Ngày 14.11, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, đã có chỉ đạo bằng văn bản về việc cảnh báo nạn tín dụng đen tại địa phương.
Theo kết quả kiểm tra bước đầu, tỉnh Gia Lai có gần 660 đầu mối có biểu hiện cho vay tiền, bán hàng hóa lãi suất cao tại 16/17 huyện, thị. Cơ quan chức năng phát hiện 108 người hoạt động cho vay nặng lãi trong đó có 31 người có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh phía Bắc.
Chiêu trò của những người này là dán tờ rơi quảng cáo trên tường các khu dân cư, công sở, trường học, cột điện… kèm số điện thoại để liên hệ; mở website cho vay online trên internet, qua mạng xã hội, các ứng dụng cho vay tiền nhanh; hình thức cho vay tiền mặt hoặc bằng hình thức mua nợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), hàng hóa phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng).
|
Lãi suất từ 2,5%/tháng sau đó tăng lên 20%/tháng
Để đưa người nghèo vào “tròng”, các đối tượng cho vay “cam kết” thủ tục nhanh chóng, không cần cầm cố tài sản, giấy tờ cho vay không cần người làm chứng, công chứng. Tin lời, một số ít đồng bào dân tộc thiểu số thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền.
Khi người dân vay tiền, các đối tượng cho vay nặng lãi tính lãi suất từ 2,5%/tháng sau đó tăng lên 20%/tháng, đa số các lãi suất thỏa thuận bằng miệng không thể hiện trên hợp đồng, giấy vay nợ.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, ngoài nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh nhưng người dân khó tiếp cận với nguồn vốn từ các hệ thống ngân hàng, tín dụng… thì còn do tâm lý thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi; một bộ phận dùng số tiền tiết kiệm để cho vay hoặc vay, mượn của người thân sau đó cho người khác vay lại để hưởng chênh lệch lãi suất.
|
Trong vòng 1 năm rưỡi, Cơ quan CSĐT các cấp của tỉnh Gia Lai đã khởi tố 6 vụ, bắt 23 bị can; triệt phá 1 công ty núp bóng doanh nghiệp hoạt động cho vay lãi suất cao. Ngoài ra, xử phạt 42 đối tượng treo, dán quảng cáo cho vay tiền, buộc tháo dỡ 8.006 biển, 11.370 tờ rơi, quảng cáo liên quan đến cho vay tiền lãi cao.
Trước nạn tín dụng đen, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ, Quốc hội hoàn hiện hệ thống pháp luật (nhất là các văn bản hướng dẫn dưới luật) nhằm tạo hành lang pháp lý để thuận lợi cho việc điều tra, xử lý tội phạm; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng để người dân dễ tiếp cận các nguồn vốn vay.
Bình luận (0)