Lòng người xứ Nghệ xa quê: "Hết lũ vẫn chưa hết lo"

11/11/2020 12:21 GMT+7

Đứng ở một nơi xa trông ngóng về quê nhà, chỉ mong cho trời bớt gió, sông bớt đầy, bố mẹ ở nhà khỏe mạnh. Đó là nỗi lòng của những người con xứ Nghệ đang mưu sinh ở những nơi cách quê hương hàng ngàn cây số.

Anh Nguyễn Hữu Đoàn (Quê Thanh Phong, Thanh Chương, Nghệ An) hiện đang làm công nhân ở Bình Dương chia sẻ: “Lúc nghe lũ lụt thì buồn lắm mà giờ xa quê không biết làm sao, chỉ có thể gọi điện hỏi thăm bố mẹ, anh em láng giềng ngoài đó. Trong lòng thì bồn chồn tiếc thay của đã đi, tội nghiệp cho ông bà già và mấy đứa em ngoài đó. Nuôi được con cá, gà, vịt giờ thiên tai cướp đi rồi không biết nói sao nữa”.
Người xứ Nghệ phải rời xa mảnh đất miền Trung sỏi đá để đi đến những vùng đất xa lạ làm kinh tế. Họ dành dụm, chắt chiu từng đồng gửi về báo hiếu bố mẹ ở quê. Đợt bão lũ bất ngờ này khiến những người con xa xứ đứng ngồi không yên, muốn về nhưng không về được.
Chị Lê Thị Hoa (Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) hiện đang làm giáo viên mầm non ở TP. HCM tâm sự: “Bản thân là một người con, nghe tình hình như vậy thì ai cũng muốn về hết. Nhưng trong này thứ nhất là công việc, thứ hai là con cái và thứ ba là kinh tế này nọ nó cản trở mình nên cũng không thể gọi là về liền được những lúc như vậy”.

Điện thoại giờ là phương tiện duy nhất giúp chị Hằng biết được sự bình an của bố mẹ ở nhà.

Chị Lê Thị Hằng (Thanh Nho, Thanh Chương, Nghệ An) hiện đang làm công nhân ở Thủ Đức, TP. HCM bộc bạch: “Tôi cũng muốn rước ông bà vào nhưng mà ông bà quen với công việc ngoài quê ruộng đồng này nọ, vào trong này bon chen ông bà không có chịu được. Nói chung là cứ lo làm sao ông bà có sức khỏe để nhiều khi mưa lũ nữa còn biết đường mà chạy. Chứ thật ra ở quê giờ chả biết được ngày nào, loay hoay vài ba hôm là có một trận lũ nữa”.
Khúc ruột miền Trung tuy gặp nhiều khó khăn, trắc trở bởi thiên tai nhưng vẫn luôn kiên cường và nỗ lực từng ngày. Những người con lam lũ nơi xa vẫn một lòng hướng về quê hương, mong ước gia đình luôn mạnh khỏe, an toàn vượt qua cơn khốn khó.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.