Vị Tổng bí thư đánh thẳng vào 'sự im lặng đáng sợ'

30/06/2015 08:49 GMT+7

(TNO) Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 - 27.4.1998) đã khởi xướng chống tiêu cực, công khai đánh thẳng vào “sự im lặng đáng sợ”, với mong muốn làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước để xứng đáng với kỳ vọng của người dân.

(TNO) Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 - 27.4.1998) đã khởi xướng chống tiêu cực, công khai đánh thẳng vào “sự im lặng đáng sợ”, với mong muốn làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước để xứng đáng với kỳ vọng của người dân.

Chiều ngày 7.4.1975, tại Lộc ninh, ông Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị công bố quyết định của Trung ương Đảng thành lập  Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công nổi dây mùa xuân 1975. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam được giao nhiệm vụ phụ trách chỉ đạo công tác nổi dậy của quần chúng. Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
Sau ngày thống nhất, đất nước trải qua những năm tháng đầy khó khăn vì phải đối phó với sự bao vây cấm vận, âm mưu cô lập và phá hoại của nhiều thế lực thù địch; phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và Tây Bắc. 
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh từng khẳng định báo chí không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ” mà còn là “diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”, để mọi người “thể hiện được ý của dân”, hoặc “lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước”.
Những khó khăn của giai đoạn đó, sau này được nhìn nhận còn xuất phát từ những nguyên nhân nội tại, chủ quan như cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội chưa được ngăn chặn triệt để…
Đại hội Đảng lần thứ VI, từ ngày 15 - 18.12.1986 đặt dấu mốc quan trọng mở ra đường lối đổi mới. Nhiều ý kiến từng cho rằng thành công của kỳ đại hội này, trước hết là lựa chọn và trao trọng trách Tổng bí thư cho ông Nguyễn Văn Linh. 
Không phụ sự tin tưởng và kỳ vọng đó, ông đã khởi xướng, kêu gọi đấu tranh chống lại cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời gây ra nhiều hệ lụy còn tồn tại dai dẳng...
Đoàn lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam do ông Nguyễn Văn Linh – Phó Bí thư Trung ương Cục, làm trưởng đoàn (thứ tư từ trái sang) đang nghe báo cáo về đoạn đường mà Đoàn sẽ đi qua trên đường trượt Trường Sơn ra Hà Nội, tháng 3.1973 - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
Với những bài báo chỉ ra những việc cần làm ngay đăng trên Báo Nhân Dân, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người chiến sĩ xung kích trên trận địa chống tiêu cực, phê phán những hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng... 
Sau 29 năm, những cảnh báo của ông vẫn còn mang tính thời sự. 
Đương thời, điều khiến Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh lo lắng là tệ nạn tiêu cực, lãng phí dẫn đến bất công, phân hóa giàu nghèo ngày càng cách biệt.
Ông chỉ thẳng: “Nhiều cơ quan sẵn sàng tung ra bạc triệu để xây trụ sở, hội trường, nhập xe hơi sang cho cán bộ lãnh đạo. Nhiều cuộc liên hoan, hội họp phí tổn hàng chục vạn đồng. Những tập thể nắm trong tay ngành nghề lắm phúc lợi, có thu nhập vượt nhiều lần công sức lao động thực tế, mỗi tháng mỗi kỳ khen thưởng, chia chác cho nhau số tiền hơn cả năm làm việc của người thầy giáo”. 
Chống tiêu cực, đánh thẳng vào “sự im lặng đáng sợ”, quan điểm của Đảng, Nhà nước dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là “nói thẳng, nói thật, ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cầu (…). 
Ông Nguyễn Văn Linh làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, ngày mùng 5 Tết Ất Mão (1975) - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu
Đối với các biểu hiện tiêu cực thì “đưa công khai trên báo, đài hoặc qua các sinh hoạt của tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất”. 
Đề cập đến chuyện giá cả thị trường tăng vọt, ông nói thẳng đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tổ chức phân phối lòng vòng khiến “một món hàng chuyển qua nhiều cơ quan, nhiều tầng nấc, bị phết phẩy rất nhiều, trước khi đến tay người tiêu dùng phải chịu mua đắt”. 
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh luôn đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tiêu cực. Ông từng khẳng định báo chí không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng và Chính phủ” mà còn là “diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân”, để mọi người “thể hiện được ý của dân”, hoặc “lên án những việc làm sai trái của cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước”. 
Cũng thông qua những bài báo ký bút danh NVL, ông phê bình hiện tượng cán bộ vô cảm, vô trách nhiệm, xa dân, hành chính hóa…, đồng thời kêu gọi từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, và “quần chúng phải có phong trào lên án ngay cả một số cán bộ, cơ quan làm bậy”. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 7 từ trái sang) đón tiếp Đoàn lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam do ông Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư trung ương Cục dẫn đầu (thứ 6 từ trái sang), tại sân bay Gia lâm – Hà Nội, tháng 4.1973 - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu

Tư tưởng của ông gửi gắm qua những bài báo đã tạo luồng gió mới trong xã hội. Đó là không khí dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, nhà nước để xứng đáng với kỳ vọng của người dân. 
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong bài viết “Nhớ đồng chí Nguyễn Văn Linh” đăng trên Thanh Niên ngày 26.4.2010, kể lại:
“Sau này, khi nói chuyện tại hội nghị các nhà văn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thổ lộ: ‘Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng: Sao lại bôi đen chế độ, không khéo đây là một kiểu phát động cách mạng văn hóa, v.v...’. Mặc dù có những ý kiến như vậy, đồng chí Tổng bí thư của Đảng vẫn kiên quyết tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực trong Đảng và trong xã hội”.

Đầu năm 1973, ông Nguyễn Văn Linh (thứ 9 từ trái sang) giao trọng trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định cho ông Mai Chí Thọ để dẫn đầu đoàn cán bộ B2 lên đường ra Hà Nội. Trong ảnh, ông Nguyễn Văn Linh tại một binh trạm trên đường Trường Sơn trong chuyến ra Hà Nội họp, tháng 3.1973 - Ảnh: Phạm Hữu chụp lại từ tư liệu

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng khẳng định tư tưởng “dân là gốc”. Do đó Đảng phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật và tiến hành đổi mới nhiều mặt. Đảng phải thật sự gắn bó với nhân dân và vì nhân dân; “nên đối thoại cởi mở, trả lời những câu hỏi của nhân dân. Việc gì chưa trả lời được phải hẹn ngày trả lời và giữ đúng lời hứa”. 
Cả cuộc đời hướng về nhân dân 
Lý giải về “những dấu ấn không thể phai mờ” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhận định: “Anh Linh sinh ra và trưởng thành từ phong trào của nhân dân, căm ghét áp bức, bóc lột, cái ác, cái xấu, yêu thương những người lầm than đói rách, yêu thương đồng bào cùng chung máu mủ; anh lại được nhân dân đùm bọc, cưu mang, cho nên cả cuộc đời anh hướng về nhân dân, đồng cảm với nhân dân và quần chúng lao khổ. Thấu hiểu nguyện vọng và sức mạnh của nhân dân, anh đã đúc kết thành phương châm dân chủ xã hội chủ nghĩa rất giản dị, rất dễ hiểu và cũng rất khoa học: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.