Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng?

Vũ Hân
Vũ Hân
13/09/2019 21:18 GMT+7

Dù Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông báo chính thức trước HĐND thành phố về việc sẽ tuyển dụng đặc cách giáo viên có hợp đồng từ 5 năm trở lên, nhưng Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội lại có chỉ đạo khác hẳn.

Cụ thể, thông báo kết luận mới nhất của Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, qua rà soát của các quận, huyện, thị xã, không ai trong số 2.923 giáo viên của Hà Nội đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7 điều 2 Nghị định 161/2018.
Tất cả các giáo viên hợp đồng này không được xét tuyển đặc cách do không đủ điều kiện: “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, theo quy định tại Nghị định 161/2018.
Như vậy, số giáo viên trên sẽ phải trải qua kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục bằng 2 hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển như các ứng viên khác, dù trước đó đích thân Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã 2 lần cho biết sẽ xét tuyển số giáo viên hợp đồng này nếu họ đáp ứng đủ 3 tiêu chí: có hợp đồng từ 5 năm trở lên, có đủ sức khỏe và có chuyên môn phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.
Với cách làm bất nhất của UBND TP.Hà Nội, trong mấy tháng gần đây, các huyện của Hà Nội đã dần chấm dứt hợp đồng với các giáo viên thuộc diện này, gồm cả những người đã ký hợp đồng 20 năm.
Trao đổi với Thanh Niên, thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (đã bị chấm dứt hợp đồng từ ngày 31.5, dù đã là giáo viên hợp đồng 17 năm) cho biết do Trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), nơi thầy Tiến công tác, thiếu giáo viên nên thầy Tiến được ký hợp đồng thỉnh giảng đến 27.12.2019. 
Nhiều thầy cô giáo hợp đồng khác ở thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì cũng chịu cảnh tương tự.
Vì sao Hà Nội bất nhất trong việc thi tuyển hay xét tuyển, để các giáo viên hy vọng rồi lại thất vọng? Vấn đề chính nằm ở Nghị định 161/2018. Tại thông báo kết luận lần này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vẫn chỉ đạo phải tuyển dụng theo Nghị định 161, mà nếu như vậy thì ngay từ đầu thành phố không cần đến mấy tháng để “rà soát” cũng rõ ngay là không giáo viên nào được xét tuyển đặc cách, vì Nghị định 161 chỉ cho phép đặc cách với nhân viên hợp đồng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, mà cả thành phố chỉ có một số ít trường đáp ứng được.
Theo một chuyên gia trong ngành Nội vụ, các địa phương có thẩm quyền trong việc tuyển dụng viên chức và không nhất thiết phải áp dụng Nghị định 161. Một số địa phương khác đã linh hoạt để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng đã tồn tại từ lâu. Bộ Nội vụ cũng đã 1 lần có văn bản trả lời Hà Nội về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng tại cuộc họp hồi tháng 4 nhằm giải quyết kiến nghị của các giáo viên hợp đồng, thì Hà Nội “gần như” là địa phương đầu tiên áp dụng Nghị định 161 và có vẻ ý chí của lãnh đạo thành phố là muốn giữ “danh hiệu” đó.
Chiều 13.9, phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với tân Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà và được bà Hà cho biết thành phố cũng đang yêu cầu Sở Nội vụ tổng hợp để báo cáo. Vậy quyết định cuối cùng của UBND TP.Hà Nội là gì? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả sau khi có câu trả lời từ các cơ quan chức năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.