Vén màn bí mật MI6

31/10/2010 23:44 GMT+7

Nhiều chính phủ bắt đầu công bố những thông tin trước đây thuộc dạng bí mật quốc gia về ngành tình báo, hé lộ phần nào hình ảnh về những cơ quan mật vụ bí ẩn nhất thế giới.

Nhiều sự kiện diễn ra gần đây đang giúp công chúng từng bước “định hình” về Cơ quan Tình báo hải ngoại MI6 của Anh.

Hôm 28.10, Giám đốc MI6 (Military Intelligence section 6) John Sawers đã có bài diễn văn về thành công của tình báo Anh trong việc phát hiện nhà máy làm giàu uranium bí mật ở Qom, Iran. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo MI6 phát biểu công khai về đường lối hoạt động của cơ quan này. Trước đây, MI6, còn có tên là SIS (Secret Intelligence Service), luôn giữ kín mọi thông tin về nhiệm vụ, nhân sự, thậm chí về cả sự tồn tại của mình. “Nhân vật” nổi tiếng nhất được biết đến của MI6 chính là… James Bond, chàng điệp viên 007 hào hoa của nhà văn Ian Fleming. Những gì công chúng biết về MI6 chỉ là những mảnh ghép rời rạc giữa huyền thoại và sự thật. Nhưng đến nay, nguyên tắc này đã thay đổi đáng kể.

Website và Facebook

Khi ông Sawers được bổ nhiệm làm Giám đốc MI6 vào tháng 11.2009, một văn bản được gửi đến giới truyền thông nhắc nhở báo chí không đăng tải thông tin về các nhân viên tình báo vì “có thể giúp các tổ chức khủng bố xác định mục tiêu”, theo Financial Times. Thế nhưng, trong cùng thời điểm đó, trên tài khoản Facebook của phu nhân ông Sawers, hàng triệu người đã có thể xem loạt hình ông đang chơi đùa trên bãi biển, hình gia đình, bạn bè thân thiết và nhà cửa của ông… Việc Giám đốc MI6 “sập bẫy” Facebook của chính vợ mình khiến báo chí khắp thế giới khi đó tốn khá nhiều giấy mực.

Truyền thống giữ bí mật tuyệt đối đến mức bị phê phán là thiếu minh bạch là đặc thù từ lâu của giới tình báo Anh. Các giám đốc MI6 thường được gọi tắt là “C”, lấy theo mật danh của giám đốc đầu tiên Mansfield Cumming. Cơ quan này được thành lập từ năm 1909 nhưng đến tận năm 1992 mới được chính phủ chính thức công nhận sự tồn tại. Tờ Financial Times nhận định hàng loạt sách viết về tình báo Anh trong vòng 20 năm trở lại đây đã giúp công chúng mường tượng phần nào về MI6. Đây là một bước phát triển chậm trễ hơn nhiều so với CIA, FBI của Mỹ, vốn bị bắt buộc phải báo cáo về kết quả hành động của mình.

Hiện tại, giới tình báo Anh đang thể hiện rõ chính sách “mở cửa” hơn nhiều so với trước đây. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi này: Chiến tranh lạnh chấm dứt, sự phát triển của internet và dư luận ngày càng đòi hỏi MI6 phải minh bạch hơn, đặc biệt là sau những tranh cãi về quyết định tham chiến tại Iraq. Ngoài ra, các cơ quan tình báo Anh cũng muốn tự đổi mới để phù hợp với những thay đổi của thế giới. Tất cả các cơ quan này hiện đều có website và đại diện truyền thông. Website chính thức của MI6 được đưa vào hoạt động từ tháng 10.2005 bằng 6 ngôn ngữ. Tuy nhiên, đến nay, Giám đốc MI6 vẫn là thành viên duy nhất của cơ quan này được công bố tên tuổi. Chính quyền cũng đảm bảo giữ kín thông tin về các hoạt động gián điệp, đặc biệt khi có liên quan đến các chiến dịch chống khủng bố. Từ gần một thế kỷ nay, chính phủ và giới truyền thông đã thành lập một ủy ban nhằm chọn lọc ra những thông tin về quân sự và tình báo không thể đăng tải, in ấn để đảm bảo an ninh quốc gia. Ủy ban bao gồm 5 quan chức cao cấp của chính quyền và 16 đại diện báo đài, internet.

Lịch sử bí mật

Cuối tháng 9 vừa qua, Lịch sử bí mật của MI6, cuốn sách 800 trang của giáo sư sử học Keith Jeffery thuộc Đại học Queen’s được phát hành. Chính MI6 đã cung cấp tài liệu trong giai đoạn 1909-1949 và đề nghị ông Jeffery thực hiện công trình này, theo Le Figaro. Đây có thể xem là một cách “mở cửa” rất khéo léo của MI6. Dù cuốn sách này đã phá vỡ bức tường bí mật và nêu ra nhiều phát hiện mới lạ về hoạt động của cơ quan này trong 40 năm đầu tiên, nhưng những tài liệu công bố đều đã được chọn lọc rất kỹ. Giới hạn năm 1949 cũng khiến ông Jeffery không thể đề cập đến “điểm đen” trong lịch sử tình báo Anh: Kim Philby, người đứng đầu bộ phận chống Liên Xô của MI6 cùng 4 điệp viên khác lại làm việc và cung cấp nhiều thông tin mật cho Moscow từ năm 1930 đến tận năm 1950.


Cuốn sách Lịch sử bí mật của MI6 - Ảnh: AFP

Theo giáo sư Jeffery, giới tình báo Anh đã rất thành công trong việc thu hút nhiều nhà văn nổi tiếng làm việc cho mình, như Graham Greene, Somerset Maugham, Arthur Ransome… Những chuyến du lịch, kinh nghiệm và sự am hiểu về xã hội nhiều nước của họ rất có ích đối với MI6. Đó là chưa kể việc những nhân vật được tạo ra dưới ngòi bút của các nhà văn có thể giúp tạo nên hình ảnh đẹp về các điệp viên trong lòng công chúng.

Điệp viên 007 sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu các trang thiết bị tối tân và giáo sư Jeffery giải thích rằng nhà văn Ian Fleming đã dựa trên thực tế các nhân viên tình báo của MI6 luôn được trang bị “tận răng” để xây dựng những “đồ chơi” siêu hiện đại cho nhân vật của mình. MI6 có hẳn một đơn vị “Q” chuyên cung cấp viết phun hơi cay, xì-gà có cài ma túy, máy chụp ảnh giấu trong hộp diêm, dụng cụ mở két sắt…

Với cuốn sách trên, MI6 muốn giải tỏa những nghi ngờ rằng họ dùng chiêu bài “bí mật” để che giấu các biện pháp khai thác thông tin bất hợp pháp. Đây là một nước cờ chiến lược trong bối cảnh dư luận Anh đang bất bình trước những tài liệu về việc tra tấn tù nhân tại Iraq được công bố gần đây. 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.