Con tàu đưa 41 bạn trẻ của huyện Đakrông (Quảng Trị) hướng về biển Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh) và từ đây những con sóng bạc đầu lại dẫn đường cho đoàn hướng ra Cồn Cỏ - hòn đảo cách đất liền gần 18 hải lý (tính từ Mũi Lay theo đường chim bay). Từ mờ xa, Cồn Cỏ hiện ra với màu xanh của rừng, màu đỏ ngói mới của những công trình, những ngôi nhà đang được dựng xây… Nhiều tiếng xuýt xoa chợt vang lên từ những người con của rừng núi lần đầu tiên ra biển, lần đầu tiên thấy đảo. Ai cũng như quên đi cái khó chịu của mùi biển oi nồng, cái say cồn cào bởi thân thể phải dập dềnh theo từng đợt sóng.
Cồn Cỏ đón đoàn bằng những gì hoang sơ nhất, bằng những nụ cười hồn hậu của cư dân trên đảo, bằng tiếng sóng vỗ bì bạch vào những tảng bê tông chắn sóng. Đại diện cho Huyện Đoàn Cồn Cỏ, anh Nguyễn Thanh Nghĩa vừa hỏi thăm vừa có ý trêu đùa rằng: “Chuyến đi hoành tráng chứ, có bạn nào cần mình cõng đi không? Lần đầu tiên đi thuyền mà không có ai “phun” (nôn mửa) thì quá là giỏi…”.
|
Đoàn được bố trí ngủ nghỉ chung các khu nhà của lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, công an của huyện đảo. Ai cũng vui và háo hức vì sắp quen thêm bạn đặc biệt, những người đang ngày đêm canh giữ đảo nhỏ và biển trời Tổ quốc… Bạn Hồ Văn Nhâm (26 tuổi, đến từ Xã Đoàn A Bung) hớn hở nói: “Trước đây, mình đã từng có ước mơ làm lính biển nhưng không thành nên rẽ ngang sang làm công tác Đoàn. Hôm nay ra tới đây, gặp những người lính biển coi như mình cũng đã thỏa mãn được phần nào…”. Không những thế, nghe nói có những chàng trai rừng đang làm lính trên đảo, Nhâm cũng lần tìm cho ra những người anh em Pa Cô, Vân Kiều của mình để hàn huyên chuyện trò.
Còn Hồ Ê Nót, chàng trai đến từ tận bản Cu Pua, xã Đakrông với một cái chân đang tập tễnh thì có một lý do nghe rất nhân văn khi nằng nặc theo đoàn ra đảo: “Mọi con sông đều đổ về biển cả, dòng Đakrông chảy qua bản mình chắc cũng thế. Cũng giống như hàng triệu người dân Việt Nam luôn hướng về biển đảo, mình cũng là một trong đó mà thôi…”.
Đứng bên đài tưởng niệm những người đã ngã xuống để bảo vệ hòn đảo thân yêu này, những người trẻ cúi đầu trước từng dòng tên khắc trên bia đá. Và họ lần tìm rồi đứng lặng im rất lâu trước những bức tranh, ảnh tư liệu mô tả những tháng ngày chiến đấu hay những đổi thay của huyện đảo được treo trang trọng trong phòng truyền thống. Sau đó, có nhóm thì chọn cách trèo lên ngọn đèn biển trên đảo để nhìn bao quát tất cả, có nhóm thì đi xuyên qua khu rừng rậm rạp để hiểu rằng thiên nhiên trên hòn đảo nhỏ này cũng gần gũi hệt giữa đại ngàn Trường Sơn…
Đêm, khi Cồn Cỏ rực sáng dưới những ánh đèn, khi biển đêm đang thì thầm tình tự, vỗ lên bờ những bài ca không dứt thì cũng là lúc vòng tròn quanh đống lửa được kết lại. Họ, những người con của núi, tay trong tay với những anh lính, những chàng trai cô gái tình nguyện ra đảo hát lên bài ca “nối vòng tay lớn”.
Ánh lửa như nhòe đi trước những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười và những món quà nhỏ trao nhau… Cả một khoảng không gian như được bủa vây với tiếng đàn, tiếng hát và vang xa đến từng tấc đất trên đảo. Đêm như kéo dài vô tận, những ché rượu cần được chêm đầy nước để mọi người cùng vít cần, cùng tận hưởng những khoảnh khắc khó quên…
Anh Hồ Văn Dương, Bí thư Huyện Đoàn Đakrông không giấu được xúc động: “Đakrông là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Trị, nhưng nếu so với Cồn Cỏ thì vẫn còn đỡ thiếu thốn hơn bội phần. Nhưng có lẽ chính vì thế mà chúng tôi hiểu, thông cảm và dễ san sẻ cho nhau… để cùng chung tay dựng xây quê hương”.
Tạm biệt Cồn Cỏ, ai cũng có những cách riêng để mang về chút dư vị của đảo. Người kỳ công mang về đất liền những chiếc lá bàng vuông, phong ba ép vội, hay tự xâu cho mình một chuỗi vỏ ốc mặt trăng sần sùi hoặc chí ít cũng nhét vào ba lô một viên đá cuội hình thù lạ mắt… Nhưng có một thứ ai cũng đã mang đi khi rời rẻo đất này và cùng đặt ngay trong trái tim mình, ấy là tình yêu đối với hòn đảo nhỏ giữa biển Đông trập trùng…
Nguyễn Phúc
Bình luận (0)