Mỹ Latin vượt mức 7 triệu ca Covid-19, Đức sẽ có vắc xin vào đầu năm 2021

28/08/2020 09:03 GMT+7

Theo cập nhật từ hãng tin Reuters, đến sáng 28.8.2020, số ca mắc Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra trên toàn thế giới là hơn 24,332 triệu ca, với ít nhất 826.948 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm Covid-19, đã có hơn 15,896 triệu ca hồi phục hoàn toàn.

Số ca Covid-19 tại khu vực Mỹ Latin đã vượt mức 7 triệu ca trong ngày 27.8 giữa bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm giảm dần. Đây là khu vực bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.
Số ca nhiễm trung bình trong vòng 24 giờ tại Mỹ Latin trong 7 ngày qua là khoảng 77.800 ca - thấp hơn hẳn so với mức 85.000 trong 1 tuần trước đó.
Đã 6 tháng trôi qua kể từ ca Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Brazil, trong vòng 24 giờ qua quốc gia này ghi nhận thêm 44.235 ca nhiễm và 984 ca tử vong. Đến nay, tổng số ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19 ở Brazil là hơn 3,761 triệu và 118.649.
Bất chấp các con số đáng báo động, nhà chức trách Brazil khẳng định tình hình dịch bệnh tại đây đang có xu hướng giảm và số ca tử vong hằng ngày đã ở mức ổn định.
Chính phủ Mexico cũng khẳng định số ca Covid-19 tại đây đang giảm đều dù Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết quốc gia đông dân thứ 2 khu vực Mỹ Latin đang xem nhẹ quy mô ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo WHO, Mexico và các quốc gia khác trong khu vực cần tăng cường xét nghiệm. WHO cũng bày tỏ lo ngại về mức độ truyền nhiễm Covid-19 cao trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Ngoài ra, Brazil, Peru, Mexico, Colombia và Chile nằm trong số 10 quốc gia có ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới. Với hơn 28.000 ca tử vong vì đại dịch, Peru có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực này.
Trong khi đó, Argentina vượt mức 10.000 ca mắc mới mỗi ngày lần đầu tiên hôm 26.8 kể từ khi đại dịch bùng nổ tại đây.
Trong ngày 27.8, Argentina cũng tiếp tục ghi nhận thêm 10.000 ca nhiễm mới, khiến một số tỉnh thuộc nước này phải siết chặt các lệnh phong tỏa chống dịch. Nhà chức trách Argentina báo cáo nước này có tỷ lệ dương tính rất cao: hơn 40% trong tổng số các trường hợp được xét nghiệm.
Ngày 27.8, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đức, nước này dự kiến sẽ sở hữu một hoặc nhiều vắc xin ngừa Covid-19 vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, Viện Robert-Koch (RKI) cảnh báo tình trạng thiếu hụt vắc xin ngừa Covid-19.
"Vào giai đoạn đầu, dự kiến có thể không có đủ vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn bộ người dân, vì vậy lập ra danh sách ưu tiên là cần thiết", viện RKI nhấn mạnh.
Đức hiện có nhiều ứng viên vắc xin Covid-19 đang trong nhiều giai đoạn thử nghiệm khác nhau.
Trong số các ứng viên tiềm năng nhất có hai công ty Biontech/Pfizer và CureVac. Cả hai đều nhận được tài trợ đặc biệt từ chính phủ Đức để tăng cường thử nghiệm và mở rộng khả năng sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.