Thông hiểu thông tin giữa hỗn loạn tin tức

02/10/2019 16:31 GMT+7

Trên thế giới, nâng cao năng lực truyền thông được xem là công cụ lâu dài trong “cuộc chiến” chống lại tin thất thiệt hiện nay. Việt Nam không nằm ngoài bức tranh đó và dự án Thông hiểu Thông tin là một trong những nỗ lực này.

Đây là lớp học Intensive News Literacy 2019 kéo dài 12 tuần về thông hiểu thông tin tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM. Lớp học thuộc chương trình Intensive News Literacy do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tài trợ và được thực hiện từ năm 2017 với nhiều hình thức nhằm phổ biến sự thông hiểu thông tin đến cộng đồng.
Trên thế giới, nâng cao năng lực truyền thông được xem là công cụ lâu dài trong “cuộc chiến” chống lại tin thất thiệt hiện nay. Việt Nam không nằm ngoài bức tranh đó và dự án Thông hiểu Thông tin là một trong những nỗ lực này.
Đông Nam Á trở thành “vùng đất màu mỡ” cho tin giả khi 63% dân số sử dụng mạng internet và 61% tham gia mạng xã hội, theo báo cáo We are social vào tháng 1.2019. Con số tham gia mạng xã hội ở Việt Nam là 64% dân số.
Những năm qua, tin giả ảnh hưởng đến Đông Nam Á, từ những vấn đề lớn, gây tranh cãi như bầu cử, ví dụ tại Philippines năm 2016, Malaysia năm 2017, và Indonesia năm 2019; hay mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, ví dụ khủng hoảng nhân đạo Rakhine tại Myanmar; đến những sự kiện, câu chuyện thường nhật. Ví dụ tại Việt Nam, là câu chuyện về sức khỏe.
Nỗ lực nâng cao kiến thức hiểu biết truyền thông, cụ thể là các khóa học thông hiểu thông tin, cũng phát triển ở các nước Đông Nam Á khác. Trong đó có thể kể đến Philippines với nhiều dự án kiểm tra sự thật từ rất sớm, năm 2008, cũng như các dự án thông hiểu truyền thông, do các đại học, tổ chức, và những người trẻ thực hiện.
Tại Campuchia, hiểu biết truyền thông được đưa vào giáo án dạy chính thức từ năm 2016. Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này cùng với tổ chức DW Akademie đã phát triển nội dung Thông hiểu thông tin và truyền thông cho sách giáo khoa Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho học sinh khối 12, ước tính có khoảng 94.500 học sinh học ICT toàn quốc.

Singapore và Thái Lan cũng có những hình thức truyền đạt thông hiểu truyền thông qua nghệ thuật hay các trò chơi quen thuộc với giới trẻ, cũng là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Theo báo cáo của Thạc sĩ Huỳnh Minh Tuấn, khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, những phác thảo đầu tiên của hoạt động nâng cao năng lực truyền thông tại Việt Nam phải kể đến sự tham gia của 7 giảng viên Việt Nam trong chương trình News Literacy (thông hiểu thông tin) do Đại học Hồng Kông và Đại học Stony Brook tổ chức tại Campuchia. Năm 2017 và 2018, khóa học được tổ chức tại Việt Nam, khi khoa Báo chí - Truyền thông, ĐHKHXH&NV TP.HCM, hợp tác với hai đơn vị trên.
Thông hiểu thông tin dần phổ biến dưới hình thức các khóa học ngắn hạn, các buổi chia sẻ, chủ yếu là sinh viên. Dự án News Literacy (Thông hiểu thông tin) tại Trung tâm Hoa Kỳ là một trong số đó.
Cô Bùi Lê Anh Thư, Trưởng dự án Intensive News Literacy 2019, chia sẻ: "Trong tương lai, bản thân tôi và những anh chị, thầy cô khác đã hỗ trợ dự án trong suốt gần 3 năm qua mong sẽ đem dự án này đến với những nơi khác, đặc biệt là những khu vực ít được tiếp cận những chương trình ý nghĩa như thế này. Ban tổ chức chính của dự án dự tính sẽ mở rộng quy mô dự án, đem nó đến với miền Tây với hình thức phù hợp cho từng khu vực, nhưng vẫn giữ được tinh thần và nội dung cốt lõi của khóa học. Vượt ra khỏi khuôn khổ dự án, cá nhân tôi mong muốn thông hiểu thông tin được phổ biến rộng rãi trong các trường học cũng như ngoài xã hội".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.