Vì sao tài xế sử dụng ma túy trước khi lái xe?

04/01/2019 08:47 GMT+7

Liên quan đến vấn đề tài xế container sử dụng ma túy khi lái xe, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, xác nhận có tình trạng này.

[VIDEO] Người dân Bến Lức kể về tai nạn thảm khốc: “Chưa vụ nào khủng khiếp đến vậy”
Ông Quản cho biết, theo quy định, các tài xế phải khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Thế nhưng hiện nay công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý chưa quyết liệt nên nhiều tài xế, chủ doanh nghiệp không chấp hành. Chia sẻ về vấn đề này, một chủ doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM lý giải: “Các tài xế xe container chạy đường dài bắc - nam tìm đến ma túy để lấy cảm giác và tỉnh táo khi phải lái xe liên tục”.
Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Đà Nẵng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Bình Vinh, cho hay đối với quy định pháp luật về nghề nghiệp, tài xế phải kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần. Tuy nhiên, giới tài xế đối phó bằng cách nộp mẫu nước tiểu của người khác nên chủ doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm đến tài xế, có phương án chống tráo mẫu.
Ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP.Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty CP Saigonship Đà Nẵng, khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ tổ chức khám sức khỏe lái xe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần.
Bản thân chủ doanh nghiệp cũng phải nghe ngóng. Đối với các lái xe có biểu hiện buồn ngủ, lảng tránh đồng nghiệp, bê bối tiền bạc thì cần xử lý kịp thời.
[VIDEO] Người nhà nạn nhân bức xúc vì tai nạn thảm khốc ở Bến Lức
Theo ông Hiệp, để đối phó với nạn tài xế sử dụng ma túy, hiệp hội đã ký ghi nhớ hợp tác với Công an TP.HCM, để lực lượng công an tiếp cận doanh nghiệp vận tải hàng hóa, nhất là các lái xe đường dài, nhằm ngăn chặn lái xe tàng trữ, sử dụng ma túy.
“Bản chất của việc sử dụng chất kích thích là do tài xế hoạt động quá tải, dễ buồn ngủ. Do đó các nhà xe phải tính toán phân bổ 2 tài xế; các doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ đầu vào hồ sơ. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của nhiều đơn vị liên quan”, ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Bình Dương - nguyên Chánh thanh tra giao thông Bình Dương, cho biết trước đây Bộ GTVT từng có hướng dẫn các địa phương kiểm tra ma túy đối với tài xế nhưng chưa thực hiện được do chưa có phương tiện kiểm tra phù hợp.
Cụ thể, theo ông Vũ, sau khi có hướng dẫn, Thanh tra giao thông Bình Dương đã lên kế hoạch để thực hiện, nhưng thực tế gặp không ít khó khăn. “Nếu test nhanh ma túy bằng phương pháp của ngành y tế (test nước tiểu) thì rất khó khả thi vì như vậy phải kết hợp với ngành y tế mỗi khi tiến hành kiểm tra.
Cách tốt nhất là có một loại máy như máy kiểm tra nồng độ cồn nhưng chúng tôi đã tìm mua mà không có đơn vị nào sản xuất hoặc bán”, ông Vũ giãi bày. Cũng theo ông Vũ, nếu có phương tiện phù hợp để lực lượng chức năng kiểm tra ma túy đối với tài xế giống như kiểm tra nồng độ cồn thì rất hữu ích và có thể phòng ngừa được tai nạn giao thông.
2 năm xử phạt hơn 7.000 xe container vi phạm
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, trong hai năm 2017 - 2018, PC08 đã lập biên bản xử lý 7.029 trường hợp xe container vi phạm giao thông.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng, đỗ sai quy định (3.045 vụ); chạy quá tốc độ (1.581 vụ); lưu thông đường cấm, giờ cấm (861 vụ). Theo thống kê trong hai năm qua, đã xảy 152 vụ TNGT liên quan đến xe container.
Nguyên nhân chủ yếu do không chú ý quan sát (34 vụ, chiếm tỷ lệ 22%), chuyển hướng không đúng quy định (18 vụ, chiếm tỷ lệ 12%), đi không đúng phần đường, làn đường (13 vụ, chiếm tỷ lệ 9%). Trong hai năm 2017 và 2018, PC08 đã xử lý 10 trường hợp người lái xe container chưa có giấy phép lái xe, 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn...
Công Nguyên - Trần Tiến
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.