thế là ông lại tìm chủ tịch huyện, rồi cán bộ quản lý đất đai. Nhưng lần này họ có ý tránh ông...

Ngay đêm đó ông về nhà thức trắng để viết thư tố cáo gửi lên bí thư, chủ tịch tỉnh Sơn La. Ông viết đất đai của Nhà nước cũng là đất xương máu, mồ hôi nước mắt của người dân mà có, bây giờ lại để cá nhân chiếm dụng. Vài tuần sau cán bộ thanh tra tỉnh về hỏi ông: “Bác tố cáo đúng không?”.

Ông trả lời rõ ràng: “Những lời tố cáo của tôi đều có mồ hôi nước mắt của người dân làm chứng. Nếu không tin, các anh cứ xuống dân mà hỏi”. Trong lúc sự việc còn chưa minh bạch, có người phao chuyện ông là đảng viên mà gây rối địa phương, cố tình hạ thấp uy tín cán bộ. Ông giận trả lời: “Uy tín cán bộ, uy tín địa phương gì cũng do dân mà có. Nếu lòng dân đã bất mãn thì uy tín đó cũng chẳng còn”.

Cuối cùng, sự việc rõ trắng đen. Những lô đất sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi. Các đối tượng liên quan chịu xử lý kỷ luật. Những kẻ ghét đòi ném đá ông. Nhưng bà con quý lại đến cảm ơn ông và rót rượu mời uống. Ông cười hỏi: “Rượu gì thế?”. “Rượu mồ hôi nước mắt, rượu tấm lòng chúng tôi đấy” - họ trả lời và tất cả cùng vui vẻ cạn ly.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.