Vì sao không giao Thủ tướng nhiệm vụ chống tham nhũng?

16/04/2015 06:19 GMT+7

Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo luật Tổ chức Chính phủ chưa thể hiện được điều này.

Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dự thảo luật Tổ chức Chính phủ chưa thể hiện được điều này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN
Đây là quan điểm được đại biểu (ĐB) Lê Nam (Thanh Hóa) đưa ra tại phiên thảo luận chiều qua (15.4) của các ĐBQH chuyên trách về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự luật Tổ chức Chính phủ (TCCP) dự kiến trình QH tại kỳ họp thứ 9 tới.
ĐB Lê Nam nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang đặt ra những vấn đề quan trọng cấp bách. “Nhân dân, dư luận đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả. Phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ. Tuy nhiên, tại dự luật TCCP, nhiệm vụ này chưa được thể hiện rõ ràng. Phần về nhiệm vụ của Thủ tướng cũng không đưa ra vấn đề này...”, ĐB Lê Nam nói.
Theo ĐB Lê Nam, mặc dù trong cơ chế hiện tại đã có “Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư”, nhưng ban này hoạt động theo nguyên tắc, cách thức của Đảng. Nhà nước pháp quyền nên Đảng không làm thay công việc của nhà nước. “Chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Thủ tướng. Nhân dân mong đợi Thủ tướng lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí nên đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu”, ĐB Lê Nam nói.
Cần quy định cụ thể số lượng phó thủ tướng
Thảo luận về quy định số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nên có quy định giới hạn cụ thể và theo hướng “ít phó hơn”.
Theo ĐB Thuyền, có tình trạng càng nhiều cấp phó thì công việc càng tăng lên và thiếu hiệu quả. Vấn đề chính là việc lựa chọn cán bộ xứng đáng tầm vóc. ĐB Thuyền đề nghị dự luật cần giảm bớt một phó ở tất cả các cấp. Mỗi bộ chỉ nên có tối đa 4 thứ trưởng (dự thảo đề nghị 5), cấp phó tổng cục tối đa là 3 (dự thảo đề nghị 4)...
ĐB Thuyền cũng đề nghị có quy định cụ thể số lượng phó thủ tướng chứ không để chung chung như hiện nay. Điều quan trọng theo ĐB Thuyền đó là khi đã có luật quy định “cứng” thì phải đảm bảo sau này không có những quy định lách luật. Luật hiện tại không đâu quy định có “hàm vụ trưởng”, “hàm phó vụ trưởng”... nhưng lại có ở rất nhiều nơi. “Quy định ít phó như dự luật liệu sau này có “hàm thứ trưởng” không”, ĐB Thuyền nêu câu hỏi.
Theo ĐB Thuyền, nếu không có sự kiểm soát chặt trong quá trình vận dụng luật một cách “linh hoạt” sẽ tạo ra nhiều biến tướng.
Chia sẻ ý kiến của ĐB Thuyền, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng trong khi ở các nước khác cấp phó có nhiệm vụ giúp cấp trưởng thì ở VN nhiệm vụ chính của cấp phó là…đi họp. Điều nguy hiểm, theo ĐB Lịch là việc biến cấp phó thành một cấp hành chính. ĐB Lịch cho rằng muốn giảm cấp phó cần phải tăng trách nhiệm quản lý nhà nước cấp trưởng. “Có vấn đề gì thì ông tổng cục trưởng, cục trưởng phải chịu trách nhiệm chứ không phải ông phó. Tương tự ở các địa phương cũng vậy”, ĐB Lịch nói.
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, dự luật TCCP và dự luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa thể minh bạch hóa được chuyện “ai biết mình làm gì”. “Ví dụ xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm ở một địa phương thì chất vấn Bộ trưởng Y tế hay chủ tịch tỉnh? Những việc cụ thể như vậy thuộc trách nhiệm của ai?”, ĐB Lịch nêu câu hỏi. Theo ĐB Lịch, trong văn bản giải trình, tiếp thu về dự luật này, Ủy ban Thường vụ QH có nói việc phân quyền, phân cấp giữa T.Ư, địa phương sẽ được quy định tại các luật chuyên ngành. “Nhưng tôi xem các luật chuyên ngành về quản lý nhà nước thì đều nói chung một câu là “bộ/địa phương theo thẩm quyền quản lý nhà nước”. Như vậy luật chuyên ngành không nêu nội dung nào thuộc T.Ư, nội dung nào địa phương và luật này cũng vậy”, ĐB Lịch nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.