Nghiên cứu mới về Covid-19: virus biến đổi để thích nghi với vật chủ người; thuốc chống đông máu hỗ trợ trị liệu?

08/05/2020 05:29 GMT+7

Theo một cuộc phân tích di truyền các mẫu bệnh phẩm từ nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, virus corona chủng mới lây lan nhanh chóng và thích nghi với vật chủ là con người.

Phân tích di truyền các mẫu từ hơn 7.500 người bị nhiễm Covid-19 cho thấy virus corona chủng mới có thể đang thích nghi với vật chủ con người trong khi lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, theo một báo cáo trên tạp chí y khoa Nhiễm, Di truyền và Tiến hóa.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy gần 200 đột biến gen tái phát của virus corona chủng mới, cho thấy khả năng tiến hóa của nó trong quá trình lây lan ở người. Francois Balloux thuộc Đại học College London, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết tất cả các virus biến đổi một cách tự nhiên.

Virus corona chủng mới đang dần dần thích nghi trên con người

Reuters

“Đột biến tự nó không nhất thiết là chuyện xấu và hiện không có dấu hiệu gì cho thấy virus corona đang biến đổi nhanh hơn hoặc chậm hơn dự kiến. Cho đến nay, vẫn chưa thể nói SARS-CoV-2 đang tăng hay giảm khả năng gây chết người hay lây nhiễm”, ông nói.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu từ thành phố New York cho thấy chất làm loãng máu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Các nhà nghiên cứu đã xem xét lại 2.773 bệnh nhân, khoảng 25% trong số đó đã được dùng thuốc chống đông máu liều cao. Nhóm bệnh nhân này có khả năng sống sót cao hơn.
Sự khác biệt rõ rệt nhất có thể quan sát được trong số 395 bệnh nhân cần thở máy. Trong nhóm này, tỷ lệ tử vong là 63% khi không dùng thuốc chống đông máu và 29% khi bệnh nhân được dùng thuốc.

Không phải bệnh nhân Covid-19 nào cũng sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2

Reuters

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu lưu ý rằng vì nghiên cứu không có đối chứng ngẫu nhiên nên không thể chứng minh thuốc chống đông máu trực tiếp dẫn đến việc tăng tỉ lệ sống sót đồng thời cần cân nhắc hiệu quả so với nguy cơ mất máu.
Trong một nghiên cứu khác, hệ thống miễn dịch không phải lúc nào cũng đáp ứng với virus corona như hình dung của các bác sĩ, theo một dữ liệu chưa được công bố. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston phát hiện ra rằng việc sinh ra kháng thể với hai cấu trúc quan trọng trên bề mặt của virus không nhất thiết có nghĩa là bệnh nhân sẽ phục hồi tốt hơn hay nhanh hơn.

Vắc-xin PiCoVacc do các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát triển sẽ có thể được thử nghiệm trên người trong cuối năm 2020

Reuters

Tiến sĩ Raghu Kalluri, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết những bệnh nhân Covid-19 nặng đang được điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt có mức độ kháng thể khác nhau. Trên thực tế, một số bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn không có các kháng thể này, và theo ông, hệ thống miễn dịch của họ đã chống lại virus bằng cách nào đó chưa rõ. Tuy nhiên, hiện nghiên cứu này chưa được bình duyệt hoặc công bố trên tạp chí y khoa.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc hôm 6.5 báo cáo trên tạp chí Science rằng thử nghiệm vắc-xin “PiCoVacc” trên loài khỉ macaque (hay khỉ vàng) đã tạo ra các kháng thể một cách an toàn giúp chặn một số chủng virus corona chủng mới SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu cho biết vắc-xin “PiCoVacc” có thể sẽ được thử nghiệm trên người bắt đầu vào cuối năm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.