Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu: biện pháp thực chất hay động thái chính trị?

01/02/2020 14:35 GMT+7

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát vi rút corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”. Vậy tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nghĩa là gì?

Trong vòng 1 tuần, vi rút corona từ Trung Quốc lan đến hàng chục nước, làm 213 người chết và tổng số ca nhiễm lên đến gần 10.000 ca khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC).

Nhân viên y tế đo nhiệt độ người dân khi dịch bệnh mới do vi rút corona gây ra bùng nổ.

Reuters

Theo WHO, tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là “một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan ra toàn cầu của bệnh và có thể cần phải có phản ứng phối hợp của quốc tế".
Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng cốt lõi của tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là nhằm kêu gọi các nước cùng hợp tác để ngăn chặn một hiểm họa.
Tình trạng khẩn cấp giúp huy động phản ứng quốc tế chống dịch. Đây là cơ hội để WHO tiến hành "những biện pháp không ràng buộc nhưng quan trọng về thực tiễn và chính trị liên quan đến đi lại, cách ly, tầm soát, điều trị".
WHO nhấn mạnh rằng cần nhìn nhận việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu "trên tinh thần ủng hộ và đánh giá cao Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc và những hành động Trung Quốc đã thực hiện trên tuyến đầu chống chọi đợt bùng phát dịch bệnh này, với sự minh bạch và rất hy vọng là sẽ thành công".
Tình trạng khẩn cấp, vì vậy, "nhắm đến bảo vệ các nước có hệ thống y tế yếu hơn”, Tổng Giám đốc WHO nói.
WHO khuyến nghị thế giới không hạn chế một cách không cần thiết việc đi lại và giao thương mại Trung Quốc, hỗ trợ các nước có hệ thống y tế yếu, đẩy nhanh việc phát triển vaccine và các biện pháp điều trị, ngăn chặn lây lan tin đồn và thông tin sai sự thật, điều trị những người đã nhiễm bệnh và hạn chế lây nhiễm, chia sẻ kiến thức với WHO và các nước khác, và làm việc cùng nhau trên "tinh thần hợp tác và đoàn kết".
Trước đây, tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đã được áp dụng 5 lần: đại dịch vi rút cúm A/H1N1 (2009), dịch Ebola và dịch bệnh sốt bại liệt (2014), bùng phát vi rút Zika (2016) và dịch Ebola (2018).

Quyết định này quan trọng đến đâu?

Quyết định của WHO trở thành tin nổi bật trong ngày, sau khi tổ chức này hứng chịu nhiều chỉ trích vì đã không công bố sớm hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng đây đơn thuần là một động thái chính trị, một dấu hiệu kêu gọi chính phủ khắp thế giới nhìn nhận nghiêm túc về dịch bệnh này, và là lời nhắc nhở các nước về cam kết với WHO.
Tuyên bố này nhấn mạnh "mọi quốc gia" nên sẵn sàng có những biện pháp bổ sung, và họ phải chia sẻ thông tin với WHO theo Quy định Y tế Thế giới (IHR).
Đây là bộ quy định được công bố năm 2005 và được 196 quốc gia đồng thuận, nhưng lại không có chế tài. Các khuyến nghị, kể cả sau khi đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, thường không mang tính ràng buộc. Không hề có quy định về chế tài hay trừng phạt cho các nước không tuân thủ các nghĩa vụ theo IHR, mà rất nhiều trong số đó phụ thuộc vào việc chính phủ tự báo cáo tiến triển tình hình tại nước mình. Một số chuyên gia về luật y tế cũng quan ngại rằng "các Ủy ban Khẩn cấp chịu ảnh hưởng chính trị chứ không phải xem xét bằng chứng khoa học nghiêm chỉnh".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.