Vì sao tòa thừa nhận trách nhiệm của Vietinbank mà không thể ra phán quyết?

07/01/2015 16:45 GMT+7

(TNO) Hội đồng xét xử vụ án Huyền Như xác định Vietinbank là đơn vị chịu trách nhiệm với số tiền Như chiếm đoạt của 5 doanh nghiệp nhưng vẫn không thể ra được phán quyết, mà phải 'chuyển' sang một vụ án mới.

(TNO) Hội đồng xét xử vụ án Huyền Như xác định Vietinbank là đơn vị chịu trách nhiệm với số tiền Như chiếm đoạt của 5 doanh nghiệp nhưng vẫn không thể ra được phán quyết, mà phải "chuyển" sang một vụ án mới.

 Các bị cáo trong đại án Huyền Như tại tòa sáng 7.1 - Ảnh: Ngọc Lê
Trong ngày 7.1, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm vụ án Huyền Như đã ra các phán quyết liên quan tới vụ án. Một trong những nội dung được quan tâm trong phiên tòa này, chính là trách nhiệm của Vietinbank đối với các khoản tiền mà Huyền Như chiếm đoạt.
Trước đó, phía VKS trong phiên tòa phúc thẩm đã đề nghị tòa tuyên Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường 1.085 tỉ đồng cho 5 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu và Công ty An Lộc.
Trong phần tranh biện tại tòa, các luật sư của Vietinbank đã cho rằng phần luận tội này của phía VKS là "vi phạm tố tụng", vì tòa phúc thẩm chỉ xử các nội dung kháng cáo từ bản án sơ thẩm.  
Trong phần tuyên án ngày 7.1, HĐXX đã đề cập chi tiết đến việc này. Theo HĐXX, đối với 5 công ty nêu trên, việc mở tài khoản của 5 công ty này là hoàn toàn có thật, hợp pháp, đúng quy định. Số tiền của 5 đơn vị này chuyển hợp pháp vào tài khoản của mình và được Vietinbank hoạch toán cụ thể vào sổ sách.
Thời gian Như chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 đơn vị này là lúc Như được Vietinbank bổ nhiệm giữ chức vụ quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ với những quyền hạn rõ ràng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Như đã làm trái quy trình, giả chữ ký chủ tài khoản, thực hiện những lệnh chi giả trái ý chí của chủ tài khoản là có dấu hiệu của tội tham ô tài sản của Vietinbank.
Các bị cáo tại tòa sáng 7.1 - Ảnh: Ngọc Lê
Trong trường hợp này, Vietinbank là nguyên đơn dân sự (bị hại) và 5 doanh nghiệp này là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa cấp sơ thẩm xác định bị cáo Như lừa đảo 5 đơn vị này và xác định 5 đơn vị này là nguyên đơn dân sự (bị hại bị Như chiếm đoạt) là sai nghiêm trọng về tội danh, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm không thể khắc phục sai sót này để buộc Vietinbank phải bồi thường ngay cho 5 doanh nghiệp nói trên trong bản án này được vì như vậy là vi phạm tố tụng, tước quyền kháng cáo của Vietinbank.
Từ đó, HĐXX tuy xác định Vietinbank là đơn vị chịu trách nhiệm với số tiền Như chiếm đoạt của 5 doanh nghiệp nhưng phải hủy án để điều tra, xét xử lại phần này để đảm bảo hai cấp xét xử.
Như vậy, Huyền Như sẽ tiếp tục bị điều tra về tội danh tham ô tài sản.
Nhiều bị cáo được giảm án
HĐXX đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm: 
Đối với nhóm tội "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng": Bị cáo Huỳnh Hữu Danh từ 17 năm giảm còn 14 năm tù; Vũ Nguyễn Xuân Tiên từ 11 năm giảm xuống 9 năm tù; Trần Thanh Thanh từ 10 năm giảm còn 9 năm tù; Tống Nguyên Dũng từ 15 năm xuống 5 năm; Bùi Ngọc Quyên từ 14 năm giảm còn 13 năm; Nguyễn Thị Phúc Ngân từ 15 năm xuống 10 năm.
Bị cáo Phạm Anh Tuấn tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" từ 14 năm giảm còn 11 năm tù.
Trong nhóm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Lương Thị Việt Yên từ 7 năm giảm còn 6 năm tù; Hồ Hải Sỹ từ 6 năm giảm còn 5 năm tù; Lê Thị Ngọc Lợi từ 4 năm giảm còn 3 năm và cho hưởng án treo.
Ngọc Lê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.