Những lời hứa của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống

04/10/2019 06:32 GMT+7

Đã 4 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Đến nay nhiều người vẫn bày tỏ sự ủng hộ vì ông đã "giữ đúng lời hứa".

Ông Trump đã có những động thái quyết liệt khi cấm người Hồi giáo đến Mỹ, cũng như xây tường biên giới với Mexico và buộc nước này phải trả tiền.
Vậy những chính sách ông Trump hứa sẽ thực hiện trước và sau khi đắc cử thành tổng thống đến nay như thế nào?

Giảm thuế (Hoàn thành)

TRƯỚC: Ông hứa giảm thuế cho doanh nghiệp và người lao động tại Mỹ.
SAU: Kế hoạch thuế của đảng Cộng hòa được thông qua vào tháng 12.2017. Điều này có công lớn từ ông Trump mặc dù vấp phải nhiều tranh cãi.
Ông đã phải thỏa hiệp, chỉ giảm thuế từ 35% xuống còn 21%, dù ông từng hứa sẽ giảm chỉ còn 15%.
Việc giảm thuế cho mỗi cá nhân cũng có thời hạn, mặc dù đảng Cộng hòa nói rằng sẽ gia hạn trong tương lai. Dù vậy, người giàu ở Mỹ được cho là sẽ hưởng lợi hơn người nghèo.
Rút khỏi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (Hoàn thành)
TRƯỚC: Khi ra tranh cử, ông Trump gọi biến đổi khí hậu là trò lừa bịp của Trung Quốc, và các quy định của thỏa thuận Paris đã kìm hãm sự phát triển của Mỹ.
SAU: Ông được coi là đã giữ lời hứa khi tháng 11.2019, Mỹ thông báo về kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris. Quá trình này sẽ hoàn tất vào ngày 4.11 năm nay, 1 ngày sau ngày bầu cử.

Định hình lại bộ máy tư pháp (Hoàn thành)

TRƯỚC: "Tôi đang tìm kiếm thẩm phán và tôi đã chọn được 20 người. Họ sẽ tôn trọng Tu Chính án thứ 2 (Quyền sử dụng súng) và những gì nó đại diện".
SAU: Ông đã hứa bổ nhiệm thẩm phán có xu hướng bảo thủ, và ông đã bổ nhiệm ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh.
Cả 2 lần bổ nhiệm trên đều gây tranh cãi, đặc biệt là đối với ông Kavanaugh.
Ông Kavanaugh bị cáo buộc tấn công tình dục, nhưng đã bác bỏ. Cuối cùng ông được thông qua với số phiếu 50-48, tỷ lệ sít sao nhất kể từ năm 1881.
Ứng viên thứ ba của Tổng thống Trump, bà Amy Coney Barrett, đã được thông qua thành thẩm phán Tòa án Tối cao. Điều này đảm bảo cho việc thẩm phán bảo thủ nắm đa số ghế tại tòa án trong thời gian tới.
Ngoài ra, Ông Trump còn bổ nhiệm gần 200 thẩm phán bảo thủ tại các tòa án liên bang.

Bãi bỏ và thay thế Obamacare (Không có tiến triển)

TRƯỚC: Một trong những cam kết nổi bật của ông là bãi bỏ và thay thế Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (gọi tắt là Obamacare) của tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Đảng Cộng chê bai chính sách Obamacare, coi nó là "kẻ giết chết việc làm" do áp đặt quá nhiều chi phí lên các doanh nghiệp.
SAU: Đảng Cộng hòa đã không thể thông qua việc bãi bỏ hoặc cải tổ luật.
Điều đó cho thấy chính quyền ông Trump đã cố gắng loại bỏ từng phần của đạo luật.
Ông đã loại bỏ việc rút ngắn thời gian nhập học, cắt bỏ trợ cấp và phạt tiền với những người không mua bảo hiểm y tế. Đây như một phần của kế hoạch thuế của tổng thống Trump năm 2017.
Năm 2018, một thẩm phán liên bang ở Texas đã kháng cáo hình phạt này, một "phần quan trọng" của đạo luật. Điều đó có nghĩa là toàn bộ điều luật của Obamacare là vi hiến.
Mặc dù vậy, đạo luật vẫn được áp dụng khi kháng cáo được đưa lên Tòa án Tối cao. Phán quyết dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021.

Xây tường biên giới với Mexico (Không có tiến triển)

TRƯỚC: Việc hứa xây tường biên giới Mỹ - Mexico là một trong những cam kết gây tranh cãi nhất tại chiến dịch của ông Trump. Ông cũng nói thêm rằng Mexico sẽ phải trả tiền cho bức tường đó.
SAU: Chính phủ Mexico thẳng thừng từ chối việc trả tiền xây tường. Hiện ông Trump dường như đã bỏ ý định đó.
Đảng Dân chủ đã kịch liệt phản đối, trong khi một số đảng viên Cộng hòa lo ngại dự luật về xây tường biên giới có thể tiêu tốn đến 21,5 tỉ USD, theo báo cáo của Bộ An ninh Nội địa.
Tháng 12.2018, Mỹ đã phải đóng cửa chính phủ sau khi đảng Dân chủ bác bỏ yêu cầu của ông Trump về việc chi 5 tỉ USD cho bức tường.
Sau đó ông đã chuyển hướng một số khoản chi cho quốc phòng và mục đích khác sang đầu tư xây dựng hoặc thay thế các phần của bức tường. Quyết định này đã vướng phải nhiều rào cản pháp lý
Tính đến cuối tháng 5, hơn 300 km của bức tường đã được dựng lên.
Tuy nhiên phần lớn trong số đó là dùng lại thiết kế cũ hoặc những rào chắn đã có sẵn. Chỉ có khoảng 5 km là được xây mới hoàn toàn.

Ném bom IS (hoàn thành)

TRƯỚC: Trong bài phát biểu tại Iowa năm 2015, ông Trump đã cảnh báo sẽ không kích tiêu diệt tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS).
SAU: Tổng thống đã chỉ đạo thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất của Mỹ xuống một pháo đài của IS ở Afghanistan. Ông Trump cũng ghi nhận công lao trong việc đuổi IS ra khỏi Iraq và Syria, nói rằng tổ chức này đã "thất bại nặng nề".
Năm ngoái, lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi đã tự sát trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ.

Dời đại sứ quán tại Israel (Hoàn thành)

TRƯỚC: Ông Trump cam kết trong chiến dịch rằng sẽ dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, thành phố mà cả Israel và Palestine đều tuyên bố chủ quyền.
SAU: Năm 2017, ông Trump nói sẽ chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Năm 2018, Mỹ quyết định dời đại sứ quán đến Jerusalem trong kỷ niệm 70 năm thành lập Israel. Việc xây dựng đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem được thông qua vào năm 2019.

Chi tiêu quốc phòng (Hoàn thành)

TRƯỚC: Phát biểu tại chiến dịch năm 2015, ông Trump nói: "Tôi sẽ xây dựng quân đội mạnh mẽ hơn hiện tại. Nó sẽ rất mạnh mẽ, để không ai có thể gây sự với chúng ta".
Ông hứa sẽ đảo ngược việc cắt giảm quốc phòng do ông Obama đưa ra năm 2013. "Chúng ta muốn ngăn chặn, tránh xảy ra xung đột bằng ưu thế quân sự vượt trội không thể nghi ngờ của chúng ta", ông nói.
SAU: Chi tiêu quốc phòng tăng đều đặn trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump, mặc dù mức tổng thể vẫn thấp hơn những năm đầu của chính quyền ông Obama.
Chi tiêu quốc phòng tăng mạnh từ năm 2002 sau khi Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Nó đạt đỉnh vào năm 2010 nếu tính theo tỷ lệ GDP, sau đó giảm dần cùng lúc với việc Mỹ giảm dần hiện diện quân sự tại Trung Đông và Trung Á.

Cắt giảm các quy định (Hoàn thành)

TRƯỚC: Chỉ 1 tháng trước ngày bầu cử năm 2016, ông Trump nói rằng ông có thể cắt giảm 70% các quy định liên bang nếu đắc cử.
Lời hứa đó đã giúp ông thu hút sự ủng hộ của các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, điều giúp ông thắng cử vào năm đó.
SAU: Tổng thống đã cắt giảm nhiều quy định từ lao động đến môi trường.
Chỉ một ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về Giảm thiểu và Kiểm soát quy định.
Theo đó, khi các cơ quan chính phủ muốn đưa ra một quy định liên bang, họ sẽ phải chọn loại bỏ hai quy định khác.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Trump liên tiếp loại bỏ nhiều thủ tục hành chính.
Tháng 1.2020 ông đã loại bỏ các biện pháp bảo vệ với vùng đất ngập nước và dòng nước ở Mỹ.
Đến tháng 7, ông công bố những thay đổi với Đạo luật Bảo vệ Môi trường Quốc gia nhằm tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng.
"Chúng ta đang giành lại niềm tự hào của nước Mỹ trong vai trò là quốc gia luôn hoàn thành công việc", ông nói.

Đưa binh sĩ trở về nhà (Hoàn thành một phần)

TRƯỚC: ông Trump kêu gọi Mỹ rút khỏi Trung Đông. Năm 2016, ông gọi khu vực này là "hoàn toàn hỗn loạn", và muốn chính phủ tiết kiệm hàng triệu USD cho nước Mỹ.
Ông Trump đã đề cập đến việc ngừng đưa quân ra nước ngoài từ trước khi ông tranh cử. Năm 2013, ông viết trên Twitter: "Binh lính của chúng ta đã bị giết bởi người Afghanistan. Chúng ta huấn luyện và tiêu tốn hàng tỉ USD ở đó. Thật nhảm nhí! Xây dựng lại nước Mỹ".
Cùng năm, ông nói rằng Mỹ nên "tránh xa" khỏi cuộc chiến ở Syria.
SAU: Tháng 12.2017, chính quyền ông Trump tuyên bố điều thêm 3.000 binh lính đến Afghanistan. Ông nói điều này dựa trên các điều kiện thực tế.
Tại Syria, Mỹ dẫn đầu liên minh chống IS cùng với lực lượng người Kurd và người Ả Rập ở Syria, với khoảng 2.000 binh lính.
Tháng 12.2018, ông Trump ra lệnh rút binh lính Mỹ khỏi Syria. Một nửa trong số đó, khoảng 500 người vẫn ở lại.
Gần đây, ông Trump nói ông có kế hoạch để tiếp tục cắt giảm quân đội ở Afghanistan trước ngày bầu cử 3.11, sau khi ông đã giảm từ 13.000 xuống còn 8.600 binh lính trong năm nay.
Hồi tháng 2, Mỹ và NATO đã thống nhất rút quân khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng nếu các tay súng Taliban đưa ra một thỏa thuận hòa bình mới.
Nỗ lực rút quân của Tổng thống đôi khi vấp phải sự chỉ trích từ các quan chức của ông. Tuyên bố rút quân khỏi Syria một phần đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức.

Thỏa thuận thương mại (Hoàn thành một phần)

TRƯỚC: Ông Trump gọi Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một thảm họa, và cảnh báo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) "đang xấu đi, vì vậy chúng ta sẽ dừng chuyện này".
Ông cũng cam kết điều chỉnh thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
SAU: Ngay những ngày đầu nhậm chức, ông đã rút khỏi TPP. Sau đó ông bỏ ngỏ khả năng quay lại nếu có một thỏa thuận tốt hơn.
Tháng 11.2018, Một hiệp định giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) để thay thế cho NAFTA đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ tháng 7.2020.
Tuy nhiên sau đó Mỹ đã tái áp đặt thuế nhôm lên Canada. Ottawa ngay lập tức có mức thuế đáp trả.
Mỹ và Hàn Quốc cũng đã ký thỏa thuận thương mại được sửa đổi vào tháng 9.2018.
Nổi bật nhất có lẽ là việc Mỹ và Trung Quốc leo thang trong cuộc chiến tranh thương mại, khi hai bên áp hàng tỉ USD thuế lên hàng hóa.
Hai bên cũng từng có thời gian hòa dịu khi ký thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" hồi đầu năm nay.

Cấm người Hồi giáo (Hoàn thành một phần)

TRƯỚC: Tổng thống Trump ban đầu hứa sẽ cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ. Việc đóng cửa "toàn bộ và hoàn toàn" sẽ được duy trì cho đến khi các nhà chức trách Mỹ "hiểu được điều gì đang xảy ra". Sau đó ông đổi thành sẽ "thẩm tra cực kỳ chặt".
SAU: Khi thành tổng thống, ông Trump đề xuất hai lệnh cấm lên tòa án nhưng không thành. Lệnh cấm thứ ba được Tòa án Tối cao thông qua và có hiệu lực hoàn toàn, trong khi chờ các thách thức pháp lý.
Lệnh cấm được áp dụng cho khách tới từ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen, Venezuela và Triều Tiên.
Tháng 1 năm nay, Mỹ thông báo hạn chế nhập cư với 6 quốc gia khác, bao gồm Nigeria, Eritrea, Sudan, Tanzania, Kyrgyzstan và Myanmar.

Quan hệ với Cuba (Hoàn thành một phần)

TRƯỚC: Tháng 9.2016, ông Trump nói rằng sẽ đảo ngược các thỏa thuận của Tổng thống Barack Obama đã ký kết nhằm mở lại quan hệ ngoại giao và thương mại với Cuba.
SAU: Ông phát biểu tại Miami rằng ông sẽ "hủy thỏa thuận một chiều của chính quyền ông Obama".
Năm 2017, ông Trump tái áp đặt các hạn chế thương mại và di chuyển.
Ông vẫn mở cửa đại sứ ở Havana, mặc dù không cử bất kỳ đại sứ nào đến đó.
Năm ngoái, chính quyền ông Trump đã cấm các chuyến du lịch theo nhóm, cũng như các tàu du lịch đến Cuba.
Mới đây, chính quyền Washington đã thắt chặt thêm các hạn chế.
Theo đó Mỹ cấm mọi chuyến bay theo hình thức thuê chuyến đến Cuba, nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Havana.

Coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ (Hoàn thành một phần)

TRƯỚC: Ông Trump liên tục cam kết sẽ liệt Bắc Kinh là nước "thao túng tiền tệ" trong ngày đầu nhậm chức. Ông cáo buộc Trung Quốc đã "cưỡng bức" Mỹ . Trung Quốc bị cho là đã hạ giá đồng nhân dân tệ để hàng hóa xuất khẩu nước này cạnh tranh với Mỹ.
SAU: Mỹ chính thức xem Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" tháng 8.2019. Bộ Tài chính Mỹ định nghĩa thao túng tiền tệ là khi một quốc gia tác động lên tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ với đồng USD nhằm đạt được "lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế".
Nhưng hồi tháng 1, Mỹ đảo ngược quyết định khi Bắc Kinh đồng ý không hạ giá đồng Nhân dân tệ.

Nợ quốc gia (không có tiến triển)

TRƯỚC: Trả lời Washington Post năm 2016, ông Trump nói "Tôi biết rõ phố Wall hơn bất kỳ ai". Ông cam kết sẽ xóa khoản nợ quốc gia lên đến 19 nghìn tỉ USD "trong 8 năm".
SAU: Sau nửa chặng đường, nợ quốc gia của Mỹ tăng hơn một phần 3, đạt mức 27 nghìn tỉ USD tháng 10.2020.
Ông Trump đã tăng mức trần nợ quốc gia trong năm 2017, trước khi dừng lại đến sau kỳ bầu cử 2020.
Nhiều chuyên gia dự đoán khoản nợ còn tiếp tục tăng do tác động của đại dịch Covid-19.

Trục xuất người nhập cư trái phép (Không có tiến triển)

TRƯỚC: Ông Trump liên tục nói những người nhập cư không có giấy tờ - ước tính hơn 11,3 triệu người - "sẽ phải rời khỏi đây".
SAU: Khi ngày bỏ phiếu đến gần, ông bắt đầu mềm mỏng hơn. Sau cuộc bầu cử, ông thu hẹp lại còn khoảng 2-3 triệu người phải trục xuất, gồm những người "có tiền án tiền sự, thành viên các băng đảng, và buôn ma túy".
Trong năm tài chính 2019, có khoảng 267.000 người bị trục xuất, tăng nhẹ so với năm trước đó.
Con số này vẫn thấp hơn kỷ lục 410.000 người năm 2012 dưới thời ông Obama.
Kế hoạch cải tổ vấn đề nhập cư của ông Trump đối mặt với thất bại vào mùa hè 2020, khi Tòa án Tối cao bác bỏ việc chính quyền ông Trump muốn hủy bỏ chương trình DACA, chương trình bảo vệ khoảng 650.000 trẻ em được đưa đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ.

Xây dựng cơ sở hạ tầng (Không có tiến triển)

TRƯỚC: Cơ sở hạ tầng của đất nước "sẽ không có ai sánh kịp, và chúng ta sẽ đưa hàng triệu người trở lại làm việc khi chúng ta tái xây dựng nó", ông Trump nói trong bài phát biểu chiến thắng năm 2016.
SAU: Ông liên tục hứa tăng chi tiêu xây dựng đường bộ, đường sắt và sân bay. Nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ thực hiện. Tháng 3.2018, Quốc hội đã phân bổ 21 tỉ USD chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,5 nghìn tỉ USD ông Trump kêu gọi.
Tháng 4.2019, ông Trump và lãnh đạo đảng Dân chủ đồng ý chi 2 nghìn tỉ USD cho cơ sở hạ tầng, nhưng thỏa thuận sau đó đã đổ vỡ.
Tháng 6 năm nay một báo cáo cho rằng chính quyền ông Trump có kế hoạch 1 nghìn tỉ USD, nhưng đến nay vẫn chưa có thông báo nào được đưa ra.

Gây sức ép với NATO (Đã hủy)

TRƯỚC: Ông Trump liên tục đặt chất vấn mục đích tồn tại của NATO, gọi nó là "lỗi thời". Ông cũng cho rằng các thành viên đã không đóng góp đủ cho liên minh. Trong một phỏng vấn với tờ New York Times năm 2016, ông Trump còn ám chỉ rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ nếu một thành viên NATO bị Nga xâm chiếm.
SAU: Nhưng sau khi tiếp Tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng vào tháng 4.2018, ông Trump nói mối đe dọa khủng bố đã làm nổi bật tầm quan trọng của liên minh. "Tôi đã từng nói NATO lỗi thời. Nó không còn lỗi thời nữa", ông Trump nói.
Tháng 7.2018, ông Trump tái khẳng định sự ủng hộ của mình tại hội nghị NATO, nhưng cũng bỏ ngỏ việc Mỹ có thể rút khỏi liên minh nếu các nước không đáp ứng yêu cầu về ngân sách.
Gần đây ông Trump cũng nói Mỹ sẽ rút gần 12.000 binh lính ra khỏi Đức.

Buộc tội bà Hillary Clinton (Đã hủy)

TRƯỚC: "Hãy nhốt bà ta lại"
Năm 2016, người ủng hộ ông Trump muốn thấy ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton ngồi tù vì bà sử dụng máy chủ email cá nhân cho công vụ khi còn làm ngoại trưởng.
Ông Trump còn muốn có một cuộc điều tra.
Trong buổi tranh luận tổng thống, ông nói với bà Clinton: "Nếu tôi thắng, tôi sẽ tham vấn bộ trưởng tư pháp để kiếm một công tố viên đặc biệt cho trường hợp của bà".
SAU: Giọng điệu của ông Trump gần như thay đổi ngay sau khi ông giành chiến thắng. Người mà ông từng nói là "người phụ nữ xấu xa", nay theo lời ông là một người phụ nữ mà đất nước nợ "một món nợ ân tình".
Sau đó, ông nói rằng ông "không bận tâm (với việc buộc tội bà Clinton) và có nhiều ưu tiên khác hơn".
Tháng 11.2016, sau khi thắng cử, phát ngôn viên của ông Trump nói ông sẽ không yêu cầu điều tra nữa - để giúp bà Clinton "hồi phục".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.