Bản tin Covid-19 ngày 17.8: TP.HCM gần 1 triệu lượt người ra đường mỗi ngày

17/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid -19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 17.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin Covid-19 hôm nay 17.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Thêm 9.605 ca nhiễm, 4.331 ca khỏi bệnh

Bản tin Covid-19 tối 17.8 cho biết tính từ 18h ngày 16.8 đến 19h ngày 17.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới, trong ngày cũng có 4.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Covid-19 sáng 18.8: Cả nước 293.301 ca nhiễm, 111.308 ca khỏi | TP.HCM kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng

Ngày 17.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 331 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố; nâng tổng số ca Covid-19 tử vong tại Việt Nam kể từ đầu dịch lên 6.472 ca.
Thông tin cụ thể về 9.605 ca nhiễm Covid-19 mới được công bố vào ngày 17.8 như sau:
- 10 ca cách ly ngay nhập cảnh.
- 9.595 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 4.465 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa - Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đắk Lắk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 951 ca. Tại TP.HCM tăng 218 ca, Bình Dương tăng 810 ca, Long An giảm 18 ca, Tiền Giang tăng 259 ca, Đồng Nai giảm 290 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 293.301 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Đồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 111.308 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 600 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Chiều 17.8: Thông báo thêm 331 ca Covid-19 tử vong tại 12 tỉnh thành

Ngày 17.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 331 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (285), Bình Dương (12), Long An (9), Tiền Giang (7), Đồng Nai (6), Cần Thơ (4), Đồng Tháp (3), Bến Tre (1), Bình Định (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1), Vĩnh Long (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.466.817 mẫu cho 24.442.316 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.

4 quận, huyện tại TP.HCM hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1

Trong ngày 16.8, TP.HCM có thêm 194.435 người dân ở 17 quận, huyện và TP.Thủ Đức tiêm vắc xin Covid-19 (trong đó, tuyệt đại đa số đều sử dụng vắc xin Vero Cell của Sinopharm). Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.
Như vậy, trong đợt 5 tiêm vắc xin phòng Covid-19, từ ngày 22.7 đến hết ngày 16.8, TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 3,7 triệu người, tất cả đều an toàn. Tính tất cả các đợt tiêm thì TP.HCM tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 4,7 triệu người.

4 quận, huyện tại TP.HCM hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi

Riêng 4 ngày qua, từ ngày 13 đến ngày 16.8, đã có 282.576 người tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm.
Cũng trong ngày 16.8, Hệ thống tiêm chủng vắc xin VNVC bàn giao hơn 1,1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca cho Viện Pasteur TP.HCM theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đây là lần giao vắc xin Covid-19 thứ 8 thuộc hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của VNVC với AstraZeneca từ tháng 11.2020.
Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm hơn 4,7 triệu liều vắc xin Covid-19, bao gồm vắc xin AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell.

TP.HCM có gần 1 triệu lượt người ra đường với 120.000 phương tiện mỗi ngày

Ngày 17.8, Công an TP.HCM cho biết, thời gian qua, mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 phương tiện. Công an TP.HCM dự báo thời gian tới, lượng người ra đường sẽ còn đông hơn vì từ ngày 16.8, TP.HCM đã mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được ra đường.
Trước đó, ngày 15.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký văn bản 2718 về tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và cho phép một số ngành nghề được hoạt động.
Cụ thể, từ 0 giờ ngày 16.8, TP.HCM cho phép thêm các nhóm sau được hoạt động gồm: các cơ sở sản xuất thực phẩm; các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm; phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân...
 

TP.HCM có gần 1 triệu lượt người ra đường với 120.000 phương tiện mỗi ngày

Riêng nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu gồm: đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý, ứng dụng công nghệ được lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP.Thủ Đức. Số lượng này cũng đã hơn 50.000 lượt người mỗi ngày.
Như vậy, với việc TP.HCM cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động trong khung giờ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày như trên, Công an TP.HCM dự báo lưu lượng người và phương tiện di chuyển trên địa bàn TP.HCM trong khung giờ này sẽ tăng lên nhiều hơn so với trước đó.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng Công an TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác tuần tra, chốt chặn, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên, đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM), cho biết TP.HCM tiếp tục thực hiện khai báo "di biến động dân cư" ở 12 chốt kiểm soát chính của TP.HCM và các chốt kiểm soát của cấp huyện giáp với các tỉnh thành. TP.HCM kiên quyết xử lý xe không đủ điều kiện ra đường, phải quay đầu trở về và xử phạt nghiêm người dân ra đường nếu không có lý do chính đáng.

Cả nước có gần 30.000 công nhân viên chức, lao động nhiễm Covid-19

Tại buổi họp báo trực tuyến do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức ngày 17.8, Bà Vũ Thị Giáng Hương, Quyền trưởng ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết Số ca nhiễm Covid-19 trong công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã lên tới 29.910 người (chiếm 11,44% tổng số ca nhiễm) trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có 99.884 CNVCLĐ đang là F1.
Theo bà Hương, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm của người lao động. Đến nay, có hơn 1,3 triệu người lao động (NLĐ) phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; 1.013 doanh nghiệp với 84.034 công nhân lao động vừa cách ly, phong tỏa vừa sản xuất.
Đáng chú ý, đã có 1,06 triệu đoàn viên, NLĐ tại 7.941 đơn vị, doanh nghiệp được tiêm vắc xin, trong đó có 437.433 người là công nhân lao động thuộc 921 doanh nghiệp.
Để chia sẻ khó khăn và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho đoàn viên, NLĐ. Hàng vạn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, người lao động. Nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, NLĐ hiệu quả, như: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, Túi an sinh…
Công đoàn các cấp cũng đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.222 tỉ đồng cho trên 1 triệu lượt đoàn viên, NLĐ thụ hưởng.

Cả nước có gần 30.000 công nhân viên chức, lao động nhiễm Covid-19

Gần đây nhất, ngày 11.8, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hỗ trợ 1 triệu đồng/người để tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 tại 19 tỉnh, thành phố phía nam đang thực hiện giãn cách.
Đối với một số địa phương phía Nam có đông công nhân lao động đang thực hiện giãn cách, để động viên NLĐ ở lại, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết ngoài chế độ hỗ trợ chung theo quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng ý để LĐLĐ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An trích từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy hàng hoá, nhu yếu phẩm. Tổng số tiền 61,5 tỉ đồng sẽ dành để mua mua và cung cấp 410.000 suất quà hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động khó khăn tại các khu cách ly, phong toả.

Hơn 1,2 triệu người khó khăn vì Covid-19 ở TP.HCM chờ nhận hỗ trợ

Thông tin trên được bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM, trao đổi tại buổi triển khai kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến hết ngày 15.9 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều tối qua (16.8). 
Bà Tô Thị Bích Châu cho biết, do thành phố vừa tính theo hộ, vừa tính theo người nên gây áp lực rất lớn đến tổ trưởng dân phố tại các phường, thậm chí một số tổ trưởng gọi điện không bắt máy mà “trốn” luôn vì bị người dân kéo lại gây áp lực.

Hơn 1,2 triệu người khó khăn vì Covid-19 ở TP.HCM chờ nhận hỗ trợ

Qua tính toán sơ bộ, TP.HCM có khoảng 1,2 triệu người khó khăn (còn 3 quận chưa báo cáo danh sách về). Nếu TP.HCM hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và giải quyết trước mắt cho 2 tuần (từ ngày 16 - 31.8) thì mỗi người cần 700.000 đồng, ước tính kinh phí cần khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ tăng thêm khi các quận báo cáo đầy đủ.
Trước mắt, Ủy ban MTTQVN TP.HCM đã tạm chi 24 tỉ đồng xuống 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức; mỗi đơn vị nhận 1 tỉ đồng (riêng TP.Thủ Đức 3 tỉ đồng) để chăm lo ngay cho những hộ quá khó khăn. “Các địa phương cứ lấy mà chi và không đòi hỏi thủ tục gì hết, thấy người dân gặp khó khăn thì phải chăm lo liền”, bà Châu đề nghị.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM cho biết sẽ nỗ lực để triển khai nhanh 1 triệu túi an sinh đến tay người dân đang gặp khó khăn

Ảnh: Sỹ Đông

Bà Châu cho biết Trung tâm An sinh TP.HCM đã kết nối với một số đơn vị. Như chiều 17.8, Thành đoàn TP.HCM ký kết với một số đơn vị hỗ trợ 1 triệu suất ăn (mỗi suất ăn trị giá 25.000 đồng) cung cấp các bệnh viện, khu cách ly và người dân khó khăn. Còn Tập đoàn Novaland sẽ triển khai xe “Siêu thị 0 đồng” gắn với các địa bàn có dân nhập cư đông; mỗi ngày phát 2.500 suất và làm trong 1 tháng, cứ 2 tuần thì quay lại chỗ cũ, danh sách người dân do địa phương chọn và phát phiếu. 
Về 1 triệu túi an sinh, Ủy ban MTTQVN TP.HCM sẽ làm việc với Sở LĐ-TB-XH và các đơn vị liên quan, có thể là gói bổ sung hoặc là một phần trong gói hỗ trợ lần 3. Bà Châu cho biết sẽ cố gắng để thứ 5 tuần này (19.8) có chủ trương, quy định kịp thời gửi về cho các địa phương triển khai. Các túi an sinh được tính toán lương thực, thực phẩm cho 5 ngày, 10 ngày và 15 ngày, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cơ bản.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết mỗi ngày có hàng ngàn người đang muốn rời thành phố vì nhiều lý do như sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao.
Do vậy, TP.HCM phải tổ chức, phối hợp, hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê với điều kiện đã chuẩn bị như tiêm vắc xin, xe đưa đón, phối hợp với địa phương đưa đón về quê an toàn, dứt khoát không đưa người nhiễm Covid-19 về để gây thêm khó khăn cho địa phương bạn.
Đối với những người đã trả nhà trọ để định về quê tự phát nhưng được vận động ở lại thành phố, hiện không có chỗ ở thì các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải bố trí nơi ở phù hợp.

Thêm lô thuốc Remdesivir được Bộ Y tế phân bổ

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, cho biết, thuốc Remdesivir được ưu tiên phân bổ cho các bệnh viện đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thuốc cũng đang được xem xét phân bổ cho một số địa phương khác, hiện có bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng cao.
Trước đó, ngày 8.8, lô thuốc đầu tiên 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP.HCM. Tính đến sáng nay, 17.8, đã có 70.000 lọ về đến sân bay Tân Sơn NhấtTP.HCM. Dự kiến, đến cuối tháng 8 này, sẽ có khoảng 300.000 lọ Remdesivir được chuyển về Việt Nam.
Đây là các lô Remdesivir trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup  nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19. Thuốc do Công ty dược phẩm Cipla (Ấn Độ) sản xuất, dưới sự cho phép của Công ty Gilead Sciences, Hoa Kỳ.  

Phân bổ thêm thuốc Remdesivir điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM

Ước tính, với 500.000 lọ, số thuốc này có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80.000 bệnh nhân Covid-19.
Về chỉ định điều trị, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 6573/BYT-KCB ngày 12.8, hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 do  Vingroup hỗ trợ.
Tại công văn trên, Bộ Y tế cho biết, theo hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc Remdesivir 100 mg (5 mg/ml) của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc Remdesivir chỉ định dùng cho bệnh nhân Covid-19 điều trị nội trú tại Bệnh viện là các bệnh nhân có suy hô hấp phải thở ô xy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập.
Thời điểm dùng thuốc Remdesivir trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh, nên phối hợp với Dexamethasone. Ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao như: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (chỉ số BMI trên 25). Không bắt đầu sử dụng cho bệnh nhân cần thở máy xâm nhập, ECMO.
Đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng cho đủ liệu trình.

Đấm vào mặt công an viên tại chốt kiểm soát dịch, lãnh án 30 tháng tù

Ngày 17.8.2021, TAND TX.Phước Long đã tuyên phạt Nguyễn Quang Duy, 30 tuổi, ở P.Phước Bình, TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước mức án 30 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ tại phiên xét xử sơ thẩm.
Theo cáo trạng, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 31.7, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở KP.Phước Sơn, P.Phước Bình, TX.Phước Long, tỉnh Bình Phước phát hiện Nguyễn Quang Duy lái xe máy đi trên đường ĐT.759 không đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang không che mũi và miệng, tay ôm theo 1 con gà.

Người đấm, xúc phạm thành viên chốt kiểm dịch Covid-19 ở Bình Phước bị phạt 30 tháng tù

Thấy vậy, lực lượng tại chốt đã dừng xe Duy để kiểm tra. Khi Công an viên của P.Phước Bình hỏi lý do ra đường và yêu cầu Duy đến nơi quy định để lập biên bản xử lý vi phạm Chỉ thị 16, Duy đã không chấp hành, đồng thời có hành vi xúc phạm, đấm vào mặt công an viên.
Ngay lập tức, thành viên tham gia trực chốt kịp thời hỗ trợ, khống chế và đưa Duy về trụ sở công an phường làm việc. Đến ngày 3.8, Công an TX.Phước Long đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Quang Duy.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quang Duy đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối lỗi. 

Len lỏi vào ngõ hẻm Sài Gòn “nghe tiếng lòng” người khó khăn vì Covid-19

Từ ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, một cơ sở massage của người khiếm thị bỗng trở nơi hoạt động, điểm tập kết tấn nhu yếu phẩm của nhóm từ thiện Xe Bus Yêu Thương. Nhóm gồm những thành viên Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM.
Đều đặn mỗi ngày, các thành viên của nhóm lại phân chia thành hàng trăm phần quà để hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Những phần quà hỗ trợ cho người dân mỗi ngày gồm gạo, nước mắm, dầu ăn, nước tương, sữa và khẩu trang. Bên cạnh đó, những ngày có thể đặt mua được thì mỗi phần quà sẽ có thêm 1 kg thịt heo. Nếu ngày nào không đặt được thì nhóm sẽ thay bằng những phần trứng.
Tuy nhiên, để đưa những phần quà này tới tay người dân trong những ngày dịch bệnh thì nhóm đã phải vượt qua không ít khó khăn như về nhân lực, đi lại và chuẩn bị quà.
Ông Nguyễn Hữu Bình - Ban điều hành CLB "Xe Bus Yêu Thương" cho biết mỗi phần quá trị giá từ 400.000 đến 500.000 đồng, bao gồm lương thực, thực phẩm và khẩu trang giúp bà con vượt qua quãng thời gian khó khăn.
Bên cạnh hỗ trợ những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi ngày nhóm còn chuẩn bị hàng trăm phần bánh, trà sữa và trái cây gửi cho lực lượng y bác sĩ và lực lượng làm nhiệm vụ ở các bệnh viện, các khu cách ly, điều trị Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 17.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.