Vì sao trẻ cần tiêm chủng bổ sung?

21/11/2018 09:54 GMT+7

Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella (MR) đang được triển khai tại các địa phương. Chuyên gia về y tế dự phòng chia sẻ về sự cần thiết của mũi tiêm này, ngay khi trẻ đã tiêm đầy đủ theo lịch tiêm chủng thường xuyên.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bộ Y tế cho biết sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút sởi và vi rút rubella gây ra. Bệnh có thể gây các biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết... làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Vắc xin sởi và rubella an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỷ lệ tiêm vắc xin MR cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.
Tại VN, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch. Chu kỳ dịch thường 4-5 năm một lần.
Thực tế tại VN, từ năm 2017 số mắc sởi tại VN có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi (SPB) tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính. Năm 2018, tính đến tháng 9 toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp SPB, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính.
So với cùng kỳ năm 2017 số SPB nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần. Số SPB nghi sởi nhóm 1-5 tuổi cao nhất, chiếm 36%. Trong số các trường hợp SPB nghi sởi, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng và không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi cho nhóm trẻ em việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vắc xin sởi - rubella tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella quay trở lại, bảo vệ trẻ nhỏ trước dịch bệnh nguy hiểm, góp phần giúp VN đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Đây cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Dự án TCMR trong giai đoạn 2016-2020.
Mũi tiêm củng cố miễn dịch
TS-BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho biết thêm, thực tế là dù tiêm chủng tốt đến mấy thì cũng có một tỷ lệ nhất định không đáp ứng với vắc xin (thường ở mức 5%).
Ngoài ra, việc tuân thủ tiêm chủng như một dự phòng bắt buộc của cộng đồng người VN chưa được như mong muốn. Vẫn còn ở đâu đó nhiều người chưa quan tâm đến tiêm chủng, thậm chí phản đối tiêm chủng nên tỷ lệ bao phủ thực sự của vắc xin không được tối đa để có thể hoàn toàn chặn đứng bệnh dịch.
Hằng năm, những trường hợp sót tiêm tích lũy dần và khi đủ số lượng người không có miễn dịch thì là lúc bệnh dịch bùng phát. Do đó, để phòng sỏi hiệu quả trẻ cần tiêm mũi xin MR ở thời điểm 18 tháng tuổi (vắc xin phòng sởi mũi 1 được tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi) không phải để tăng cường miễn dịch cho mũi tiêm lúc 9 tháng, mà để đề phòng việc mũi tiêm sởi lúc 9 tháng không có tác dụng sinh miễn dịch. Ngoài ra, thành phần rubella ở thời điểm 18 tháng sẽ giúp bé có được miễn dịch với rubella ở mức trên 95%. Tỷ lệ này là đủ để bảo vệ cho cá nhân và cả cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.