Tiết trời tháng bảy khiến tôi nhớ lắm những ngày hè nơi quê nhà, trong cái nóng giữa trưa vẫn phảng phất hương thơm từ hũ mơ rừng ngâm của nội.
Buổi sáng, bất giác nghe thoảng mùi hương đặc biệt xen lẫn cái oi nồng của tiết trời giữa hạ. Những chùm hoa mơ trắng dọc con đường đến lớp nay đã được thay thế bằng trái xanh hoe vàng. Mùi thơm quyến luyến. Chợt nhận ra mùa mơ lại về, đem theo bao kỷ niệm tuổi thơ về cùng dáng nội.
|
Nhớ mùa này ở quê nắng đang độ gắt nhất. Cái nắng tháng bảy làm nhao nhược người thành thị nhưng cũng cho người nhà nông vụ lúa chiêm bội thu, cho mùa vải thiều trĩu quả tới người vùng trung du hay trái mận mọng đỏ thơm nức ở miền sơn cước. Và cứ mùa này tôi lại nhớ nội, nhớ ba tháng hè vẫn được ở cạnh nội mỗi ngày xưa.
Mỗi dịp hè, thi cử xong xuôi, tôi lại gói ghém trở về quê để được thưởng thức các món ngon nội đãi. Trời oi nồng, nội lại làm mấy món đơn giản nhưng ăn rất vào cơm như canh cua, cà kho, cua muối, cà dầm tương bần hay cơm nắm muối vừng.
|
Bên cạnh những món ăn dân dã, chưa năm nào nội quên ngâm một hũ mơ lấy nước thết đãi con cháu. Nội bảo “mơ là món quà miền vùng núi, cây chủ yếu mọc tự nhiên, trái hái lượm về xuôi bán nên ít có hóa chất, ăn mát lại rất tốt cho sức khỏe”.
|
Hằng năm, mùa mơ bói quả độ tháng ba âm lịch. Cứ vào độ xuân muộn ấy, người phố lại rộn ràng du ngoạn theo những nẻo đường rừng thăm những cánh rừng mơ trắng xóa, còn người miền sơn cước thì xao xuyến trên những non cao cánh đồng mơ mai...
Tháng ba bói, tháng năm mơ già có thể hái về xuôi bán. Nội bảo mơ ăn xanh đắng, nhưng ngâm lấy nước chỉ cần mơ ở độ già là được.
Xưa nội thường ngâm mơ vào hũ sành màu xám, để ở góc tủ chừng ba tháng là bắt đầu được nước uống. Mơ có thể ngâm với đường hoặc muối để cho những loại nước thơm ngon giải nhiệt và quả ô mai mơ thơm ngon mà đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng thèm khát.
Làm nhiều thành quen tay, cứ vừa bỏ lớp mơ nội lại thoăn thoắt rắc một lớp đường dày lên phía trên cho đến khi hũ đầy chặt mơ đường. Nội dặn nếu chưa quen thì cứ theo tỉ lệ 1 - 1 - 0,05, nghĩa là ngâm mơ đường thì một lớp mơ một cân đường rồi trộn thêm nửa lạng muối, còn ngâm mơ muối tương tự dùng nửa lạng đường. Nội còn dặn thêm, “để mơ không bị ủng, trước khi đem ngâm phải lấy nước sôi giội qua một lượt và nhặt kỹ núm quả để nước mơ dễ dàng tiết ra”.
Có lẽ đó là kinh nghiệm nội tôi có được sau bao hũ mơ thơm ngon. Cốc nước mơ còn phảng phất hương thơm của quả mơ chín, một chút chát của vị mơ rừng và ngọt thanh từ đường ngâm lâu ngày…
Những cốc nước mơ thơm mát của nội cứ thế trở thành món quà quý giá mà lũ trẻ chúng tôi háo hức giữa cái oi bức trời hè. Để rồi giờ đây, nơi đất khách xa hàng ngàn cây số, chợt nghe thoảng mùi mơ xanh, tôi lại nhớ nội đến da diết. Làm sao về lại thời thơ ấu ngọt mát vị mơ rừng… và được gặp nội tôi.
Theo P.Thanh/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)