Vi-rút Rhino!

23/02/2008 20:52 GMT+7

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có tới 9/19 trẻ nhập viện điều trị viêm phổi cấp do nhiễm vi-rút Rhino bị tử vong.

Bệnh tiến triển nhanh

Mọi người đang hết sức lo ngại về tình trạng bất thường nói trên. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư,  tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhi nhiễm vi-rút Rhino cao bất thường, dù các cháu đã được điều trị trong điều kiện tốt nhất. Các trẻ nhập viện điều trị đều trong tình trạng nặng: suy hô hấp, phim chụp X-quang thấy hình phổi trắng xóa do tổn thương lan rộng.

Tiến sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi - Phó giám đốc BV Xanh-Pôn, Hà Nội - đơn vị tiếp nhận những ca viêm phổi do nhiễm vi-rút Rhino cho biết những trường hợp nặng ban đầu đã xuất hiện từ dịp trước Tết Nguyên đán. Các cháu ở lứa tuổi còn rất nhỏ, dưới 12 tháng tuổi. Có cháu chưa đầy tháng. Khi đến BV, các bệnh nhi đã có diễn biến nặng và bệnh tiến triển nhanh sau đó. Các ca bệnh đầu tiên này đã được các bác sĩ BV Xanh-Pôn tiến hành cấy mẫu bệnh phẩm (dịch khí phế quản) tìm tác nhân gây bệnh, nhưng không tìm thấy vi-rút, vi khuẩn. Vì vậy, tại đây đã rất khẩn trương chuyển bệnh nhân lên BV Nhi T.Ư, nơi có điều kiện  phương tiện thiết bị giúp cho chẩn đoán được tốt nhất.

Theo tiến sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, trước đây Rhino không phải là vi-rút gây bệnh nguy hiểm. Chúng vẫn tồn tại phổ biến. Trong trường hợp cơ thể yếu, giảm sức đề kháng, người nhiễm virus Rhino có thể có biểu hiện giống bệnh cảm lạnh thông thường: sổ mũi, chảy nước mũi, nặng hơn có thể sốt, ho.  Bản thân vi-rút Rhino không trực tiếp gây viêm phổi. Với trẻ khỏe mạnh bị nhiễm vi-rút có biểu hiện nhẹ: sổ mũi, nếu được chăm sóc tốt, thể lực tốt, tình trạng này sẽ khỏi sau 4 -7 ngày. Tuy nhiên, nếu thể trạng yếu, bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Từ cảm sốt ban đầu có thể bội nhiễm dẫn đến viêm phế quản, phổi.

Có thể lây lan

* Mỗi ngày BV Xanh - Pôn (Hà Nội) tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám, trong đó 60-70% trường hợp mắc bệnh ở đường hô hấp. Riêng trong những tháng rét, 70% các ca nhập viện mỗi ngày do bệnh lý đường hô hấp.

* Đặc biệt lưu ý khi thời tiết lạnh: giữ ấm cho trẻ, chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng. Ngay cả người lớn cũng cần phòng bệnh do nhiễm vi-rút Rhino. Khi có biểu hiện của cảm lạnh: sổ mũi, ho sốt rất cần lưu ý đề phòng bệnh tiến triển nặng.

Vi-rút Rhino tồn tại phổ biến, vì vậy, người lớn cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Qua các ca bệnh vừa rồi, người lớn cần lưu ý đến kỹ năng chăm sóc trẻ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn đầy đủ, giảm nguy cơ bội nhiễm nguy hiểm. Khi bệnh ở mức độ nhẹ (sổ mũi), nên cho trẻ nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% (lưu ý: khi trời lạnh, cần ngâm chai nước muối vào trong nước ấm vài phút, để nước muối đó được làm ấm lên, không làm lạnh trẻ khi nhỏ mũi. Cần nhỏ thử ra mu bàn tay người lớn trước để biết chắc nước muối đó không bị ngâm quá nóng). Trong trường hợp bệnh tiến triển, trẻ có thể từ viêm đường hô hấp, viêm phổi gây suy hô hấp. Lúc này, trẻ có biểu hiện: rối loạn nhịp thở, thở nhanh, rút lóm lồng ngực, cánh mũi phập phồng; tiếp đến là các biểu hiện thở "rên", tím môi...

Nếu không được chăm sóc tốt, sẽ bội nhiễm dẫn đến viêm phổi. Với các ca bệnh vừa qua, có thể kết hợp thêm các yếu tố: trẻ nhỏ, thời tiết quá lạnh, khắc nghiệt làm giảm sức chống đỡ - là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển. Tiến sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi khuyên: vì là vi-rút, nên chúng có khả năng lây qua đường hô hấp. Khi có trẻ ốm, nên chăm sóc riêng biệt.  

Liên Châu

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.