Vị tướng thiên tài và bình dị: Con dâu xứ Lệ

28/08/2010 00:46 GMT+7

Có lần người ở quê ra thăm, mang quà cho “bác Đại tướng và cô giáo sư” một gói khoai gieo Quảng Bình. Khoai gieo là khoai lang luộc, xắt lát, phơi khô. Khi người kia mở gói, thật bất ngờ, phu nhân Đại tướng nói: “Thức này bọn trẻ nhà tôi thích lắm!”, rồi bà tự nhiên nhón ngay một lát cho vào miệng.

Trên thuyền đi thăm động Phong Nha, tôi, lần đầu tiên chứng kiến khiếu hài hước của ông. Trời nắng, không gian mặt nước sông Son lộng gió. Người ta chuyển tới ông một chiếc mũ lác đan kiểu cách, vành mũ thả tua rua để các thiếu nữ làm duyên. Cầm chiếc mũ, ông thả giọng vui: cái mũ làm chưa xong! Rồi đội ngay lên đầu. Tiếc là không có tay máy nào đủ độ tinh nghịch để bấm được kiểu ảnh thú vị chưa từng có: vị Đại tướng lừng danh lịch sử đội chiếc mũ tua rua của các cô gái đương thì. Nhưng hề chi! Cho đến cuối đợt thăm quê lần ấy và những lần khác ông còn nhiều thể hiện rất tự nhiên tình cảm của một con người bình dị, mộc mạc, một ông già quê kiểng, đôn hậu.

Ông có quyển sách mới xuất bản Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Trong tay ông có một bản sách mà lúc ấy cả tôi và ông Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh đang đứng trước mặt. Thế là Đại tướng viết: “Thân tặng đồng chí Trần... Tường”  (họ Trần là ông Trần Sự, còn tôi là Nguyễn Thế Tường) rồi ký tên. Ông Trần Sự, nguyên là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình thời chống Mỹ, là người cùng thôn với Đại tướng) đùa lại: "Đó cũng như là cách chào một mà được hai: Thưa ông cháu về bà ạ!"

*

Không nhớ một triết gia nào có câu danh ngôn thiệt hay: “Đằng sau sự nghiệp của người đàn ông có một người đàn bà”. Dân gian thì đơn giản hơn: “Gái ngoan làm quan cho chồng”. Lần đầu tiên gặp giáo sư Đặng Bích Hà, thú thực là tôi không mấy ấn tượng.


Từ trong nhà Đại tướng ở làng An Xá nhìn ra vườn - Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh

Tầm vóc của Đại tướng tổng tư lệnh rất dễ khiến người ta đưa trí tưởng tượng đến chân dung một mệnh phụ phu nhân như trong cổ tích. Đó không phải mẫu hình một bà tiên thì cũng là một phụ nữ đặc biệt, thoát tục, diệu vợi. Gặp giáo sư, chỉ thấy một phụ nữ bình thường với những cử chỉ giản dị đến độ đơn giản, phát âm giọng Bắc hơi cứng. Toàn bộ chân dung của bà là một lời cảnh báo sẵn sàng tương phản với mọi sự kiểu cách, điệu đà. Thực ra không phải đến năm 1992 tôi mới được diện kiến bà. Vào giữa thập niên 70, tôi làm luận văn tốt nghiệp văn học Pháp, tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stăngđan. Giáo viên hướng dẫn là cô Lê Hồng Sâm. Lần tôi đến gặp giáo viên phản biện là cô Đặng Thị Hạnh đã bất ngờ được diện kiến giáo sư Đặng Bích Hà. Tôi biết họ là những ái nữ của một danh sĩ hàng đầu đất nước - giáo sư Đặng Thai Mai.

Lần ấy là giữa lòng Hà Nội.

Lúc này thì khác, cô dâu về quê chồng, nhà chồng... Bà gắn bó với ông từ nửa cuối thập niên 40. Đến lúc ấy là năm 1992. Hơn 40 năm với bao biến động, thăng trầm, ấm lạnh của thế sự. Trong 18 năm qua, tôi nhiều lần được thấy sự lúng túng trong xưng hô của nhiều vị khi đến thăm Đại tướng. 18 năm trước, chân dung giáo sư còn rất trẻ mà Đại tướng đã qua bát tuần, thật khó để có thể thoải mái xưng hô là hai bác. Đã có lần Đại tướng khẽ gỡ bí: Cứ gọi bác Giáp và cô Hà. Thực ra, khi nghiệm lại, cách xưng hô ấy vẫn có phần chưa ổn.

Cô dâu về nhà chồng, quê chồng! Tôi không hề tìm được bất cứ nét yếu mềm, e lệ hoặc bỡ ngỡ như cái mà Nguyễn Du gọi là Cát đằng, là nấp bóng tùng quân. Bà thoải mái tự nhiên mà không thái quá. Đi bên cạnh ông, có cảm giác như bà cố ý đi trên gió để che chắn, để bao bọc như người em gái, người chị, người mẹ, người vợ đảm, trong khi cụ Giáp thì đang nghĩ suy đâu đâu, tóc tai phất phơ và rất có thể xuất hiện những bất cẩn của một trí giả. Trong và sau những điều khó nghĩ của thế cuộc, người ta có nhiều lời khen về cách ứng xử của bà. Điều này cũng có thể cảm nhận được trong mỗi dịp bà về quê chồng ở Lệ Thủy, ở Quảng Bình hay khi mỗi lần đoàn đại biểu ở quê nhà ra thăm và chúc thọ Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Cái sự “bắt chân bắt tay” nhiều khi cũng lắm nhiêu khê. Các vị chúng ta ở quê lên phố, ở tỉnh lên thủ đô cứ hồn nhiên giơ tay ra buộc đối tác (kể cả phụ nữ) phải chấp nhận. Nhiều vị còn nồng nàn túm chặt, lắc thật mạnh bất chấp người kia trong trạng thái nào. Một lần, ngay tại mảnh sân nhỏ trước nhà, giữa đông đảo khách tới thăm, bà chụm hai tay vào với nhau giơ lên cao và đề nghị: “Bắt tay cách này nhé, bây giờ người ta thế cả đấy!". Thế là mọi người đều vui vẻ chụm tay vào nhau giơ cao chào “bác Giáp và cô Hà”. Còn Đại tướng thì giơ tay vẫy. Tôi biết, cánh tay ông đang ngày một yếu đi, nhưng bàn tay thì luôn mát (nhưng không lạnh mà ấm).

Lần khác, cũng tại 30 Hoàng Diệu, tôi đi cùng một người từ quê ra thăm. Người ấy lại “quê” quá và không biết nghe ai đạo diễn mà mang quà cho “bác Đại tướng và cô giáo sư” một gói khoai gieo Quảng Bình. Khoai gieo là khoai lang luộc, xắt lát, phơi khô. Chèng đéc ơi! Khi người kia mở gói ra thì tôi mới tá hỏa. Nhưng thật bất ngờ bà nói: “Thức này bọn trẻ nhà tôi thích lắm!”, rồi bà tự nhiên nhón ngay một lát cho vào miệng. Cái cách ứng xử như vậy với quà quê chắc vài chục năm sau nữa người hàng phố còn cần phải học đủ.

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.