Vé tàu Tết chợ đen: Mua dễ như mua rau!

22/11/2010 09:00 GMT+7

(TNO) Trong khi mua vé trên mạng cực khó, lại hết vé ngày cao điểm thì kiếm vé về quê đúng ngày sát Tết từ những tay cò này còn dễ như là... mua rau! >> Bán vé Tết: Hàng không làm tốt, đường sắt thì sao?

>> Mua vé tàu Tết: Đến hẹn lại... nghẽn   /  May rủi chuyện vé tàu Tết   /   Ác mộng vé tàu Tết

“Vé tàu đi anh trai ơi!”, hàng loạt phe vé gần Ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM) chạy ào ra giữa đường chèo kéo khi thấy tôi lướt ngang qua với bộ dạng lơ ngơ lóng ngóng. Trong khi mua vé trên mạng cực khó, lại hết vé ngày cao điểm thì kiếm vé về quê đúng ngày sát Tết từ những tay cò này còn dễ hơn là... mua rau!

Năm nào mà không in tên, CMND

“Ông anh đi ngày mấy? Bao nhiêu vé tụi này lo dùm cho, lấy tiền công bình dân thôi, hai xị/vé (200.000 đồng - PV)”, một “cò mồi” ra giá sau khi lôi tôi vào lề đường. Đúng hai giây sau, có cả ba “nhân viên” cùng lúc xấn tới chào mời tôi.

“Cần bốn vé đi Hà Nội ngày 27 Tết, mấy chị có không?”, tôi hỏi. “Có ngay sau 10 ngày. Anh để lại tên họ, số CMND là có vé đúng tên tuổi, CMND trên vé luôn. Anh đặt cọc 300.000 đồng, tui đưa giấy hẹn, rồi đúng hẹn là anh ra đây lấy!”, một trong ba “cò” nhanh miệng đáp.

 
Một nhóm cò đang chờ khách trước ga - Ảnh: Trí Quang

“Lấy nhiều vé mà không bớt đồng nào sao?”, tôi buột miệng hỏi, một "cò" khác nhảy vào: “Bớt anh mỗi cặp 50.000 đồng!”.

Tôi chợt thắc mắc: “Vậy tôi cần vé ngày 27 Tết ngay hôm nay có không?”, một "cò" ra dáng chị cả chưa nói lời nào từ nãy đến giờ lên tiếng: “Có thì có nhưng mà lấy vé có tên và số CMND của người khác nha ông anh!”.

“Nếu vậy sao tôi lên tàu được!?”, thấy tôi tỏ vẻ nghi ngại, một "cò" khác chen ngang phân tích: “Ông anh yên tâm, năm nào nhà ga cũng làm trò in tên khách trên vé để tránh nạn vé chợ đen, nhưng mà cả trăm cả ngàn người mua vé khác tên mình cũng lên được tàu đi như thường, có sao đâu. Anh nghĩ coi, chẳng lẽ cuối năm, cả trăm, cả ngàn người cầm vé khác tên lên tàu, nhân viên đuổi xuống! Mà đông

 Mùa này mày cần chị chứ chị không cần mày đâu, nếu đắn đo thì ở lại Sài Gòn ăn Tết đi cưng!

Một cò "chị cả" phán

người quá, hơi sức đâu họ kiểm tra có trùng tên với CMND hay không”.

Cò "chị cả” này còn bồi thêm để tăng “ép phê”: “Tui “bao đi” luôn. Nếu lúc đó ông anh bị làm khó dễ, chạy ra đây, tui trả tiền lại rồi đền thêm tiền. Nhà tui ngay tại đây luôn chứ không chạy làng đâu mà lo”.

Tôi lưỡng lự một lát rồi bảo để đi hỏi giá lại sau đó tính tiếp. Ba "cò" đồng ý kèm theo lời nhắn: “Chính xác! Mua hàng thì phải dò giá, chỗ nào rẻ thì mua. Nhưng mà bảo đảm không có chỗ nào rẻ hơn chỗ tụi này đâu. Ông anh nhớ quay lại đây ủng hộ giùm nếu không tìm được giá tốt hơn!”.

Trên mạng làm gì còn, chợ đen có tất?

Đúng một ngày sau, tôi chạy dọc khu vực gần Ga Sài Gòn và lại được hàng loạt nhóm khác tung quân bằng xe máy đuổi theo chèo kéo. Cuối cùng, tôi bị một "cò" làm ăn trong khuôn viên ga “bắt” được và kéo vào quán nước để thỏa thuận giá cả.

Để tăng độ tin cậy, tay "cò" này tự giới thiệu đang là nhân viên làm dịch vụ bốc xếp hàng trong ga.

Cũng yêu cầu vé đi Hà Nội như lần trước, tôi được tay "cò" trên ra giá cao hơn: “Tui lấy tiền công 250.000 đồng/vé, khoảng 1 tuần ông anh ra đây lấy”.

Nghe tôi chê giá đắt hơn bên ngoài, tay này chống chế bảo đã rẻ nhất ở đây, nhiều chỗ "cò" còn ăn 300.000 đồng/vé.

 
"Cò" đang chăm sóc một khách hàng (giữa) cần tìm vé mùa Tết - Ảnh: Trí Quang

Tay "cò" này còn chắc mẩm rằng đang giữ tiền cọc của mười mấy người và kèm theo câu trấn an: “Anh đừng có lo. Ở đây làm ăn lâu dài  mà, ăn gian anh làm gì một hai trăm ngàn”

Một “chị cả” đang cầm điếu thuốc rít một hơi dài, ngửa cổ phả khói rồi phán: “Chỉ cần 1 tuần lễ trở lại là có vé cho thằng em thôi. Giờ mà mua vé trên mạng làm gì còn, chỉ cần bỏ vài trăm ngàn ra vé chợ đen là có hết. Đánh nhanh rút gọn, tiền trao là cháo múc.Ở đây nhờ làm ăn ngày Tết mỗi người kiếm trên chục chai (10 triệu đồng - PV) đó em! Em mua đi, không là không có vé để về đâu”.

Tôi yêu cầu bớt chút đỉnh, “chị cả” đáp: “Em là khách nó chứ không phải khách chị, chị nói khách quan luôn. Thằng này là cửa hậu, ở khâu cuối cùng, nó ăn em 250 ngàn đồng tức là nó chỉ hưởng 50 ngàn đồng thôi, chứ nó còn “tiêu, hành, tỏi, ớt” nữa, nó không ăn “dày” đâu mà lo, cho nên không bớt được đâu”. 

 
Vé tàu Tết có "cò" là mua dễ như trở bàn tay trong khi người dân lại gặp cảnh trần ai quá đỗi! - ảnh minh họa

Bán cả… “vé nhân viên”?

Thấy tôi chê đắt, tay cò nam tư vấn thêm một cách khác để đi tàu rẻ hơn mà chắc ăn, không phải khổ sở mua vé. Đó là đi theo dạng... “vé nhân viên”.

Tay này giải thích: "Hôm nào đi, ông anh chỉ cần cầm hành lý ra đây, tui đưa ông anh ra gặp nhân viên rồi họ dẫn anh lên tàu. Ông anh chỉ cần đưa tui tiền công 100.000 đồng/vé thôi. Còn lại, ông anh tính với nhân viên toa là xong, giá chỉ còn khoảng một nửa hoặc gần bằng giá vé chính thức thôi”.

Chị cả tỏ vẻ sốt ruột “phán” tiếp một câu lạnh lùng: “Nhân viên vui thì chú mày có ghế nhựa ngồi, buồn thì người ta trải chiếu cho ngồi. Nói thiệt nha, mùa này mày cần chị chứ chị không cần mày, nếu đắn đo thì ở Sài Gòn ăn Tết đi cưng!”.

Nghe các nhóm cò “luận” chuyện mua vé tàu Tết sao dễ như trở bàn tay, bao nhiêu cũng có, năm nào cũng sống khỏe nhờ vé Tết.

Trong khi những người dân bình thường với ước muốn giản đơn về quê ăn Tết lại làm việc đó lại trần ai quá đỗi! Ngành đường sắt có biết hay không hoặc lý giải thế nào về chuyện này cho người dân đỡ khổ hơn?

 Bài, ảnh: Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.