Vợ chồng khuyết tật ấp ủ ước mơ qua những lẵng hoa

10/01/2021 19:44 GMT+7

Nằm trong chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) có một cửa hàng hoa của vợ chồng người khuyết tật. Nơi mà hai người luôn cố gắng tạo nên những nét đẹp bình dị cho cuộc đời.

Dịch covid-19 khiến việc bán hoa của anh Doanh Quốc Lực (38 tuổi) và chị Lê Thị Bích Cho (34 tuổi) năm qua bị ảnh hưởng, nhiều tháng liền phải tự bỏ tiền ra để trang trải chi phí mặt bằng và tiền nhân viên vì hoa bán ế. Những ngày cuối năm cũ đầu năm mới, nhiều người đến mua hoa hơn khiến không khí lại vui vẻ, thu nhập của anh chị cũng vì thế mà được cải thiện.

Ấp ủ giấc mơ mở một tiệm hoa

Tiệm hoa nhỏ có 2 tầng, tầng dưới là nơi để hoa và làm việc của anh chị, lầu trên là phòng ngủ. Tuy nhiên anh Lực và chị Cho dành phần lớn thời gian ở lầu dưới vì di chuyển khó khăn.
Năm 15 tuổi, anh Lực bị té ngã trong lúc leo cây. Tai nạn khiến cột sống anh bị ảnh hưởng và liệt hai chân nên phải ngồi xe lăn. Mất hơn 10 năm, anh Lực mới lấy lại được cân bằng trong cuộc sống.
“Lúc ấy đang tuổi lớn thì mà ngày cũng nhìn bạn bè đi học, còn khó khăn chưa có xe lăn nên tôi phải nằm một chỗ. Cảm giác nó bức bí lắm, nhưng cũng sự động viên của gia đình thì tôi cũng dần quen và làm mọi thứ trên xe lăn. Thấy mẹ chăm sóc kỹ nên dần dần từ bỏ ý định muốn chết mà sống vì hiện tại”, anh nói.

Anh Lực và chị Cho chủ yếu ở tiệm hoa làm việc thông qua mạng

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Năm 2012 anh Lực theo đoàn hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Bắc Kạn vào TP.HCM học và sinh sống tại đây. Trước đó anh Lực có làm qua nghề kim hoàn sau đó đi bán vé số dạo nhưng nhận thấy khó lâu dài nên sau khi gặp chị Cho, anh Lực học thêm cắm hoa.
Giống như anh Lực, chị Cho cũng là người bình thường cho đến năm 22 tuổi thì mắc bệnh viêm tủy cổ và bị liệt toàn thân. Một thời gian chị Cho phải ăn qua ống và phải thở máy. Có giai đoạn tưởng chừng là không qua khỏi, bác sĩ nói chị có thể bị liệt suốt đời. Sau 8 năm kiên trì tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng chị Cho đã có thể đi lại được. Anh Lực và chị Cho gặp nhau ở trung tâm học nghề.

Chị Cho rất yêu hoa và lạc quan

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Hồi trước mình cũng từng suy nghĩ sẽ đi học may để mở một bàn sửa quần áo nhưng cuối cùng học xong thì tay bị yếu nên không thể may được nên chuyển qua bán hoa dạo rồi bán vé số. Nhưng mình không có sức khỏe như mọi người, bán vé số không đủ sống, nắng mưa thất thường, mình cũng hay bệnh nữa. Mình rất thích hoa, thích làm đẹp nên mình đã nghĩ sao mình không tự mở một shop hoa cho mình để mình có thể làm được những gì mình muốn vừa có thể phát triển được để kinh tế mình ổn định”, chị Cho kể lại.

Chị Cho từng bị chẩn đoán sẽ bị liệt suốt suốt đời nhưng sau đó may mắn di chuyển được nhưng rất yếu

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Thế là tiệm hoa của anh Lực và chị Cho được ấp ủ và chính thức biến thành hiện thực vào năm 2017. Sau đó, hai anh chị tổ chức đám cưới vào năm 2018 thông qua chương trình tổ chức đám cưới tập thể cho người khuyết tật tại TP.HCM. Trước đó anh chị đã đăng ký kết hôn và mở tiệm hoa nhưng chưa có điều kiện tổ chức đám cưới.
Sau 1 năm mở tiệm hoa, tích góp được một chút vốn anh chị mở rộng tiệm hoa hơn và thuê thêm nhân viên phụ việc. Mọi việc bưng bê nặng nhọc sẽ được nhân viên làm, anh chị sẽ tập trung vào việc cắm hoa nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Nhưng để có được hạnh phúc hiện tại, trước khi đến với nhau nhiều người cũng khuyên nhủ anh chị nên ở vậy vì chăm sóc cho nhau đã khó rồi, nếu có thêm con cái thì sẽ càng khó hơn.
“Tụi mình nghĩ hai người ở với nhau thì đỡ cô đơn hơn, để an ủi cuộc sống này, đằng nào cuộc sống này cũng đã thiệt thòi rất nhiều thì về để nương tựa lẫn nhau giúp đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày”, chị Cho tâm sự

Xuyên đêm làm hoa những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới

Người bình thường kinh doanh đã khó, người khuyết tật như chị Cho và anh Lực lại càng khó khăn hơn. Chị Cho yếu 2 tay một chân, người ốm yếu, ít sức. Anh Lực yếu 2 chân phải ngồi xe lăn, đi lại sinh hoạt với anh rất khó khăn. Chứng kiến anh Lực phải lết từng bước từ lầu trên xuống nhà dưới khiến tôi không khỏi nghẹn lòng, vậy mà đây lại là chuyện hằng ngày anh Lực phải làm.
Khó khăn nhất là việc di chuyển những đồ nặng, ban đầu vừa mở quán hai vợ chồng chị chưa có tiền để thuê người phụ việc quán nên 2 vợ chồng phải tự tay làm, những đồ nặng 2 vợ chồng cũng tự xoay sở.

Chị Cho khó khăn trong việc di chuyển các chậu hoa mà phải nhờ đến người phụ việc

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Người bình thường làm một giỏ hoa mất từ 15 - 30 phút thì mình phải làm từ 2 - 3 tiếng vì chưa quen cách làm, mình khắc phục từ từ, dần dần mình hiểu ra được thì mình làm tốc độ nhanh hơn và tốt hơn rất nhiều. Thời gian đầu mình cắm một lẵng hoa mất từ 3 - 4 tiếng nhưng nay khoảng chừng 20 phút là xong mà nó còn dễ hơn rất là nhiều”, chị nói.
Tiệm hoa mở cửa từ 6 giờ sáng đến 22 giờ, có ngày có người đặt hoa, hai anh chị lại làm đơn hàng xuyên đêm. Thường từ tháng 10 dương lịch đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian tiệm hoa bán được nhất và nhiều người đặt. Nhất là khoảng thời gian cuối năm và đầu năm mới anh chị không được nghỉ tay. Những tháng còn lại chủ yếu là bán hoa để duy trì khách.

Anh Lực và chị Cho vẫn hạnh phúc bầu bạn và có ý định thụ tinh nhân tạo

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Nhiều năm qua kể từ khi mở tiệm hoa hai vợ chồng anh Lực không về quê ăn Tết mà bán hoa xuyên tết. Chị giải thích thường thì mùa Tết là mùa mà vợ chồng bán hoa chạy nhất nên không dám nghỉ ngày nào. Chỉ thường nghỉ mồng 1, mồng 2, những ngày lễ lớn 20.10, 20.11 là thường làm xuyên đêm.
Hiện tại mọi thu nhập của anh chị là từ tiệm hoa. Thấy hoàn cảnh của vợ chồng chị Cho, nhiều người khách ủng hộ quay lại đặt hoa nên anh chị cũng có được lượng khách thường xuyên. “Ngày trước hai vợ chồng chỉ mong muốn có một công việc gì đó để giết thời gian vì trước đó tụi mình bệnh chỉ nằm một chỗ thôi nên là rất sợ cảnh ngồi không một chỗ. Tụi mình chỉ mơ ước có đủ cơm ăn 3 bữa nhưng giờ được như vậy là hạnh phúc mãn nguyện lắm rồi”, chị bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.