Từ scandal 'siêu giải châu Âu': Kim tiền và truyền hình đã thay đổi bóng đá ra sao?

04/06/2021 10:52 GMT+7

Vì sao bóng đá - một hình thức giải trí của tầng lớp lao động lại trở thành một ngành kinh doanh "béo bở" mà nhiều người thèm muốn, khiến người hâm mộ trở thành khách hàng của những giao dịch tiền tỉ?

Bóng đá có nguồn gốc từ tầng lớp lao động nhưng những khoản đầu tư lớn đã định hình lại môn "thể thao nhân dân" này, biến nó thành một thị trường được hãng dịch vụ tài chính Delloitte định giá đến hơn 35 tỉ USD trên toàn châu Âu vào năm 2019. 
Những xung đột bùng lên rõ ràng trong vụ nổi loạn mang tên "Siêu giải đấu châu Âu" European Super League
Người hâm mộ Arsenal, Dave Daniels, bức xúc: "Tôi chỉ phát ngán với cách mà người hâm mộ bóng đá bị đối xử bởi kẻ mang danh tỉ phú".

European Super League xuất hiện để loại bỏ nỗi lo về nguy cơ đối mặt với thảm họa tài chính của các đội bóng.

Chụp màn hình CNN

Vậy làm thế nào một môn thể thao của tầng lớp lao động lại trở thành ngành kinh doanh "béo bở" mà nhiều người thèm muốn, biến người hâm mộ trở thành khách hàng bằng những hợp đồng hàng tỉ USD? 
Các câu lạc bộ bóng đá đầu tiên được thành lập ở Anh trong thế kỷ 19, nhờ những người lao động trong nền kinh tế công nghiệp mới và chính họ cũng đã xuất khẩu môn túc cầu ra nước ngoài. 
Các thợ mỏ đã mang bóng đá đến Tây Ban Nha, còn giới thủy thủ đưa môn thể thao này đến Argentina
Đến năm 1904, một cơ quan quốc tế quản lý bóng đá được thành lập: FIFA. Sau đó, bóng đá trở thành môn thi đấu toàn cầu, nhưng vẫn phản ánh truyền thống của địa phương. 
Người hâm mộ Anh thường hát, lấy cảm hứng từ các bài hát của tầng lớp lao động và âm nhạc đại chúng. 

Bóng đá có nguồn gốc từ tầng lớp lao động.

Chụp màn hình Reuters

Khán giả truyền hình của môn thể thao vua đã tăng lên sau khi các trận đấu bắt đầu được phát sóng vào năm 1937. Trận bán kết World Cup 1990 giữa Ý và Argentina đã thu hút một lượng khán giả kỷ lục: 27,5 triệu người ở Ý. 
Đây có lẽ là bước ngoặt để từ đó các giải đấu thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của giới chủ và nhà quảng cáo
Năm 1992, các đội bóng hàng đầu trong Liên đoàn bóng đá của Anh đã "ly khai" và thành lập giải Ngoại hạng Anh, được hỗ trợ bởi một hợp đồng truyền hình béo bở mới. 
Cùng năm, Cúp C1 châu Âu được thay thế bằng Champions League, giải đấu tăng thêm số đội tham dự và thêm vòng bảng mới để thu hút lượng khán giả truyền hình lớn hơn. 
Mô hình gói cước xem truyền hình cũng như tăng số lượng trận đấu được phát sóng truyền hình đã thu hút các nhà đầu tư lớn hơn. 
Ban đầu, các thành viên câu lạc bộ cũng là người sở hữu đội bóng, sân vận động và cơ sở đào tạo. 
Tuy nhiên, khi mở rộng kinh doanh thì mô hình đã thay đổi. Giờ đây, chỉ 12% câu lạc bộ hàng đầu của châu Âu trực tiếp sở hữu sân vận động của họ. Quyền sở hữu câu lạc bộ tại nhiều giải bóng đá hàng đầu châu Âu đã chuyển sang tư nhân, khi đầu tư nước ngoài tràn vào. 
Người hâm mộ Manchester United cho biết: "Họ đã rút ra 1,5 tỉ bảng Anh từ câu lạc bộ của chúng tôi. Họ đã đổ nợ lên một câu lạc bộ đang làm ăn có lời. Họ chẳng bỏ vào một xu nào mà lại lấy đi 1,5 tỉ bảng. Chúng tôi muốn đòi lại đội bóng của mình". 
Các sân vận động hiện được đặt tên theo các công ty còn áo cầu thủ thì in hình quảng cáo. Sản phẩm lưu niệm trở thành một nguồn doanh thu quan trọng và giá vé của các trận đấu quan trọng đã tăng vọt. Nhưng cùng với điều này thì yếu tố tranh đấu đã dần mất đi. 
Những bản hợp đồng mới giúp các câu lạc bộ nổi tiếng nhất kiếm được nhiều tiền hơn từ bản quyền truyền hình. Nhờ vậy, họ có thể thu hút những cầu thủ giỏi, đảm bảo luôn có mặt trong các giải đấu danh giá nhất và lôi cuốn người hâm mộ. 
Nhưng mô hình đầu tư "chi đậm để thắng lớn" này cũng mang lại khoản nợ lớn. Giờ đây, chỉ cần một mùa giải thành tích kém hay bị loại sớm khỏi các giải đấu lớn thì sẽ là thảm họa tài chính cho các đội bóng. 
Huấn luyện viên Liverpool FC, Juergen Klopp, cho biết: "Tôi biết người hâm mộ nghĩ rằng câu lạc bộ đá nhiều trận hơn thì được trả nhiều tiền. Nhưng chúng tôi luôn đứng trước nguy cơ bị lỗ, tôi nói thật đấy, và mọi huấn luyện viên đều nghĩ như vậy". 
Trong hoàn cảnh này, giải European Super League xuất hiện. 

Làn sóng phản đối của người hâm mộ bóng đá nổi lên dữ dội.

Chụp màn hình Reuters

Để vượt qua nguy cơ trên và đảm bảo doanh thu, 12 trong số các câu lạc bộ nổi tiếng nhất ở châu Âu đã cố gắng tạo ra một thể thức giải đấu mà họ sẽ không bao giờ rớt hạng. 
Làn sóng phản đối bùng lên dữ dội. 
Người hâm mộ Tottenham, Simon Hutchings, lên tiếng về sự xuất hiện của giải đấu mới: "Về cơ bản, giải European Super League chỉ là vì tiền. Nó chỉ tạo ra nhiều tiền hơn nên cơ bản mà nói thì chỉ là lòng tham". 
Lúc này, người hâm mộ Anh đã giành thắng lợi, giải đấu ESL bị bỏ rơi, và chính phủ Anh cũng hứa sẽ xem xét liệu có cần thêm các giới hạn mới hay không. 
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng: "Tôi nghĩ đó không phải là tin tốt lành cho nền bóng đá nước nhà, và đừng quên rằng các câu lạc bộ này không chỉ là những thương hiệu toàn cầu tuyệt vời, mà còn là những câu lạc bộ có nguồn gốc lịch sử từ thị trấn, từ thành phố, từ cộng đồng của mình. Các câu lạc bộ nên có một sự kết nối với những người hâm mộ đó". 
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh mới tiếp tục đe dọa sự cạnh tranh công bằng ở bóng đá - môn thể thao của mọi nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.