Vì sao có những người trẻ chọn cách sống lowkey?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
22/06/2023 16:48 GMT+7

Trong thời buổi hiện nay, không ít người trẻ chọn cách sống lowkey. Vậy lowkey là gì và vì sao nhiều người lại chọn cách sống này?

Chuyên gia về phát triển năng lực thanh niên Nguyễn Thanh Quang, công tác tại Viện nghiên cứu và Giáo dục phát triển bền vững, thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho hay cách sống lowkey để nói về một người không phô trương, kín đáo, trầm tư và kiệm lời. Họ không cập nhật trạng thái nhiều trên mạng xã hội. Trang cá nhân Facebook gần như có rất ít thông tin, bạn bè, thậm chí phần ảnh đại diện cũng để trống hoặc lấy ảnh trên mạng.

Hạn chế đụng chạm đến những thứ tiêu cực?

Ngồi trong căn phòng nhỏ, tỉ mỉ làm những sản phẩm terrarium, Đ.N.H (29 tuổi), ngụ Q.3, TP.HCM, thừa nhận với người viết rằng bản thân thuộc dạng người sống lowkey.

"Sống cuộc sống lowkey giống như người "vô hang ở ẩn". Thú thật, mình ít tiếp xúc với mọi người. Một tháng mình đi chơi với bạn bè thân thiết chỉ 1-2 lần, thời gian bước ra ngoài cũng đếm trên đầu ngón tay", H nói thêm.

7bd12207cb901ace4381.jpg

Hiện nay, nhiều người trẻ chọn cách sống lowkey

TẤN ĐẠT

Khi được hỏi "bạn có gặp biến cố gì trước đó không?", H chia sẻ: "Bên ngoài đầy rẫy thị phi. Việc ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, lướt mạng xã hội, giúp mình hạn chế đụng chạm với những thứ tiêu cực".

Không riêng gì H, hiện nay nhiều người trẻ chọn lối sống lowkey. Họ cho rằng thế giới bên ngoài, đặc biệt là trên mạng có vô số câu chuyện tào lao, tiêu cực.

Nguyễn Thị Ngọc Linh (31 tuổi), làm viên chức tại Q.10, TP.HCM, cho hay công việc trước đây của cô rất áp lực. Có những ngày, Linh phải thức dậy vào 5 giờ sáng, khi về nhà đã là 23 giờ, nhưng công việc vẫn còn chất đống.

"Chưa kể, khi đến nơi làm việc mình gặp không ít đồng nghiệp xấu tính, chuyện bé xé to. Đôi lúc, mình cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực bởi môi trường làm việc như thế, không nói lên được ý kiến và mình đã... nghỉ việc", Linh kể lại.

Cũng từ đấy, cô nàng 31 tuổi đã bước vào cuộc sống lowkey. "Mình đã chọn công việc văn phòng. Sáng đi làm, chiều về nấu cơm, xem những bộ phim mình thích. Thi thoảng mình hẹn những người bạn đi ăn ở một số nơi không quá đông người, ồn ào, đặc biệt là không khoe khoang hay đăng những hình ảnh cá nhân lên các trang mạng xã hội", Linh nói.

Linh thừa nhận: "Khi chọn cách sống lowkey mình không bị săm soi, không dễ dàng bị mắc kẹt trong những thị phi không đáng có. Mình được thoải mái với những phút giây cho bản thân để chăm sóc cũng như quan sát thế giới nội tâm của mình".

Dễ quan sát, nắm bắt được tình hình

Lê Hoài Nam (23 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại 240 đường 3 Tháng 2, Q.10, TP.HCM, cũng thừa nhận mình chọn cách sống lowkey trong cuộc sống lẫn tình yêu. 

"Mình không công khai hình ảnh cá nhân hay bạn đời của mình trên mạng xã hội để tránh sự đánh giá, dò xét từ người khác. Mình chỉ cần người trong cuộc và những người thân cận hiểu là đủ", Nam nói.

d4ac0b929b034a5d1312.jpg

Người trẻ chọn cách sống lowkey để tìm những mối quan hệ chất lượng

DUY TƯỜNG

Nam còn cho hay mình ít đăng câu chuyện đời tư, những bức xúc, khó khăn trong công việc lên mạng xã hội. Và số lượng bạn bè trên đấy cũng không nhiều.

"Khi sống lowkey mình dễ quan sát, nắm bắt được tình hình các mối quan hệ xung quanh cũng như chọn lọc được những mối quan hệ thật sự chất lượng, chân thành, kết thân với nhau vì bạn là chính bạn, không phải là một phiên bản nào khác", Hoài Nam chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Thanh Quang cho hay người có lối sống lowkey thường chia sẻ những thứ họ cần và thực sự có tác động. Việc hạn chế đăng tải, chia sẻ về bản thân hay chỉ cập nhật đúng thời điểm cũng giúp hạn chế tình trạng bị so sánh, chỉ trích hoặc vấp phải các ý kiến khác nhau.

"Người có lối sống lowkey không hoàn toàn là người hướng nội, mà có thể bản chất thực của họ là hướng ngoại nhưng do các tác động tiêu cực trong quá trình sử dụng mạng xã hội đã thay đổi cách thể hiện, và họ chọn cách thể hiện lowkey như một lối sống lành mạnh trên không gian ảo", anh nói.

Còn thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng các bạn trẻ chọn cách sống lowkey là hết sức bình thường.

fbf131ada03c7162282d.jpg

Theo thạc sĩ Đặng Hoàng An người trẻ chọn cách sống lowkey là việc nên làm khi bản thân gặp áp lực trong cuộc sống

TẤN ĐẠT

"Việc một người chọn cách sống lowkey, không có nghĩa là bị trầm cảm mà họ đã nhìn nhận được đâu mới là giá trị của bản thân giữa cuộc sống ảo và thật, tránh được những thứ lộn xộn, phức tạp… Sống đơn giản, tránh xa mạng xã hội không có nghĩa là bạn hời hợt trong tư duy hay sợ hãi mà là bạn cần giảm nhẹ áp lực trong cách nghĩ của mình, đưa những suy nghĩ phức tạp thành sự giản đơn. Và không gì tốt hơn bằng việc "quay về bên trong" để ngồi, thư giãn, nhắm mắt và lắng nghe mình muốn gì", thạc sĩ tâm lý, Đặng Hoàng An nói.

Anh Quang chia sẻ thêm việc đối mặt với những thứ tiêu cực trên mạng hay ngoài đời là không tránh khỏi, người trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, biết cách cân bằng cuộc sống.

"Nếu bạn không kiểm soát được nỗi sợ, điều này sẽ khiến bạn luôn ở trong trạng thái căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Để khắc phục, bạn nên chăm chỉ tập thể thao vì sự vận động không chỉ giúp ích cho não bộ rất nhiều mà còn khiến đầu óc bận rộn nhưng lại dễ chịu hơn. Ngoài ra, bạn cần chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực... từ đó bạn sẽ tìm được nguồn năng lượng để cân bằng cuộc sống", anh Quang cho lời khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.