GSTS Võ Tòng Xuân: Đại tướng dặn tôi 'Đừng quên cây mít nhé'

07/10/2013 17:05 GMT+7

(TNO) 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy qua đời nhưng vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp khoa học của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp nông nghiệp của tôi, bản thân tôi', Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân viết.

(TNO) "Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuy qua đời nhưng vẫn còn sống mãi trong sự nghiệp khoa học của đông đảo các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp nông nghiệp của tôi, bản thân tôi", Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân viết.

Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Trong niềm tiếc thương khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi mãi mãi, GSTS Võ Tòng Xuân đã viết riêng cho Thanh Niên Online bài viết dưới đây. Giáo sư Võ Tòng Xuân gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nhà lãnh đạo đội ngũ khoa học kỹ thuật Việt Nam thời kỳ đầu sau khi chiến tranh chấm dứt.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà lãnh đạo đội ngũ khoa học kỹ thuật việt nam thời kỳ đầu sau khi chiến tranh chấm dứt
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Ngân hàng giống lúa của Đại học Cần Thơ (tháng 4.1977). Từ trái sang phải (hàng ngồi): Giáo sư Võ Tòng Xuân, Bí thư đảng ủy Phạm Sơn Khai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các sĩ quan trong đoàn

Thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà lãnh đạo đội ngũ khoa học kỹ thuật việt nam thời kỳ đầu sau khi chiến tranh chấm dứt 2
Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 28.3.1983

Thương tiếc Đại Tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà lãnh đạo đội ngũ khoa học kỹ thuật việt nam thời kỳ đầu sau khi chiến tranh chấm dứt 3
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong buổi công bố chức danh giáo sư nhà nước, tháng 4.1981

Đại tướng quả là một vị quan võ thiên tài kiêm cả quan văn lỗi lạc. Mỗi lần nhìn lại những tấm ảnh chụp lưu niệm với Đại tướng, tôi đều có cái cảm giác như có Đại tướng bên cạnh, luôn căn dặn “phải có sáng tạo khoa học, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và công cuộc đào tạo giáo dục của Việt Nam trong thế kỷ XXI”.

Lãnh đạo quân đội chiến thắng giặc ngoại xâm giành độc lập thống nhất đất nước, trong thời bình, Đại tướng, trong cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã nhận trọng trách lãnh đạo đội ngũ khoa học - kỹ thuật Việt Nam từ năm 1981 - 1991. Nhưng không đợi đến khi có trọng trách đó, Đại tướng đã chú ý đến khoa học nông nghiệp từ nhiều năm trước.

Tôi nhớ mãi mùa hè năm 1977, UBND tỉnh Hậu Giang (TP.Cần Thơ bây giờ) thông báo cho Trường đại học Cần Thơ chuẩn bị tiếp đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và Đại tướng muốn đến thăm chương trình nghiên cứu cây lúa của tôi. Đây là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị đến thăm công trình nghiên cứu của chúng tôi. Tôi vô cùng sung sướng, biết chắc chắn được dịp hiếm có trong đời mình diện kiến vị anh hùng xuất chúng của quân đội Việt Nam lừng danh thế giới, nhưng lại rất lo, nghĩ ngợi "Không biết đích thân Đại tướng đến tham quan thí nghiệm giống lúa của mình là có ý gì đây?".

Đại tướng và đoàn tháp tùng gồm 6 người đến trường, muốn đi ngay ra ruộng thí nghiệm để xem các giống lúa tôi đang trồng thử nghiệm, xem cánh đồng nhân giống lúa kháng rầy nâu IR36 để chuẩn bị cho sinh viên mang đi trồng ở các địa phương bị rầy nâu tàn phá lúa.

Đại tướng xem ngân hàng giống lúa bao gồm trên 1.000 giống lúa địa phương dành cho công tác lai tạo giống mới. Đại tướng tỏ ra phấn khởi khi thấy các giống lúa phát triển rất tốt trên đồng ruộng thí nghiệm.

Đại tướng căn dặn rằng lịch sử thế giới cho thấy quốc gia nào cũng thế, sau nhiều năm chiến tranh tàn phá thì nạn thiếu ăn luôn xảy ra, nên các chuyên gia cây lương thực phải hết sức tham gia vào công cuộc an ninh lương thực, riêng nhà trường có thêm thế mạnh là có nhiều sinh viên có thể tham gia phục vụ xã hội nếu các thầy cô biết xây dựng chương trình đào tạo thích hợp.

Sau chuyến viếng thăm lịch sử đó, thầy trò Trường đại học Cần Thơ đã nỗ lực hết mình. Vào vụ đông xuân 1977 - 1978, chúng tôi đóng cửa trường trong hai tháng để mang 2.000 kg lúa giống IR36 để cấy tại 2.000 điểm bị rầy nâu tàn phá. Từ 2.000 điểm đó, nông dân chia nhau nhân nhanh giống, chỉ trong hai vụ lúa là đã chặn đứng "giặc rầy nâu".

Trong cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì Ngày Thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (28.3.1983), tập hợp lực lượng trí thức toàn quốc tạo điều kiện cho các hội nghề nghiệp có thể tham gia nghiên cứu các lãnh vực chuyên môn của mình. Tôi rất hân hạnh được tháp tùng với đoàn của Đại tướng trong nhiều chuyến thị sát các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm việc với Đại tướng, tôi càng khâm phục tài tổng hợp nhận định vấn đề khoa học rất nhanh của Đại tướng. Mỗi nơi, Đại tướng bảo chúng tôi: “Các chú có ý kiến thì gạch đầu dòng thôi nhé, để tôi tham khảo và phát biểu với địa phương”. Và tôi luôn nhớ một chi tiết mà Đại tướng hay nhắc tôi: “Đừng quên cây mít nhé! Đó là một cây đa năng, bộ đội nhờ mít mới qua nhiều cơn thiếu lương thực đấy!”.

Với phong cách rất giản dị, hòa đồng với mọi người trong đoàn, luôn luôn lắng nghe ý kiến chuyên gia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại trong lòng mọi cán bộ khoa học một sự kính phục và mến thương.

GSTS Võ Tòng Xuân

>> Nhiều thế hệ không cầm được nước mắt khi nhắc đến Đại tướng
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - chiến lược gia kiệt xuất
>> Đi xe máy hàng trăm cây số trong đêm đến viếng Đại tướng
>> Bật khóc khi viết cảm tưởng về Đại tướng
>> Họp chọn điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman: Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiểu rõ kẻ thù
>> Hàng vạn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người bạn lớn của nhân dân Lào
>> Tướng Nga ca ngợi tài năng quân sự của Đại tướng
>> Bài hát yêu thích' tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Buổi nhạc tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Trắng đêm chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng trong lòng nhân dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.