Vi phạm bản quyền xuất hiện ở nhiều trang web tầm cỡ quốc tế

Ngọc An
Ngọc An
13/03/2018 06:20 GMT+7

Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion picture association of America) đang cùng chủ thể quyền sở hữu các bộ phim Hollywood, chương trình truyền hình của VN và nhiều quốc gia khác phối hợp với các cơ quan thẩm quyền VN xây dựng chương trình toàn diện chống vi phạm bản quyền tại VN.

PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Jan van Voorn (ảnh), Phó chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách bảo vệ bản quyền toàn cầu của MPA, xung quanh các vấn đề chống vi phạm bản quyền tại VN nhân dịp ông đến Hà Nội.
Ông có thể chia sẻ về chương trình chống vi phạm bản quyền do Hiệp hội Điện ảnh Mỹ và các đối tác đang xây dựng tại VN?
Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) không chỉ bảo vệ các bộ phim của Hollywood mà sẽ cùng các đối tác VN bảo vệ các bộ phim, các chương trình truyền hình của VN nữa. Hiện, MPA đang làm việc với các cơ quan nhà nước của VN trong đó có Bộ TT-TT, cũng như các đối tác như BHD, Đài truyền hình VN… để phối hợp phát hiện, điều tra và đưa ra xử lý các hành vi xâm phạm bản quyền đối với phim và các chương trình truyền hình. Việc đưa lên mạng các bộ phim và chương trình truyền hình không được phép của chủ sở hữu quyền sẽ bị xử lý theo pháp luật VN. Chúng tôi hướng tới việc xử lý hình sự lẫn dân sự đối với các vi phạm.
Vi phạm bản quyền xuất hiện ở nhiều trang web tầm cỡ quốc tế1
Ảnh: Ngọc An
MPA vừa gửi yêu cầu tới cơ quan công an VN đề nghị tiến hành điều tra các đối tượng vận hành Gomovies, một trong những trang web phim phổ biến nhất thế giới. Ông có thể nó rõ hơn về vụ việc này?
Hiện nay, MPA đang hợp tác với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) điều tra, xử lý các đối tượng vận hành Gomovies. Theo điều tra ban đầu của MPA, trang web này được đăng ký và điều hành bởi các cá nhân là người VN sống tại VN, thông qua việc tải phim lên mạng từ các địa chỉ do người VN đứng tên. Đây là một trong những trang web nguy hại nhất trên thế giới. Bởi số lượng người truy cập vào trang web này lên tới khoảng 98 triệu lượt chỉ trong vòng 1 tháng. Đó là con số rất lớn nên chúng tôi mong muốn cơ quan công an VN điều tra, xử lý vụ việc càng sớm càng tốt. Mặt khác, trang web này được thay đổi tên liên tục, lúc đầu là Gomovies, sau đó chuyển thành 123movies… Vì thế, nếu không được giải quyết nhanh chóng, vụ việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông nhìn nhận thế nào về những thách thức trong việc xử lý vi phạm bản quyền tại VN?
Ở VN, tình trạng xâm phạm bản quyền không chỉ dừng lại ở các trang web trong nước, mà đã xuất hiện nhiều trang web mang tầm cỡ quốc tế. Nhiều trang web vi phạm đứng ở vị trí cao trong bảng xếp hạng các trang web được xem nhiều nhất trên thế giới lại được vận hành bởi những người VN đang sống tại VN. Những vi phạm này gây nguy hại cho nền công nghiệp điện ảnh nói chung. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu một bộ phim bị tung lên mạng trước thời điểm ra rạp thì tiền vé thu được sẽ bị giảm khoảng 20%. Nhìn vào thị trường VN, hiện chỉ có khoảng 3 - 5 trang web cung cấp dịch vụ xem phim hợp pháp, trong khi số lượng trang web vi phạm gấp nhiều lần.
Khó khăn đối với việc xử lý các vi phạm này có thể nhìn thấy ngay từ vụ việc xử lý trang web Gomovies. Tiến trình xử lý khá chậm. Nhìn vào đó, chúng tôi thấy có nhiều việc cần phải làm, chẳng hạn như hỗ trợ các cơ quan nhà nước nâng cao năng lực xử lý những vụ việc vi phạm bản quyền có tính chất phức tạp, mang tầm cỡ quốc tế chẳng hạn.
Theo ông, đâu là giải pháp cần đưa ra cho VN trong việc xử lý vi phạm bản quyền điện ảnh, truyền hình?
Như tôi đã nói, cần phải cân bằng việc xử lý hình sự và dân sự các vi phạm tại VN. Với những vi phạm mang tính chất nghiêm trọng cần có cách xử lý hình sự, bởi đây là hình thức răn đe cao nhất. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, VN cần phanh phui các vụ việc vi phạm bản quyền nhiều hơn nữa, để các cơ quan chức năng có hình thức xử lý, đồng thời từ đó những cơ quan liên quan cũng cập nhật các biện pháp mới trong phòng chống vi phạm bản quyền, biết cách xử lý với những hình thức vi phạm mới.
Hội thảo Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thế giới số do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham), Bộ KH-CN (VN) và chính phủ Mỹ phối hợp tổ chức cũng diễn ra vào ngày 12.3 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, ông Adam Sifkoff, Giám đốc điều hành AmCham, cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại VN. Trong đó, chính phủ cần có những cải tiến cơ chế thực thi một cách hiệu quả hơn trong việc xóa bỏ, trừng phạt, ngăn chặn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả. Ông cho rằng, mức phạt hành chính hiện nay chưa giữ vai trò như một biện pháp ngăn chặn hiệu quả đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.