Hơn 7.100 người tử vong vì đại dịch Covid-19 toàn cầu

17/03/2020 09:13 GMT+7

Theo cập nhật từ Cổng thông tin Bộ Y tế đến 6 giờ 30 sáng 17.3.2020, cả thế giới đã ghi nhận 182.330 người nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra, trong đó có ít nhất 7.142 người tử vong.

Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 78.000 ca hồi phục hoàn toàn và được xuất viện.
Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp. Đến nay, đã có ít nhất 162 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự xuất hiện của bệnh Covid-19.
Tại Trung Quốc đại lục, nơi khởi nguồn dịch Covid-19, đến sáng 17.3 đã ghi nhận 80.860 người mắc và 3.213 người tử vong vì Covid-19.
Trong ngày 16.3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 21 ca nhiễm mới, trong đó có 20 ca nhiễm là người đến từ nước ngoài. Chỉ có 1 ca nhiễm Covid-19 mới tại Trung Quốc là xảy tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch.

Tình trạng ca nhiễm từ bên ngoài Trung Quốc cao hơn ca nhiễm nội địa đã kéo dài qua ngày thứ 4 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhập khẩu Covid-19 tại Trung Quốc đại lục.

Reuters

Trước đó, hôm 12.3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch.
Ý, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc đại lục, trong ngày 16.3 đã ghi nhận thêm 3.233 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại đây lên 27.980 trường hợp. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Ý hiện tại đã lên đến 2.158 trường hợp.

Ngày thứ 7 người dân Ý sống trong tình trạng phong tỏa toàn quốc.

Reuters

Chính phủ Ý vẫn hy vọng các biện pháp ngăn chặn dịch quyết liệt, bao gồm lệnh phong tỏa toàn quốc có thể phát huy tác dụng vào một thời điểm nào đó. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và gia đình đối mặt với tình trạng phong tỏa kéo dài vì dịch Covid-19, ngày 16.3, chính phủ Ý đã thông qua mức chi ngân sách 25 tỉ euro. Trong đó có nhiều ưu đãi cho người lao động có nguy cơ mất việc và khuyến mãi trông trẻ cho các bậc phu huynh.
Tây Ban Nha, Đức, Pháp ghi nhận thêm 1.000 ca dương tính với Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Tây Ban Nha, Đức và Pháp lần lượt là 9.923, 7.214 và 6.633 trường hợp.
Ngày 16.3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất lãnh đạo các nước EU phong tỏa tạm thời toàn khối nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Reuters

WHO đã tuyên bố châu Âu là tâm chấn của đại dịch Covid-19 hôm 13.3 và cảnh báo không biết rõ khi nào đại dịch sẽ đạt đỉnh tại đây.
Tại Mỹ, đến sáng 16.3, đã có 4.599 ca nhiễm Covid-19 với ít nhất 86 trường hợp tử vong. Ngày 16.3, Tổng thống Donald Trump đề nghị người dân không nên tụ tập quá 10 người nhằm củng cố nỗ lực ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Bang New Jersey, New York và Connecticut đã ký thỏa thuận khu vực, đóng cửa tất cả rạp chiếu phim, sòng bài và phòng tập thể dục. Các nhà hàng và quán bar tại 3 bang này, với hơn 22 triệu dân, sẽ chỉ phục vụ mang đi và giao hàng.
Lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Tổng thống Trump đã phải thừa nhận nền kinh tế nước này “có lẽ” đang đi về hướng suy thoái.
Trong ngày 16.3, Iran, ổ dịch tại Trung Đông, ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục: 129 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 851 trường hợp. Số ca nhiễm Covid-19 tại nước này hiện là 14.991 ca.

Iran xịt sát khuẩn phòng ngừa dịch Covid-19 lây lan.

Reuters

Nhiều doanh nghiệp tại thủ đô Tehran vẫn hoạt động thậm chí khi các nước xung quanh Iran đã hủy các chuyến bay, đóng cửa biên giới và dần tiến đến phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Tình hình điều chế vắc xin phòng chống bệnh Covid-19 có nhiều triển vọng. SCMP đưa tin trong thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc, 4 con khỉ bị phơi nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 đã hồi phục và phát triển khả năng miễn dịch.
Trong ngày 16.3, Mỹ và Đức tiếp tục tranh giành một công ty đang phát triển vắc xin chống Covid-19. Công ty CureVac tại Đức hiện chọn 2 loại triển vọng nhất để thử nghiệm lâm sàng, với hy vọng sẽ có vắc xin thử nghiệm vào tháng 6 - 7.

CureVac đang làm tâm điểm tranh giành giữa Đức và Mỹ.

Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang tìm cách mua lại bản quyền vắc xin này. Tuy nhiên, chính phủ Đức đã khẳng định sẽ chống lại mọi nỗ lực mua lại vắc xin của phía Mỹ.
Ngày 16.3, trong buổi họp báo tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: "Chúng tôi khuyến nghị các quốc gia trên thế giới xét nghiệm mọi trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19".
Cũng tại buổi họp báo, tiến sĩ Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học của WHO, nhấn mạnh những cảnh báo mạnh mẽ được đưa ra vì “chúng ta bỏ sót nhiều ca nhiễm”. Tiến sĩ Kerkhove nói thêm: “Điều quan trọng nữa là phải bảo vệ trẻ em vốn có thể tử vong vì bệnh Covid-19".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.