Vị giáo sư luôn ủng hộ cái mới

04/11/2005 21:29 GMT+7

Những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ 20, giáo sư Lê Văn Thiêm tuổi đã cao và mang trong người chứng bệnh tiểu đường khá nặng. Giáo sư cùng gia đình chuyển hẳn vào TP.HCM. Phân viện Khoa học Việt Nam đóng tại số 1 Mạc Đĩnh Chi. Nơi đây đã hình thành một "trường phái" về Toán ứng dụng. Ngoài những bài toán về công nghệ thông tin, dưới sự dìu dắt của giáo sư Thiêm đã hình thành một nhóm nghiên cứu các bài toán cơ ứng dụng.

Trong các buổi seminar khoa học, giáo sư thường bàn về các bài toán thấm, các phương pháp toán học trong cơ học đàn hồi. Những vấn đề này sau đó được ứng dụng và được giải quyết bởi khá nhiều nhà toán - cơ học cho các công trình dầu khí, cải tạo đất phèn... Sự ủng hộ mạnh mẽ của giáo sư Lê Văn Thiêm đã khơi nguồn cho việc ra đời của Phân viện Toán ứng dụng và sau đó là Viện Cơ học ứng dụng TP.HCM.

Vào những năm khó khăn nói trên, lãnh đạo của nhiều tỉnh thành tự ra lệnh ngăn sông cấm chợ. Mỗi lần các thầy cô giáo đi giảng ở miền Tây về mà mang theo lương thực quá 5-10 kg là bị giữ lại. Tình hình thật khó khăn như vậy mà suốt ba bốn tháng ròng, giáo sư Thiêm luôn sát cánh cùng trung tá phi công Mai Trọng Tuấn đi nói chuyện về dự án VUETA. Thời đó, sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày lèo tèo vài chuyến bay. Cỏ mọc thành đồng mênh mông. Sân bay thật sự hoang phế và lãng phí đến tột cùng. Trung tá phi công Mai Trọng Tuấn đã lập một dự án mở cửa hàng không và du lịch. Dự án này mang tên VUETA. Dự án đã vấp phải sự chống đối từ tổng cục đến sân bay và nhiều cơ quan bảo vệ an ninh khác. Những người ủng hộ dự án VUETA có thể nói chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vậy mà không sợ bị dị nghị, giáo sư Lê Văn Thiêm hằng ngày đi cùng anh Tuấn đến các trường đại học, các tổ chức đoàn thể, thậm chí cả cơ quan công quyền để thuyết trình dự án. Dạo đó tôi còn trẻ, có sức khỏe mà cũng chỉ theo giáo sư và anh Tuấn được có ba bốn buổi rồi thôi. Có thể tiếng nói và tâm huyết của giáo sư Thiêm thời đó đã thuyết phục không ít vị lãnh đạo. Bây giờ, mỗi lần có dịp ghé sân bay Tân Sơn nhất, tôi lại bùi ngùi nhớ về một thuở, nhớ đến trung tá Mai Trọng Tuấn và nhớ về giáo sư Lê Văn Thiêm.

Cũng trong hoàn cảnh thời bấy giờ, Trường đại học Tổng hợp TP.HCM có khá nhiều thiết bị hiện đại (có cả máy vi tính PET-2000 đầu tiên ở Việt Nam), có gần bảy trăm giáo viên mà chỉ lác đác vài trăm sinh viên. Một số ngành như sinh vật, toán đang bị "teo" dần vì không có sinh viên theo học. Rất nhiều đối tượng muốn vào đại học nhưng không được vì nhiều lý do khác nhau. Các thầy cô giáo dư thời gian mà không biết làm gì. Dạo đó, giáo sư Nguyễn Hữu Anh - Trưởng khoa Toán của trường đã họp một nhóm giáo viên theo kiểu "Hội nghị Diên Hồng". Thầy Cù An Hưng là người đưa ra sáng kiến mở hệ phi chính quy. Ý tưởng này nhanh chóng được Ban chủ nhiệm và tập thể thầy cô giáo khoa Toán xây dựng thành chương trình. Trước khi trình dự án này cho lãnh đạo Trường đại học Tổng hợp, Ban chủ nhiệm khoa đã lấy rất nhiều ý kiến tham khảo, Giáo sư Lê Văn Thiêm cũng là người nhiệt thành tham gia xây dựng. Thời đó, mở hệ không chính quy trong trường đại học chẳng dễ chút nào. Không ít người sợ trách nhiệm về chủ trương này, nhưng thầy thì ủng hộ hết mình và liên tục động viên chúng tôi.

Có thể nói rằng việc mở hệ đào tạo không chính quy là một cú đột phá trong ngành giáo dục đại học ở nước ta. Hệ đại học không chính quy đã tạo điều kiện cho nhiều người vào học. Chẳng hạn, anh Nguyễn Văn Bảy hằng ngày đạp xe xích lô để kiếm sống nhưng cứ mỗi buổi chiều, dù mưa to gió lớn, anh vẫn đều đặn dắt xe xích lô vào sân trường đi học. Nay, anh đã trở thành chuyên gia ngành Công nghệ thông tin. Hay anh Thiện, Công an tỉnh Đồng Nai, mỗi ngày lên lớp đều đặn mặc dù nhà cách trường hơn 30 cây số, nay anh đã là đại tá, công tác ở Văn phòng Bộ phía Nam. Còn anh Võ Đại Hoài Đức là học sinh giỏi Trường chuyên Lê Hồng Phong nhưng thi rớt đại học. Vào hệ không chính quy, Đức học rất chăm chỉ, tốt nghiệp xuất sắc, nay đã là tiến sĩ Toán chuyên ngành Phương trình vi phân.

Ba câu chuyện trên xảy ra trước năm 1985, trước cả Đại hội VI của Đảng - Đại hội đánh dấu sự đổi mới của đất nước ta. Đã có những năm tháng khó khăn về mọi mặt: nếp nghĩ, tư duy, vật chất... còn hằn sâu trong mỗi chúng ta. Và đã từng có một người lớn tuổi, dù mang bệnh nặng vẫn cần mẫn và nhiệt thành ủng hộ cái mới - đó là giáo sư Lê Văn Thiêm. Nhiều người biết giáo sư là nhà toán học Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng có thể rất ít người biết đến việc giáo sư là người luôn ủng hộ cái mới. Khi giáo sư Thiêm mất thì tôi không có mặt ở Việt Nam. Giờ đây, tôi viết những kỷ niệm này xin thay cho nén hương kính dâng lên hương hồn thầy, một người thầy đáng kính của các thế hệ chuyên Toán nói riêng và của các nhà khoa học Việt Nam nói chung - một nhân cách lớn của trí thức Việt Nam.

PGS - TS Nguyễn Đình Phư
(Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.