Daniel Sturridge (áo trắng) hoàn toàn "lột xác" sau khi được Chelsea đem cho Bolton mượn - Ảnh: AFP |
(TNO) Nhìn lại bất cứ giải Vô địch quốc gia quan trọng nào, từ Serie A đến Bundesliga, từ La Liga đến Premier League, chúng ta đều thấy có những cầu thủ thành công, dù chỉ khoác áo đội bóng của họ dưới hình thức mượn tạm.
Giải Anh chẳng hạn. Từ ghế dự bị Chelsea, Daniel Sturridge bị đẩy sang Bolton dưới hình thức cho mượn và anh tỏa sáng trong đội hình chính Bolton. Kể từ khi Sturridge chuyển câu lạc bộ (CLB) - tính từ tháng 1.2011, chỉ có 1 cầu thủ khác ghi bàn nhiều hơn anh ở Premier League: Robin Van Persie của Arsenal.
Danny Welbeck tạm chia tay Manchester United, khoác áo Sunderland trong hình ảnh một cậu bé giỏi chơi bóng, rồi trở về Old Trafford với tư cách một cầu thủ “cứng cựa”. Kyle Walker cũng vậy. Không thể liệt kê cho hết các trường hợp thành công như thế. Nhưng tóm lại, liệt kê các cầu thủ thành công trong danh nghĩa “cầu thủ cho mượn” để rút ra điều gì?
Một mặt, người ta cứ lặp đi lặp lại những điều không mới: kinh tế khó khăn, nguy cơ phá sản hoặc sự đe dọa từ phía quy định “fair-play tài chính” của UEFA để lý giải cho tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều bản hợp đồng cho mượn cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng. Nói vậy kể cũng không sai, bởi hiệu quả rành rành của việc mượn tạm cầu thủ là không tốn tiền (hoặc nhiều tiền) chuyển nhượng. Đội bóng chỉ mượn thay vì mua hẳn ngôi sao được giảm đáng kể nguy cơ mua nhằm ngôi sao “dỏm”. Đội cho mượn cầu thủ thì đỡ phải trả lương cho các cầu thủ mà họ biết chắc là sẽ không sử dụng nhiều, thậm chí không có trong kế hoạch chuyên môn. Cầu thủ trong cuộc không hề bị giảm lương khi khoác áo CLB khác dưới hình thức mượn tạm, lại có cơ hội thi đấu nhiều hơn…
Vậy thì, vấn đề đâu có nằm ở chỗ khó khăn tài chính của các CLB hoặc quy định fai-play tài chính của UEFA! Cho dù loại hình “mượn tạm” trên thị trường chuyển nhượng quả có giúp các đội bóng hạn chế chi tiêu đi nữa, đấy vẫn chỉ là chi tiết phụ. Phải kết luận theo hướng khác: bóng đá chuyên nghiệp đã tiến một bước dài, mang ý nghĩa đột phá, khi “nghĩ ra” hình thức mượn tạm cầu thủ.
Phải có những bước tiến mang tính đột phá như vậy, châu Âu mới xứng danh là kinh đô của bóng đá nhà nghề. Nếu xem các CLB châu Âu là những đội bóng nhà giàu, thì hãy kết luận: người ta giàu vì người ta giỏi, và người ta giỏi ở chỗ biết xài tiền một cách hiệu quả, kể cả khi mình… giàu. Nhìn vào các bản hợp đồng cho mượn, vốn đang xuất hiện tràn lan trên thị trường chuyển nhượng mùa này, mà chỉ để dè bỉu việc “thắt lưng buộc bụng” thì, thiết nghĩ, đấy là cái nhìn sai lầm.
Ngũ Viên
Bình luận (0)