Hơn 135.000 người nhiễm Covid-19, thế giới ứng phó với đại dịch ra sao?

13/03/2020 09:06 GMT+7

Theo cập nhật từ cổng thông tin điện tử của Bộ y tế Việt Nam lúc 6 giờ ngày 13.3.2020, trên toàn thế giới đã có 135.306 người mắc virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 và 4.966 người đã người tử vong.

Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đại lục, nơi bắt nguồn dịch bệnh, tiếp tục diễn tiến khả quan.
Đến sáng 13.3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 80.796 ca nhiễm và 3.170 ca tử vong vì Covid-19. Trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới vì Covid-19. Số ca nhiễm Covid-19 đã phục hồi tại Trung Quốc đại lục là 62.848 ca.
Ý, ổ dịch tại châu Âu, đến sáng 13.3 có 15.113 ca nhiễm và 1.016 ca tử vong vì Covid-19. Đây là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 cao nhất sau Trung Quốc đại lục.
Đáng chú ý hơn, số ca phục hồi tại Ý là 1.258, chiếm rất ít trong tổng số ca nhiễm bệnh.

Đường phố Ý vắng vẻ sau khi chính phủ nước này siết chặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Reuters

Ý là quốc gia cực kì nhạy cảm với dịch bệnh Covid-19 vì dân số già. Ý là quốc gia có số người cao tuổi nhiều nhất tại châu Âu, với 23% dân số là người trên 65 tuổi.
Các chuyên gia cho rằng đây có thể là nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong ở đây lên đến mức 6,6% - cao hơn đáng kể so với những nơi khác.
Để ngăn chặn dịch Covid-19, Ý siết chặt lệnh phong tỏa. Theo đó, mọi cửa hàng - trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc - đều phải đóng cửa. Mọi công ty buộc phải đóng cửa các ban ngành không cần thiết.
Tại Mỹ, đến sáng 13.3, số ca nhiễm Covid-19 đã lên đến 1.716 ca, trong đó có 41 ca tử vong. Khắp nước Mỹ đang cảnh giác cao độ khi số ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng.
Bang Washington cấm nhiều sự kiện tập trung đông người. Thành phố Seattle tại bang này phải đóng cửa các trường học và các viện dưỡng lão khắp nước Mỹ cực kì thận trọng, hạn chế người thân đến thăm bệnh.

Các viện dưỡng lão tại Mỹ hạn chế người thân đến thăm bệnh.

Reuters

Trong ngày 12.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm mọi di chuyển từ các nước châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.
Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 13.3. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng cho những người đi từ Anh và Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rõ lệnh cấm mới "không áp dụng với thường trú nhân hợp pháp, thành viên gia đình trực tiếp" và không ảnh hưởng đến hàng hóa thương mại.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo nguy cơ lệnh cấm gây gián đoạn kinh tế. Một chuyên gia nhận định: "Động thái bất ngờ của Mỹ đã làm biến động các thị trường chứng khoán và tác động lớn đến du lịch, khách sạn, nhà hàng và nhất là ngành hàng không, vốn đã chịu tổn thất nghiêm trọng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát”.
Tối 12.3, Reuters tối 12.3 đưa tin Trợ lý Truyền thông của Tổng thống Brazil Fabio Wajngarten vừa được chẩn đoán nhiễm Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Fabio Wajngarten.

Reuters

Trước đó, ông Wajngarten có tham dự một cuộc họp chính thức tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida vào ngày 7.3 và đăng ảnh đứng cạnh ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump sau khi nghe tin cho biết ông không lo ngại về việc nhiễm bệnh và khẳng định “chúng tôi không làm điều gì quá bất thường”.
Iran, ổ dịch Covid-19 tại Trung Đông, đến sáng 13.3 ghi nhận 10.075 ca nhiễm và 429 ca tử vong vì Covid-19.
Iran là quốc gia có số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc đại lục và Ý. Trong ngày 12.3, Iran xác nhận thêm 1 phó tổng thống và 2 bộ trưởng nhiễm virus corona mới. Đến nay đã có hơn 30 quan chức tại Iran nhiễm Covid-19.

Iran vẫn thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19.

Reuters

Iran vẫn thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như hủy các buổi cầu nguyện ngày thứ 6, đóng cửa trường học và trường đại học đến giữa tháng 4, yêu cầu người dân hạn chế ra đường nếu không cần thiết và nhân viên chính phủ làm việc trong giờ giới hạn.
Dịch Covid-19 đã tiến triển chậm lại tại Hàn Quốc sau nhiều tuần xét nghiệm và giám sát quyết liệt. Đến sáng 13.3, Hàn Quốc ghi nhận 7.869 ca nhiễm và 66 ca tử vong vì Covid-19. Hàn Quốc được cho là đã xét nghiệm hơn 235.000 người với hơn 10.000 được xét nghiệm mỗi ngày. Nhà hữu trách y tế nước này theo dõi sát sao những người có thể hiện triệu chứng bệnh.

Dịch Covid-19 đã tiến triển chậm tại Hàn Quốc.

Reuters

AFP hôm qua 12.3 dẫn lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước nâng mức ứng phó với virus corona chủng mới sau khi Covid-19 được gọi là đại dịch toàn cầu.
Theo ông Guterres, tuyên bố đại dịch còn là “lời kêu gọi trách nhiệm và đoàn kết - các nước cùng hợp nhất và mọi người cùng hợp nhất” chống dịch. Sau tuyên bố Covid-19 là đại dịch của WHO, Hội đồng Bảo an LHQ quyết định giảm quy mô các cuộc họp trong tháng 3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.