(TNO) Có người lo ngại rằng việc đưa vụ kiện ra cơ quan tài phán quốc tế sẽ không đem lại kết quả như mong đợi hay có thể dẫn đến việc Trung Quốc "trừng phạt kinh tế" Việt Nam. Thay vì lo lắng trước những tình huống khó kiểm soát được, nên chăng chỉ tập trung chuẩn bị tốt các một đội ngũ nhân lực đủ sức đương đầu và xử lý tốt các tình huống bằng các kỹ thuật pháp lý.
|
Trước tình hình Trung Quốc ngày càng đẩy căng thẳng leo thang trên biển Đông, Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Bắc Kinh vẫn không rút giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ra khỏi vùng biển Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”.
Thanh Niên Online xin giới thiệu loạt bài của luật sư Trinh Nguyễn và đồng nghiệp, phân tích lý do tại sao Việt Nam nên khởi kiện, những thách thức sẽ phải đương đầu cũng như những luận cứ cần thiết cho vụ kiện này.
Kỳ 2: Các kịch bản có thể xảy ra và cách giải quyết
Nếu Trung Quốc "trừng phạt kinh tế" và rút đầu tư khỏi Việt Nam
Có người lo ngại rằng việc đưa vụ kiện ra cơ quan tài phán quốc tế có thể dẫn đến việc Trung Quốc "trừng phạt kinh tế" Việt Nam.
Nếu Việt Nam e ngại ảnh hưởng kinh tế của người hàng xóm khổng lồ, thì mối quan ngại ấy cũng có thể được giải quyết một cách tích cực hơn là phương án “án binh bất động”.
Một môi trường đầu tư tốt sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Một trong những điều tạo nên môi trường đầu tư tốt là sự thể hiện của nước nhận đầu tư trong việc đủ mạnh mẽ và kiên quyết bảo vệ của quyền và ổn định xã hội bằng con đường luật pháp.
Tôi có nhận một vài câu hỏi của các nhà đầu tư tiềm năng về cơ hội đầu tư thay thế trong trường hợp các nhà đầu tư Trung Quốc rút đi. Nói một cách ví von, vì ở cạnh môt người hàng xóm to hơn khỏe hơn cho nên chúng ta càng cần phải nói lên tiếng nói của mình để có những bên thứ ba trung lập nghe và giúp phân xử.
Nếu kết quả vụ kiện không như mong đợi
|
Cũng có người quan ngại rằng, việc khởi kiện sẽ không đem lại kết quả như mong đợi, khi đó, Việt Nam sẽ ở thế bất lợi hơn.
Trong môt vụ kiện, rất khó có thể đoán được chính xác những tình huống sẽ xảy ra. Sự thành công của một vụ kiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như yếu tố về chứng cứ, khả năng biện luận, niềm tin vào chính nghĩa…
Do đó, thay vì lo lắng trước những tình huống khó kiểm soát được, nên chăng chỉ tập trung chuẩn bị tốt các một đội ngũ nhân lực đủ sức đương đầu và xử lý tốt các tình huống bằng các kỹ thuật pháp lý.
Cho dù điều gì xảy ra đi nữa, kể cả trường hợp phía bên kia sử dụng những thủ thuật pháp lý để né tránh vụ kiện, thì bằng việc đưa vụ kiện ra cơ quan tài phán quốc tế, Việt Nam đã đạt được mục đích thu hút dư luận quốc tế.
Nếu Trung Quốc từ chối không xuất hiện tại vụ kiện
Tùy thuộc vào việc chọn cơ quan tài phán quốc tế nào, ta sẽ có cách để xử lý các thủ thuật pháp lý của bên bị kiện trong việc trốn tránh hầu tòa trọng tài quốc tế .
Có thể trả lời chung về cách xử lý thông thường khi một bên không hợp tác trong một vụ kiện tại một trung tâm trọng tài.
Cụ thể, trong một vụ trọng tài quốc tế, chiêu thức thông thường nhất thường thấy của một bên không thiện chí là không chấp nhận /không thừa nhận thẩm quyền của trọng tài.
Bởi trọng tài là cơ quan tài phán được thành lập và có thẩm quyền xét xử dựa vào thỏa thuận của hai bên. Sự thỏa thuận này có thể được thể hiện trước hoặc sau khi có tranh chấp xảy ra.
Khi một bên không muốn đưa vụ việc ra trọng tài, họ có thể phủ nhận hoặc thách thức bên khởi kiện tìm bằng chứng rằng có một sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài.
Khi đó, bên khởi kiện phải chứng minh được rằng cả hai bên đã có ý định tham gia trọng tài, ví dụ như trong trường hợp này, hội đồng trọng tài sẽ xem xét xem ý đồ của các bên thông qua việc các bên có phải là các nước tham gia các công ước nền tảng cho hoạt động của cơ quan tài phán trọng tài hay không.
Có thể nói lại rằng, hai công ước nền tảng của Tòa trọng tài Thường trực (PCA) là công ước giải quyết các tranh chấp Thái Bình Dương đã được cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia.
Hơn nữa, công ước luật biển 1982 mà các bên sẽ viện dẫn để chứng minh xem hành động của mỗi bên tại vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan là phù hợp với luật pháp quốc tế hay không cũng đã được cả hai nước tham gia.
Vấn đề còn lại là các chuyên gia pháp lý sẽ chứng minh bằng cách nào sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài này giữa hai nước.Và đây là một bí mật then chốt của vụ kiện trong trận chiến về thủ tục mà không thể bàn trên mặt báo.
Một vấn đề khác mà bên khởi kiện có thể gặp trở ngại là việc bên kia bác bỏ hoặc không chấp nhận hoặc không đề cử trọng tài viên. Khi đó bên có thẩm quyền chỉ định sẽ chỉ định hội đồng trọng tài.
Nếu trong trường hợp bên khởi kiện không chứng minh được sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài thì chúng ta cần phải nghiên cứu lại khả năng khởi kiện tại những cơ quan tài phán khác có thẩm quyền đối với hai bên trong vụ kiện.
Cần chuẩn bị gì cho vụ kiện
Có rất nhiều công việc cần phải chuẩn bị cho một vụ kiện. Tạm thời đề cập đến 2 phần lớn: 1) Chuẩn bị chứng cứ và chiến lược, trong đó có chiến lược về nhân sự và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội task force trên chi ến trường pháp lý; 2) Nghiên cứu đối phương và phản biện. Trước khi có các bước như trên thì điều quan trọng nhất là một tổ tư vấn phải được thành lập gồm những chuyên gia pháp lý hàng đầu và những nhà nghiên cứu từ nhiều bộ môn lịch sử, chính trị học, ngoại giao…
Theo tôi, nếu là việc đấu tranh ngoại giao thì bộ ngoại giao sẽ là người phối hợp; nhưng nếu là một vụ kiện thì người đứng ra phối hợp phải là một nhóm các luật sư, chuyên gia pháp lý được chọn lựa.
Nhóm tư vấn này sẽ nghiên cứu lập ra các phương án khởi kiện và họp bàn với các chuyên gia được đề cử liên quan đến lịch sử, ngoại giao chính trị, khoa học để tìm hiểu điểm mạnh và điểm yếu của từng chứng cứ trước khi sắp xếp các yêu cầu khởi kiện và các lý luận bảo vệ.
Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, cần tập hợp nhiều đầu mối.Tôi đoán rằng một bộ phận như thế đã được thành lập.Tuy nhiên, việc lựa chọn chuyên gia pháp lý có lẽ chưa bắt đầu cụ thể.
Cũng có thể là cho đến thời điểm này thì bộ ngoại giao là cơ quan điều phối vì nắm giữ những chứng cứ. Phải chăng đã đến lúc cần có sự tham gia tích cực và cụ thể hơn của những chuyên gia pháp lý vì thời gian không còn nhiều nữa.
Câu hỏi kế tiếp sẽ là chọn tư vấn nào? Việt Nam hay nước ngoài? Hay cả hai.
Có lẽ phương án chọn cả hai chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước là hợp lý nhất. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là vụ kiện quốc tế cần phải có những kiến thức quốc tế của những hãng luật chuyên tranh tụng về vấn đề công pháp. Điều này hợp lý.
Tuy nhiên, có một điều cần được cân nhắc, đây là một vụ kiện liên quan đến chủ quyền, một vấn đề thiêng liêng bậc nhất đối với tất cả người dân Việt Nam.
Trên trận tuyến ngoại giao cũng như trận tuyến pháp lý, không chỉ có kỹ thuật pháp lý mà những yếu tố khác như vị thế quốc gia và quan trong hơn là lòng yêu nước sẽ là một sức mạnh vô hình để tạo nên một vị thế Việt Nam.
Trong lễ thành lập ngày truyền thống của luật sư trong tháng 10.2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông tin rằng đang có khoảng hơn 70 vụ tranh chấp quốc tế mà Việt Nam là một bên trong các vụ kiện và nhấn mạnh rằng luật sư Việt Nam cần lớn mạnh để tham gia.
Phải chăng đây là một cơ hội để những luật sư Việt nam đủ tầm thể hiện năng lực và sức mạnh của lòng yêu nước?
Luật sư Trinh Nguyễn là một trong số ít người Việt Nam được cấp bằng hành nghề tại Úc và tại Việt Nam. Cô là luật sư điều hành của công ty Trinh Nguyen & Partners và đã tham gia các vụ trọng tài quốc tế lớn và phức tạp. Trong Kỳ 3, Luật sư Trinh Nguyễn sẽ bàn đến các chiến lược về chứng cứ và phản biện. |
Luật sư Trinh Nguyễn và đồng nghiệp
>> Vì sao Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc?
>> Ngư dân Lý Sơn sẽ khởi kiện Trung Quốc
>> Cân nhắc thời điểm khởi kiện Trung Quốc
>> Sẵn sàng hồ sơ để khởi kiện Trung Quốc
>> Việt Nam theo dõi sát tiến trình vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc
Bình luận (0)