Đại dịch Covid-19: Hơn 420.000 người chết, Brazil hợp tác với Trung Quốc sản xuất vắc xin

12/06/2020 09:49 GMT+7

Theo cổng thông tin Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến sáng 12.6.2020, toàn thế giới đã ghi nhận 7.487.676 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 , với 420.236 ca tử vong và hơn 3,5 triệu bệnh nhân đã hồi phục.

Số trường hợp nhiễm virus tại Mỹ đã vượt mốc 2 triệu người trong tối ngày 11.6, và đại dịch Covid-19 cũng đã khiến 113.774 bệnh nhân tử vong, cao nhất tính trên toàn cầu.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã một lần nữa chỉ trích cách xử lý đại dịch của Tổng thống Donald Trump, nói rằng ông Trump vẫn “từ chối nhìn nhận virus một cách nghiêm túc.” Lưu ý rằng số lượng các trường hợp Covid-19 tiếp tục gia tăng ở hơn 20 tiểu bang, ông Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử ngày 3.11 tới, cáo buộc tổng thống đang cố gắng phớt lờ thực tế.

Người biểu tình tiếp tục xuống đường để phản đối bạo lực cảnh sát và bất bình đẳng về chủng tộc tại New York (Mỹ) ngày 11.6

Reuters

Đáp trả lại, đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump đã chỉ ra rằng ông Trump đã đặt ra các hạn chế du lịch từ Trung Quốc, và nói họ đã cứu “vô số sinh mạng”. “Dưới sự lãnh đạo của tổng thống, Mỹ đã tiến hành nhiều xét nghiệm Covid-19 hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại”, theo phát ngôn viên chiến dịch Tim Murtaugh.
Hiện tại, hơn 10 tiểu bang bao gồm Texas và Arizona đang vật lộn với số lượng bệnh nhân Covid-19 gia tăng chóng mặt tại các bệnh viện, khiến nhiều người lo ngại rằng việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ có thể gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 1.800 điểm trong ngày 11.6 do lo ngại về sự hồi sinh của đại dịch.

Người dân xếp hàng chờ được đo thân nhiệt trước khi bước vào một trung tâm mua sắm nổi tiếng tại Sao Paulo (Brazil) ngày 11.6

Reuters

Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã vượt mốc 800.000 ca nhiễm virus, với 30.412 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nơi bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ. Bên cạnh đó, với 1.239 trường hợp tử vong mới, số người chết ở Brazil đã lên tới 40.919, Bộ Y tế cho biết, cao thứ 3 toàn cầu sau Mỹ và Anh. Trong tổng số các trường hợp nhiễm, hơn 340.000 bệnh nhân đã phục hồi.
Viện Butantan, một trong những trung tâm nghiên cứu y sinh hàng đầu của Brazil, hôm 11.6 đã công bố thỏa thuận với Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc, có khả năng sản xuất một loại vắc-xin chống Covid-19 mới.

Người dân xếp hàng chờ được đo thân nhiệt trước khi bước vào một trung tâm mua sắm nổi tiếng tại Sao Paulo (Brazil) ngày 11.6

Reuters

Chủ tịch của Butantan, ông Dimas Covas và Thống đốc Sao Paulo João Doria cho biết, vắc-xin đang được phát triển bởi phòng thí nghiệm Trung Quốc chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, sẽ được tiến hành ở Brazil với 9.000 tình nguyện viên, và có thể sẵn sàng tiêm vắc-xin cho hàng triệu người Brazil vào tháng 6.2021. Một khi vắc xin được chứng minh là có hiệu quả, Butantan sẽ sở hữu công nghệ này để sản xuất vắc-xin ở Brazil trên quy mô lớn.
Bộ Y tế Mexico đã báo cáo 4.790 ca nhiễm virus corona chủng mới được xác nhận cùng với 587 trường hợp tử vong mới trong ngày 11.6, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên tới 133.974 trường hợp và 15.944 người tử vong. Chính phủ cho biết số người nhiễm bệnh thực sự cao hơn đáng kể so với số liệu chính thức.

Hành khách ngồi tại khu ăn uống nơi các bàn được sắp xếp lại để khuyến khích thực hiện giãn cách xã hội tại sân bay quốc tế Benito Juarez ở Mexico City (Mexico) ngày 11.6

Reuters

Trong khi đó, một quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh khác là Peru cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong các trường hợp nhiễm virus. Theo cổng thông tin của Đại học Johns Hopkins, hiện tại Peru đã ghi nhận 214.788 ca nhiễm với 6.088 ca tử vong.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan 11.6 đề nghị giúp đỡ nước láng giềng Ấn Độ giải ngân tiền mặt cho người dân trong thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19 nhưng Ấn Độ sau đó đã từ chối lời đề nghị. Mối quan hệ đã trở nên thù địch giữa hai nước và quân đội hai bên thường xuyên giao tranh tại ranh giới tranh chấp ở khu vực miền núi Kashmir.

Người thân và một nhân viên y tế đã đưa thi thể của một người đàn ông chết vì dịch Covid-19 lên giàn thiêu để hỏa táng tại một nhà hỏa táng ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 11.6

Reuters

Trung tâm theo dõi nền kinh tế Ấn Độ có trụ sở tại Mumbai trong một cuộc khảo sát vào tháng 4 đã phát hiện rằng, 84% hộ gia đình Ấn Độ có thu nhập giảm đi kể từ khi phong tỏa toàn quốc được áp dụng. Khoảng 1/3 trong số những người được khảo sát cho biết họ sẽ hết nguồn tài chính sau một tuần.
Cả 2 quốc gia đều áp đặt lệnh phong tỏa vào tháng 3 để hạn chế sự lây lan của virus, nhưng Pakistan đã dỡ bỏ các hạn chế hơn một tháng trước trong khi Ấn Độ vẫn còn nhiều vấn đề. Hiện Ấn Độ đã ghi nhận 286.605 trường hợp nhiễm virus, cao thứ 5 thế giới sau Mỹ, Brazil, Nga và Anh, với 8.102 ca tử vong.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết, số ca tử vong vì dịch Covid-19 đã thêm tăng 53 người trong ngày 11.6, so với con số 71 của ngày trước đó, nhưng số lượng các trường hợp mới hàng ngày đã tăng lên 379 người từ con số 202 hôm 10.6.

Nhân viên an ninh rửa tay bằng chất diệt khuẩn bên ngoài sân vận động Allianz ở Turin (Ý) trước trận giữa Juventus và AC Milan ngày 11.6

Reuters

Tổng số người chết kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào ngày 21.2 hiện ở mức 34.167, cao thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Anh và Brazil. Trong khi đó, số trường hợp nhiễm virus được xác nhận lên tới 236.142 người.
Ý đã trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu tung ra ứng dụng điện thoại thông minh, theo dõi sự lây lan của dịch bệnh không dựa trên cơ sở dữ liệu tập trung. Và trong vòng 10 ngày đã có 2,2 triệu lượt tải xuống, dấu hiệu cho thấy người Ý đã bỏ qua những lo ngại về quyền riêng tư và quan tâm hơn đến tình hình sức khỏe.
Chính phủ Ý, giống như các quốc gia châu Âu khác bị virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 tấn công, quảng cáo ứng dụng như một công cụ quan trọng để giúp tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đức sẽ ra mắt phiên bản riêng của ứng dụng này vào tuần tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.