Vì sao Qui Nhân lại trở thành Qui Nhơn?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
04/09/2020 03:00 GMT+7

Vào thế kỷ thứ 17, Qui Nhơn (hay Quy Nhơn) ngày nay có tên gọi là Qui Nhân, được ký âm là Quignin.

TP.Qui Nhơn (Quy Nhơn) ngày nay là vùng đất thuộc thành Đồ Bàn của nước Chiêm Thành (khoảng nửa đầu thế kỷ 15). Thời đó, Đồ Bàn có tên là Vijaya (Phạn ngữ: विजय/danh từ giống đực, có nghĩa là thắng lợi hay vùng, miền, khu vực). Năm 1471, sau khi bình định Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông đặt tên vùng này là phủ Hoài Nhân (懷仁). Theo Đại Nam nhất thống chí, năm 1602, phủ Hoài Nhân đổi tên thành phủ Qui Nhân. Xin lưu ý, trong giai đoạn này chưa có chữ Quốc ngữ, cư dân Đàng Trong mới hình thành nên nhiều khả năng địa danh 懷仁 và 歸仁 được gọi là Hoài Nhân và Qui Nhân. 
Hoài Nhân có nghĩa là nghĩ về điều nhân; còn Qui Nhân thường được hiểu là vùng đất qui tụ người tài, người nghĩa hiệp. Song căn cứ vào Hán ngữ thì cần hiểu chính xác Qui nhân (歸仁) là quay về với lòng nhân đức. Điều này thể hiện quan điểm ‘Đức trị’ của vua Lê Thánh Tông.
Qui Nhân thành Qui Nhơn là do kỵ húy?
Trong giai đoạn chữ Quốc ngữ còn phôi thai (thế kỷ 17), địa danh 歸仁 (Qui Nhân) được ký âm là Quignin trong báo cáo của Christoforo Borri năm 1618. Về sau, phụ âm gn được đổi thành nh nên Quignin được viết là Quinhin. Đây là cách viết trong những bản tường trình thường niên của João Roiz và Gaspar Luís trong giai đoạn năm 1623 - 1626. Chữ nhin chính là ký âm của 2 chữ nhân trong Hán ngữ: 人 (người) và 仁 (lòng nhân).

TP. Qui Nhơn (Quy Nhơn) ngày nay tươi xanh và trù phú

Ảnh: Lê Hồ Bắc

Từ điển Việt – Bồ - La (năm 1651) đã ghi nhận điều này: nhin người; nhin đức; nhin nghĩa (tức nhân đức, nhân nghĩa). Như vậy, đến giữa thế kỷ 17, chữ 仁 (nhân) có cách viết chữ Quốc ngữ là nhin, chưa biến thành nhơn trên văn bản, nghĩa là vẫn còn âm Qui Nhân của chữ 歸仁 chứ chưa biến thành Qui Nhơn. Vào thời đó, người phương Tây còn gọi Quinhin là Pullucambi (theo cách của người Bồ Đào Nha) hoặc Qui Nong (cách gọi của người Anh).
Có quan điểm cho rằng do luật kỵ húy thời Minh Mạng và Thiệu Trị nên Qui Nhân được gọi là Qui Nhơn, nhiều địa danh có chữ nhân khác ở Qui Nhơn cũng bị đổi thành nhơn. Tuy nhiên, thời Minh Mạng và Thiệu Trị diễn ra từ giai đoạn cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, trong khi đó địa danh 歸仁 được người Việt đọc là Qui Nhân từ đầu thế kỷ 17, vì thế khả năng kỵ húy không thể xảy ra. Điều này chỉ có thể lý giải qua cách phát âm giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong. Ví dụ như phần vần anân theo thời đã biến thành ơn: đàn/đờn, hán/hớn, san/sơn; ân/ơn, chân/chơn, nhân/nhơn… Những từ biến thể vẫn được công nhận là từ Hán-Việt.
Năm 1773, Từ điển Việt - La của Pigneau de Béhaine cho thấy địa danh Qui Nhơn; Từ điển Taberd (1838) cũng ghi nhận Qui Nhơn với chú thích chữ Nôm là 歸仁 (tr.411). Như vậy, trong giai đoạn này đã xuất hiện cách viết giống nhau giữa chữ Hán và Nôm là 歸仁, và có thể đọc, viết theo âm Hán-Việt hoặc âm Nôm là Qui Nhân hoặc Qui Nhơn.
Phần lớn văn bản tiếng Việt từ nửa cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 đều ghi là Qui Nhơn, văn bản tiếng nước ngoài viết là Quinhon hoặc Qui Nhon, nghĩa là chữ Qui đều được viết i ngắn. Tuy nhiên, căn cứ vào ngữ âm và chính tả hiện hành, những từ bắt đầu bằng phụ âm ghép qu (phụ âm q + âm đệm u), khi kết hợp với nguyên âm i ngắn đều phải đổi thành y dài, do đó Qui Nhơn sẽ thành Quy Nhơn.
Vì vậy, nếu căn cứ vào thói quen xã hội thì viết là Qui Nhơn (cách viết cũ), còn dựa vào ngữ âm và chính tả tiếng Việt hiện nay thì đổi thành Quy Nhơn. Dĩ nhiên, cần thận trọng cân nhắc, dựa vào những yếu tố khác nữa để quyết định nên giữ hay thay đổi chính tả tên gọi của địa danh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.