Vì sao cụm tháp Chăm ở Tuy Phong (Bình Thuận) lại mang tên Po Dam?

Nam Hoa
Nam Hoa
16/07/2021 12:37 GMT+7

Cụm tháp Po Dam (còn được gọi là Pô Tầm) nằm bên sườn một ngọn núi có tên là núi Ông Xiêm ở làng Tuy Tịnh, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận .

Những ghi chép của H. Parmentier trong Inventaire Descriptif des Monuments Cam de l’Annam (Thống kê khảo tả các di tích Champa ở miền Trung Việt Nam, Paris - 1909) hoặc các tài liệu nghiên cứu khảo cổ trong nước sau này đều ghi nhận rằng cụm tháp Po Dam còn lại dấu tích của hai nhóm tháp, mỗi nhóm có 3 ngôi tháp, nằm theo trục bắc - nam. Trong số đó hiện chỉ 3 ngôi tháp ở cụm phía nam đang còn hình hài, 1 ngôi tháp ở cụm phía bắc đã sụp đổ gần hết chỉ còn 2 góc tường  và 2 ngôi tháp còn lại trong cụm đã sụp đổ hoàn toàn.

Cụm tháp Chăm đặc biệt

3 ngôi tháp ở cụm phía nam đều là những tháp nhỏ, thấp, tường tháp để trơn đơn giản. Ngôi tháp duy nhất ở cụm phía bắc - được Parmentier gọi là “tháp trung tâm” - là ngôi tháp lớn nhất, đẹp nhất của cả cụm đền tháp Po Dam. Tuy phần mái của ngôi tháp này đã bị xói lở gần hết, nhưng phần thân tháp còn khá nguyên vẹn.

Cụm tháp Po Dam nằm bên sườn núi Ông Xiêm, huyện Tuy Phong, Bình Thuận

ẢNH: NAM HOA

Tháp cổ Champa (Ngô Văn Doanh, NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2019) miêu tả ngôi tháp này có hình dáng, cấu trúc và trang trí phong phú hệt như các tháp Hòa Lai (một cụm tháp ở Ninh Thuận, đại diện tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm ở khoảng thế kỷ 9), nhưng với kích thước nhỏ hơn.
Tại khu vực này, người ta đã tìm được bộ linga - yoni mà trong Tháp cổ Champa được mô tả là “rất giống của Phú Hài và Hòa Lai” - thể hiện tính chất Siva giáo của cụm tháp Po Dam.
Trong đợt trùng tu và khai quật khảo cổ lớn ở cụm tháp Po Dam những năm 2013 - 2014, người ta đã thu được những kết quả khảo cổ hết sức có giá trị. Cuốn Kiến trúc Champa trong lịch sử (Lê Đình Phụng - Phạm Khắc Triệu, NXB Khoa học Xã hội - 2021) cho biết đợt khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ dấu vết rất nhiều công trình tại khu vực này. Đó là hệ thống tường bao khu tháp, con đường cổ từ chân núi dẫn lên khu tháp và nhiều dấu vết kiến trúc trong khuôn viên khu tháp, đây là một quần thể kiến trúc tôn giáo rất rộng lớn.

Ngôi tháp duy nhất còn lại ở cụm phía bắc

ẢNH: NAM HOA

Trong số đó có những kiến trúc nhỏ, có thể là những bệ thờ ngoài trời; khu công trình được cho là nơi chuẩn bị đồ tế lễ; và đặc biệt là dấu tích của tháp cổng, dấu tích của Nhà dài (Mandapa) với những nền móng còn lại, đã giải mã rất nhiều vướng mắc cho các nhà khoa học.
Các nhà khoa học cũng thống nhất rằng, dù một số kiến trúc ở đây được xây dựng trong những thời điểm khác nhau, nhưng cụm tháp Po Dam có những mối quan hệ chặt chẽ với nhóm tháp Hòa Lai và được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 9, trong vương triều Panduranga với kinh đô Virapura ở khu vực Phan Rang - thời kỳ sử Trung Hoa gọi vương quốc Champa bằng cái tên Hoàn Vương.

Nhân vật Po Dam là ai?

Po Dam là vị vua xuất hiện muộn trong lịch sử Champa. Theo Dân tộc Chàm sử lược (Dohamide - Dorohiem, Sài Gòn - 1965), Po Dam (hay Po Ka-thit) là con của Po Pa-ri-chanh. Sách dẫn phụ lục Biên niên sử hoàng gia Chàm cho rằng: Po Pa-ri-chanh trị kế vị Po Bin Thuor (Chế Bồng Nga) từ 1373 đến 1397; còn Po Ka-thit trị vì từ 1433 đến 1460. Tuy nhiên theo thuyết này thì thời gian làm vua của Po Bin Thuor (Chế Bồng Nga) bị lệch mất 17 năm so với sử Việt từng nêu vua Champa Chế Bồng Nga tử trận năm 1390 tại cửa ngõ Thăng Long khi đánh Đại Việt.

Hoa văn áp chân cột tháp

ẢNH: NAM HOA

Theo một tài liệu khác, Tìm hiểu cộng đồng Chăm ở Việt Nam (Nguyễn Văn Huy), Po Dam làm vua Champa từ năm 1458 đến 1460. Theo thuyết này, Po Dam cũng là con của vua Po Pa-ra-chanh (có thể do cách phát âm có chút sai lệch giữa Pa-ra-chanh và Pa-ri-chanh). Theo đó, khi vua Jaya Sinhavarman V (Ba Đích Lại) chết năm 1441, triều thần không ủng hộ con Ba Đích Lại nối ngôi, mà đưa "người cháu của cố vương" là Maha Kilai lên ngôi ("cố vương" ở đây có thể là một người thuộc dòng Chế Bồng Nga, khác với dòng của Ba Đích Lại).
Chú của tân vương Maha Kilai là Po Pa-ra-chanh (Pa-ri-chanh) đứng ra nhiếp chính và năm 1442 tự xưng vương, tiếm ngôi của cháu, tuy nhiên Po Pa-ra-chanh lại được nhà Minh khi đó công nhận.
Năm 1446, quân Đại Việt tấn công chiếm thành Đồ Bàn, Po Pa-ra-chanh bị bắt và bị đem về Thăng Long. Maha Kilai được trở về ngôi vua. Năm 1449, Maha Kilai bị em là Maha Kido bắt giam rồi tiếm ngôi. Đến năm 1452, Maha Kilai chết và năm 1457, Maha Kido được nhà Minh công nhận.
Năm 1458, thái tử của vua Po Pa-ra-chanh là Po Dam (Po Ka-thit) giết Maha Kido rồi lên ngôi. Như vậy trong 12 năm từ khi Po Pa-ra-chanh bị bắt, tình hình Champa rất phức tạp, cho tới khi Po Dam giành lại ngôi vua. Po Dam ở ngôi không lâu, năm 1460 truyền lại ngôi cho em là Trà Toàn, rồi sau đó không thấy được nhắc đến nữa.

Một số vật thờ được tìm thấy tại khu vực tháp Po Dam

ẢNH: NAM HOA

Như vậy, cụm tháp Po Dam chắc chắn đã được xây dựng trước thời vua Po Dam trị vì Champa khá lâu (4 - 5 thế kỷ). Về sau này, khi Po Dam được thờ phụng tại đây, cụm tháp mới được gọi theo tên của ông. Cuốn Tháp cổ Champa cho rằng dường như Po Dam được dân chúng đồng nhất với một vị thần bản địa nào đó. Hiện nay khoảng tháng 4 Chăm lịch, những người Raglai lại đem long bào của vua Po Dam về khu tháp này tế lễ.
Ngoài ra, sách đã dẫn còn cho rằng Po Dam (hay Po Ka-thit) được triều Nguyễn sắc phong làm “Phan Dương Thần”- theo 8 tờ chiếu chỉ - vì có công hộ quốc ở Thuận Thành trấn. Sắc phong này hiện được bảo quản tại tộc họ hậu duệ ngài ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.