Trầm cảm ở người trẻ Kỳ 2: Gia đình - những vết thương sâu

26/11/2019 07:12 GMT+7

Đôi khi những biến cố từ bên ngoài ập đến cũng không thể khiến một người gãy đổ bằng chính những nỗi đau gây ra bởi người thân. Trải qua một tuổi thơ không mấy hạnh phúc, chị Lê Bá Nguyệt Minh (34 tuổi, TP.HCM) phải đối mặt với trầm cảm từ nhỏ và liên tục lặp lại trong những năm trưởng thành.

Từ nhỏ, chị Lê Bá Nguyệt Minh (34 tuổi, TP.HCM) đã là một đứa trẻ rất nhạy cảm. Chứng kiến sự đối lập của bố mẹ và những trận cãi vã diễn ra như cơm bữa, chị đã từng nghĩ cuộc sống của gia đình mình là đau khổ và buồn bã nhất.
"Một đứa trẻ nhạy cảm thì hay để ý đến ngôn ngữ. Những ngôn ngữ trái với mong muốn của nó đều sẽ khiến nó bị tổn thương, và nhiều lần tổn thương như vậy thì rơi vào trầm cảm.", chị Minh kể lại. 
Năm 1998, khi chị Minh 13 tuổi, bố chị bị tai nạn ba lần, bị liệt nửa người và sau đó bị thần kinh hoang tưởng. Đó là đợt trầm cảm nặng đầu tiên mà chị trải qua. Hầu như không thể nói chuyện được với ai, sợ hãi khi giao tiếp, chị bị hiểu nhầm là một đứa trẻ lầm lì, cứng đầu. Khi chuyển vào Sài Gòn sống với dì, những mâu thuẫn trong gia đình cứ ngày một nhiều hơn mà đứa trẻ đó không cách gì giải quyết được.  

Trầm cảm có thể bắt nguồn từ chính gì xảy ra trong gia đình

Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đó, chị Minh rớm nước mắt: "Dì rất ghét những đứa lì lợm. Mình thì là một đứa trầm cảm, không thể nói ra được cảm xúc của mình. Có những ngày mình cứ ngồi sát vào vách tường, tay chân cứng đờ đi và khóc liên tục. Mình cứ khóc suốt như vậy mà không thể nào thoát ra được." 
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, làm việc trong mảng tâm lý trẻ em và vị thành niên cho biết những đứa trẻ có tố chất ưu tư, nhạy cảm, thường rất dễ bị tác động vào tâm lý khi một sự kiện nào đó diễn ra: "Đồng thời, một người phải trải qua những sang chấn trong cuộc đời như mất người thân, gặp nhiều tang chế, bị lạm dụng, bắt nạt, gia đình không hạnh phúc ... đều là những người có yếu tố mỏng giòn bên trong. Khi những bất trắc, những mất mát tiếp theo xảy đến rất dễ làm họ tổn thương và dẫn đến trầm cảm." 

Chị Minh hiện đang là một huấn luyện viên khóa học "Hiểu về chính mình" tại TP.HCM

Ảnh: NVCC

Trải qua một thời gian dài mâu thuẫn với gia đình, gặp những hiểu nhầm, biến cố, bị lạm dụng, chị Minh từng nghĩ đến ý định tự tử. Sau này khi tưởng mọi việc đã trôi qua, trầm cảm lại quay trở lại với chị khi sinh em bé. 
"Trầm cảm sau sinh chỉ là một giai đoạn sau này thôi, nhưng nguồn gốc nó đã xuất phát từ những tổn thương trong gia đình rồi. Minh nhận ra việc hiểu nhau thật sự rất cần thiết. Khi một người hiểu được chính mình, họ sẽ biết cách hiểu người khác. Cha mẹ sẽ biết cách xin lỗi và giải thích với đứa trẻ khi làm nó buồn. Nếu không hiểu được nhau mà sống với nhau, tổn thương cứ sẽ tiếp tục.", chị Minh chia sẻ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.