Vì sao phát triển vắc xin Covid-19 ở châu Âu kém 'rôm rả'

29/08/2020 11:55 GMT+7

Ở EU, các nhà sản xuất vắc xin sẽ chỉ được bảo vệ hạn chế khỏi các khiếu nại pháp lý về tác dụng phụ từ các mũi tiêm được phát triển để điều trị Covid-19 và điều đó có thể cản trở các thỏa thuận cung cấp các phương pháp điều trị trong khu vực.

Gần 30 loại vắc xin phòng Covid-19 hiện đang được thử nghiệm trên toàn cầu. Quá trình phát triển diễn ra gấp rút, và vì vậy gây ra những quan ngại, trong đó có nguy cơ vắc xin có thể có tác dụng phụ không mong muốn. Tại Mỹ, chính phủ gánh trách nhiệm pháp lý, giúp bảo vệ các nhà sản xuất dược phẩm nếu có sự cố. Tuy nhiên, chuyện lại hoàn toàn khác ở khối Liên minh châu Âu (EU).
Các quan chức EU nói rằng nhà sản xuất vắc xin chỉ có thể được bảo vệ một phần. Các quy tắc của EU liên quan đến trách nhiệm pháp lý đã được thắt chặt hơn nữa vào năm 2017. Theo đó, tòa án cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu đã ra phán quyết rằng người được tiêm vắc xin có thể được bồi thường nếu mũi tiêm gây ra bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào, kể cả trong trường hợp khoa học còn tranh cãi về tác dụng phụ đó.

Bên trong phòng làm việc tại trụ sở chính của công ty dược phẩm AstraZeneca ở Sydney (Úc)

Reuters

Phán quyết này có thể gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin cho khu vực. Cho đến nay, EU chỉ mới thông qua một thỏa thuận cung cấp vắc xin với công ty Anh AstraZeneca. Các quan chức EU thừa nhận vấn đề trách nhiệm pháp lý là trở ngại trong đàm phán với các nhà sản xuất thuốc của Mỹ là Pfizer và Johnson & Johnson.
Trong khi đó, hỗ trợ tài chính của châu Âu dành cho các công ty dược phẩm cũng khá khiêm tốn. Mỹ đã dành ra khoảng 30 tỉ USD để chi trả cho các vấn đề nói trên bao gồm phát triển vắc xin Covid-19 và bồi thường nếu có. Quỹ khẩn cấp của Châu Âu dự kiến chỉ chi khoảng 2,4 tỉ USD để giúp phát triển và trang trải các khoản nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.