Lãnh đạo WHO tin Mỹ tiếp tục đóng góp tài chính bất chấp chỉ trích từ Tổng thống Trump

14/04/2020 22:12 GMT+7

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 13.4 tin tưởng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đóng góp tài chính cho tổ chức này bất chấp các chỉ trích từ Tổng thống Donald Trump về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của WHO.

Tuần trước, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chính phủ Mỹ đang cân nhắc lại việc đóng góp tài chính cho WHO. Ông cho rằng các tổ chức quốc tế đang lợi dụng nguồn ngân sách do người dân Mỹ đóng thuế để thực hiện các mục tiêu của riêng mình.
Mỹ là quốc gia góp ngân sách lớn nhất cho WHO với hơn 400 triệu USD năm 2019, chiếm khoảng 15% ngân quỹ của tổ chức này. Khi được hỏi về khả năng ông Trump ngừng đóng góp cho WHO, ông Tedros cho biết đã trao đổi với ông Trump 2 tuần trước.
"Điều tôi biết là ông ấy rất ủng hộ, và tôi hy vọng là Mỹ tiếp tục đóng góp cho WHO. Mối quan hệ giữa chúng tôi rất tốt và hy vọng sẽ có thể tiếp tục như vậy", ông Tedros nói.
Chuyên gia Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết sau khi Trung Quốc đại lục báo cáo về các ca viêm phổi không rõ nguồn gốc hôm 31.12, WHO đã gửi cảnh báo cho tất cả các nước thành viên vào ngày 5.1. "Từ góc độ đó thì thông tin đã được chia sẻ và Mỹ đã có nhiều hoạt động thích hợp để đáp ứng với lời cảnh báo", ông Ryan nói.

Chuyên gia Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO.

Reuters

Đối với các quốc gia châu Âu đang cân nhắc nới lỏng lệnh hạn chế vì số ca nhiễm Covid-19 đã ổn định hoặc giảm, ông Tedros cảnh báo cần làm theo hướng dẫn để bảo đảm sức khỏe người dân.
"Trong khi Covid-19 tăng tốc rất nhanh, nó giảm tốc lại chậm hơn nhiều. Nói cách khác, xu hướng giảm ca nhiễm chuyển động chậm rãi hơn so với xu hướng tăng lên. Các biện pháp kiểm soát cần được nới lỏng dần dần", giám đốc WHO nói.
Khi được hỏi về khả năng châu Âu đang tiến đến bước ngoặt trong cuộc chiến dịch Covid-19, ông Ryan cho biết: "Chúng tôi đang nhìn vào con số ca nhiễm được xác nhận và con số ca nhập viện, xem đó là các chỉ số đầu tiên cho biết mọi thứ đang ổn định và chắc chắn là điều đó đang xảy ra".

Các nước châu Âu đang bước vào bước ngoặt dịch Covid-19, theo WHO.

Reuters

"Giờ là lúc để hy vọng, là thời điểm để nỗ lực gấp đôi, là lúc để trở nên cực kì cực kì thận trọng. Không có nghĩa là các quốc gia không thể bắt đầu hình thành các chiến lược ra khỏi tình trạng này".
Hôm 10.4, Yemen ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên khiến các tổ chức nhân đạo lo ngại dịch Covid-19 sẽ bùng phát ở đất nước mà chiến tranh đã làm suy sụp hệ thống y tế và nạn đói và bệnh tật tràn lan.
Ông Ryan khẳng định Liên Hiệp Quốc đang hỗ trợ mọi mặt cho Yemen để đảm bảo "hệ thống giám sát đã có sẵn để theo dõi bệnh bại liệt, dịch tả và các căn bệnh khác giờ sẽ được kích hoạt toàn bộ để phát hiện những ca nghi nhiễm Covid-19".
Việc thiếu máy thở và nhân viên y tế sẽ là "thách thức lớn" tại Yemen, ông Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp WHO, nói thêm: "Chúng ta sẽ rất khó khăn để mang lại mức độ chăm sóc y tế thích đáng cho người dân khi dịch bệnh bùng phát".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.