Vị tướng thiên tài và bình dị: Người con gái Lệ Thủy

27/08/2010 00:12 GMT+7

Tôi nhớ lại lần đầu tiếp xúc với chị Hồng Anh (con gái Đại tướng) khi ngồi thuyền lang thang trên mặt phá Hạc Hải. Tuổi sáu mươi chị vẫn như một đứa trẻ háo hức với khoảng không mênh mông, với đàn chim trời ào ạt bay lên, với những cơn gió phóng khoáng mang hơi hướng mùi bùn... Xa quê đã rất lâu, chị vẫn thích dùng những từ địa phương, giọng Hà Nội lơ lớ Lệ Thủy...

Đầu năm 1993, giữa đêm đang yên giấc nồng, tôi được dựng dậy lên xe cùng với một số cán bộ văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình theo đoàn xe tang lên vùng nghĩa trang huyện. Đảng, Nhà nước và gia đình vừa cất bốc di hài thân mẫu Đại tướng từ Hà Tây về quê. Toàn bộ hình ảnh cải táng di hài cụ trên đất Mai Thủy được tôi thu vào

camera trước khi mặt trời mọc. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho (thứ nam) đứng chủ lễ. Cháu nội là Võ Hồng Anh và nhiều bà con làng xóm cũng như các vị quan chức từ tỉnh đến xã có mặt. Khi những nắm đất được thả xuống và nấm mộ vun lên, hừng đông một ngày mới của đất lúa Lệ Thủy đang rạng dần. Về tình cảm và đạo lý hoàn toàn có thể cải táng cụ bà đồng phần với cụ ông trong nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng Đại tướng đã không làm như vậy. Trong dịp về thăm quê trước đó một năm (tháng 3.1992), khi lên nghĩa trang thắp hương thân phụ, Đại tướng đã trực tiếp ra quãng đồi phía sau tìm đất cho thân mẫu. Vậy là, cụ ông cụ bà nằm cách nhau chừng vài chục mét nhưng gián cách một bức tường trong và ngoài nghĩa trang đúng tiêu chuẩn mà đất nước dành cho mỗi người. Tuổi bát tuần, với vị trí rất cao trong Đảng và Chính phủ, công lao to lớn đối với đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn không mảy may nghĩ đến chuyện cá nhân mình...

 

Đại tướng thắp hương viếng mộ trong dịp về quê -  Ảnh: T.L

Giáo sư, tiến sĩ Võ Hồng Anh, người con gái quê lúa Lệ Thủy. Có lẽ đó là mùa hè năm 2005. Buổi tối chưa muộn lắm, hai chúng tôi lụi hụi tìm đến nhà ông Phan Lâm Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Chờ một lát thì ông Phương về. Ông vừa phải đi tiếp cơm khách. Nhìn dáng mệt mỏi của ông Phương sau bữa cơm thịnh soạn, tôi hơi nản, nhưng chị Hồng Anh thì cứ vững vàng một cách hồn nhiên - có thể đó là tác phong của một nhà khoa học, một giáo sư tiến sĩ vật lý không bị cảm giác chi phối. Chị trình bày sơ qua về lý do đến thăm, lược lại ý kiến của Đại tướng trong những lần phát biểu về hiện trạng phá Hạc Hải, về đập Mỹ Trung, đập Thanh Sơn. Giáo sư Võ Hồng Anh cũng mạnh dạn đề cập đến vấn đề địa văn hóa của Mâu Sơn - Hạc Hải - Trường Sa... Có một điều hơi lạ là ông Phương lắng nghe với sắc mặt vô cảm, hoàn toàn không một chút hào hứng...

*

Tôi nhớ lại lần đầu tiếp xúc với chị Hồng Anh cách đó mấy năm khi ngồi thuyền lang thang trên mặt phá cùng với tổ làm phim Vui buồn Hạc Hải. Tuổi sáu mươi chị vẫn như một đứa trẻ háo hức với khoảng không mênh mông vạn khoảnh, với đàn chim trời ào ạt bay lên, ào ạt đỗ xuống, với những cơn gió phóng khoáng mang hơi hướng mùi bùn, mùi năn lác và thứ hương hoa gì của loài cây thủy sinh. Chị hăng hái trèo lên một cái chòi giữa phá, thả mình nằm lên lớp thân cây gỗ nhỏ lổn nhổn thay dát giường. Xa quê đã hơn năm mươi năm, chị vẫn thích dùng những từ địa phương, giọng Hà Nội lơ lớ Lệ Thủy. Xuống thuyền, tôi mang theo cơm nếp, muối mè, ăn bốc, chị cũng hồn nhiên lau tay vào vạt áo bốc cơm nếp chấm muối mè ăn ngon lành. Lần khác, khi sắp ghé quán Quê Hương ở thị trấn Kiến Giang, chúng tôi có cuộc tranh luận bất phân thắng phụ: Tôi giữ ý kiến rằng cá trê kho tộ ngon hơn, chị thì bảo vệ khoái khẩu ăn cá tràu (cá lóc) kho ớt Lệ Thủy. Vào quán, chủ tài khoản phải trung dung bằng cách gọi cả hai món để mọi người giám khảo. Cái sự phục chế vườn nhà cũng nhiều điều thú vị. Theo yêu cầu của gia đình mà tác giả chủ yếu là chị, người ta sưu tầm được khá nhiều vật dụng nông nghiệp chiêm trũng như cối xay, cối giã, cộ (xe trượt).

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh - Ảnh: Trọng Thanh

Chị sinh năm 1939, tuổi Mão. Năm 1940 được mẹ gửi về quê nội. Thời ấu thơ cho đến 8 tuổi (cái tuổi đã biết nhớ), chị uống nước sông Kiến Giang, ăn cơm gạo Lệ Thủy, chứng kiến những biến động của cách mạng ở quê cha. Người chị nhẹ, mát và trong suốt, nụ cười lành hiền và hơi buồn. Chênh nhau đến hơn một giáp mà chị vẫn coi tôi như bạn bè, gọi ông xưng tôi. Và đặc biệt (không biết theo nguồn tin nào) chị biết tôi là người bạo nói. Điều này khiến tôi vừa vinh dự, vừa vất vả. Cứ về quê là “cụ” khiến chị gọi tôi ra gặp riêng, nhưng không ít lần mới vào phòng chưa kịp hàn huyên thì đã thấy một đồng chí nào đó của tỉnh cũng bước vào... Cái lợi lớn tôi thu được từ sự quen thân với chị, mà không phải chỉ riêng tôi, chị Hoàng Ái Nhiên (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh nay là Phó chủ tịch T.Ư Hội LHPN VN) và cô Hồng Hiếu (phóng viên đài truyền hình) đều đã không ít lần nhờ chị làm tay trong can thiệp với đại tá Huyên (bí thư kiêm bác sĩ của cụ) giúp các đoàn đại biểu chen ngang để sớm được gặp Đại tướng. Và mỗi lần chen ngang thắng lợi, chị bao giờ cũng ngồi cạnh cha trong buổi tiếp khách với gương mặt hí hửng của một thiếu niên mới lần đầu làm được một việc chứng tỏ sức mạnh. Ôi! Một giáo sư tiến sĩ thứ thiệt, một nhà khoa học nữ được tặng giải thưởng Kovalevskaia, mà cứ hồn nhiên cho đến phút cuối đời.

Chị yêu quê, yêu mảnh đất ông cha tới độ có lần đứng trên bậc thềm nhà ở An Xá, chị dẩu môi nói: “Họ là họ lấn đất nhà tôi đấy chứ!”. Mảnh đất ấy, ngôi nhà ấy, trong dịp quay phim tư liệu lần gia đình Đại tướng về thăm quê năm 1992, tôi đã mạnh dạn yêu cầu cả hai ông bà đi từ đường lớn rẽ vào ngõ, vào vườn nhà để gắn lên bảng chữ tiêu đề: “Trở về mái nhà xưa”. Tôi cũng nhờ ông đứng trên con đò nhỏ khỏa tay xuống bến nước, đi quanh quất trong vườn, sờ tay vào gốc khế, quả mít... Chiều tôi, ông làm tất. Đang ngồi trên thuyền dọc sông Nhật Lệ, tôi thở vào tai ông: “Ở Bảo Ninh có cụ Nguyễn Tú là một học giả đáng kính, viết nhiều sách địa chí, lịch sử mà nghèo xơ...”. Lập tức, Đại tướng lệnh ghé thuyền vào thăm. Buổi chiều nhạt nắng, hiu hắt gió, ông đi đi lại lại rất lâu trên doi cát bờ Nam cửa Nhật Lệ (gọi Nam nhưng thực chất là bờ phía Đông vì Nhật Lệ khi gần tới biển chảy hướng Nam Bắc). Phái đoàn tháp tùng và cả giáo sư Đặng Bích Hà phu nhân “vui lòng” ngồi chờ, cũng là dịp để thả lỏng tâm hồn ngắm cảnh “Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” mà Nguyễn Du đã miêu tả gần hai trăm năm trước. Biển Đồng Hới cuối xuân đầu hè 1992 không còn cánh buồm nào, chỉ có thuyền máy 33 mã lực vào ra nhộn nhịp nhưng cũng chưa phá vỡ hết cảnh bình yên bến hoang sơ của cửa Nhật Lệ. Nhìn tới mũi doi cát, mọi người bất ngờ thấy Đại tướng đã ngồi bó gối yên lặng nhìn ra biển. Tôn trọng những phút giây bình yên hiếm hoi của ông và theo gợi ý của giáo sư phu nhân Đặng Bích Hà, mọi người kiên nhẫn để... yên như vậy.  

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.