Bản tin Covid-19 ngày 28.8: Chờ diễn biến mới từ vắc xin “made in Việt Nam“

28/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 28.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .

Bản tin  Covid-19 ngày 28.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:  

Ngày 28.8: Cả nước 12.103 ca Covid-19, 12.375 ca khỏi;

Bản tin Bộ Y tế  tối 28.8 cho biết tính từ 18h ngày 27/8 đến 18h ngày 28.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.103 ca nhiễm mới. Có 12.375 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày.
- Trong ngày, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong  tại Việt Nam lên 10.405 ca.

Các shipper hoạt động ở TP.HCM phải xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày

Thông tin về 12.103 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 28.8 gồm:
- 6 ca cách ly ngày sau khi nhập cảnh.
- 12.097 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 6.468 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.481), Bình Dương (4.049), Đồng Nai (797), Long An (451), Tiền Giang (241), Đồng Tháp (143), Đà Nẵng (109), Khánh Hòa (92), Quảng Bình (90), Kiên Giang (77), Nghệ An (70), Hà Nội (61), Đắk Lắk (60), Bình Thuận (49), Cần Thơ (37), Bà Rịa - Vũng Tàu (35), Bến Tre (25), Thừa Thiên - Huế (24), Thanh Hóa (22), An Giang (20), Phú Yên (16), Sóc Trăng (16), Quảng Ngãi (15), Bạc Liêu (13), Quảng Nam (13), Trà Vinh (13), Bình Phước (13), Hậu Giang (11), Bình Định (11), Đắk Nông (8 ), Vĩnh Long (6), Ninh Thuận (6), Hà Tĩnh (6), Cà Mau (5), Lâm Đồng (4), Lạng Sơn (3), Gia Lai (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 804 ca. Tại TP.HCM tăng 98 ca, Bình Dương giảm 138 ca, Đồng Nai giảm 199 ca, Long An giảm 3 ca, Tiền Giang giảm 71 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 422.469 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 60/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 166/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 4.297 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 418.320 ca, trong đó có 208.215 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.
+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (204.964), Bình Dương (98.794), Đồng Nai (22.264), Long An (20.400), Tiền Giang (9.062).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 210.989 ca.
Theo tống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.408 ca, trong đó:
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.310
- Thở máy không xâm lấn: 88
- Thở máy xâm lấn: 921
- ECMO: 24

Ngày 28.8: Thông báo 352 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Trong ngày 28.8, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 352 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (271), Bình Dương (38), Đồng Nai (16), Tiền Giang (15), Long An (4), Đồng Tháp (2), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (1), Bến Tre (1), Nghệ An (1), Thừa Thiên-Huế (1).
Tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam đến nay là 10.405 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 12.147.137 mẫu cho 31.447.580 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 19.151.122 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.822.691 liều, tiêm mũi 2 là 2.328.431 liều.

Dự kiến vắc xin NanoCovax được xem xét hồ sơ cấp phép ngày 29.8

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, theo lịch dự kiến, ngày 29.8, các chuyên gia họp xem xét, thống nhất ý kiến về hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp vắc xin Covid-19 Nanocovax.
Theo Bộ Y tế, cuộc họp dự kiến vào ngày 29.8 có sự tham dự của các chuyên gia Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng Đạo đức), Hội đồng Chuyên môn, Hội đồng tư vấn cấp phép lưu hành thuốc...
Nanocovax là vắc xin Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng (TNLS) và được thẩm định xem xét cấp phép lưu hành khẩn cấp, trong trường hợp đủ điều kiện. Đây là vắc xin do Công ty Nanogen (TP.HCM) nghiên cứu sản xuất.
Thông tin về quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, một chuyên gia cho hay, Bộ Y tế hết sức hỗ trợ về thủ tục hành chính trong quá trình phê duyệt thẩm định nghiên cứu, cũng như cấp phép vắc xin Covid-19 Nanocovax.
Công ty Nanogen cũng đã được hướng dẫn về thủ tục hồ sơ (bao gồm hồ sơ về hành chính, hồ sơ chất lượng và hồ sơ lâm sàng) từ các tháng qua. Hiện, hồ sơ về hành chính, chất lượng đã hoàn thiện. 
Với hồ sơ lâm sàng, vắc xin Nanocovax hiện đã được Hội đồng Đạo đức thông qua và chờ thêm ý kiến thống nhất cuối cùng của các chuyên gia trong Hội đồng Chuyên môn (đến thời điểm hôm qua, 27.8).

Dự kiến vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19 được xem xét hồ sơ cấp phép ngày 29.8

 
Một chuyên gia cho hay, quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt thuốc và vắc xin, cùng với sự chấp thuận của Hội đồng Đạo đức, cần có sự chấp thuận của Hội đồng Chuyên môn (về việc chỉ định sử dụng như: đối tượng tiêm, liều dùng..) và đây là một trong những ý kiến mang tính chất quan trọng, là cơ sở để Hội đồng Tư vấn cấp phép, Hội đồng cấp phép thẩm định và ra quyết định chấp thuận cấp phép khẩn cấp.
Với Nanocovax, theo lịch dự kiến, các chuyên gia của các hội đồng sẽ cùng họp vào ngày mai, 29.8, để trao đổi trước khi quyết định có hay không cấp phép khẩn cấp cho vắc xin này. 
Cơ sở pháp lý cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Covid-19 trong nước sản xuất cũng vừa được Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 11/2021 về “Hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin trong trường hợp cấp bách".
Điểm quan trọng của Thông tư 11/2021 mang tính quyết định, tạo cơ hội cho vắc xin trong nước, được nêu tại "Quy định về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin": vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước đang thực hiện TNLS, nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin, thì được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện.
Một thành viên trong Hội đồng Thẩm định cấp phép cho rằng, nếu TNLS giữa kỳ của Nanocovax được Hội đồng Đạo đức, Hội đồng Chuyên môn thông qua trong tháng 8, với dữ liệu đủ thuyết phục thì vắc xin này có thể được cấp phép ngay trong tháng 9.
Trước đó, tại cuộc họp hồi giữa tháng 7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết dự kiến, nếu Nanocovax hoàn thành TNLS giai đoạn 3 với kết quả tốt, được Hội đồng Đạo đức chấp thuận, sẽ được xem xét để cấp phép khẩn cấp cho chống dịch.
Tuy nhiên, theo ông Thuấn, việc cấp phép đặc biệt cũng sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể như: tình hình dịch, nguồn cung vắc xin khan hiếm và phải trình Chính phủ, Quốc hội thông qua. Và chúng ta đang nỗ lực để trong năm nay có vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất.
Trao đổi với Thanh Niên, GS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức, cho biết: "Hội đồng đã thông qua kết quả TNLS giữa kỳ giai đoạn 3 với kết quả đánh giá trên 1.000 tình nguyện viên. Việc chấp thuận vắc xin này được cấp phép khẩn cấp do Hội đồng Tư vấn, Hội đồng Thẩm định cấp phép ra quyết định cuối cùng".
GS trương Việt Dũng cũng chia sẻ, 1.000 mẫu nghiên cứu được đánh giá là số lượng còn khiêm tốn về mặt nghiên cứu khoa học, vì để đánh giá về chất lượng của vắc xin cần có số mẫu đủ lớn. 
Theo thông tin từ một chuyên gia, một số vắc xin Covid-19 nhập khẩu được cấp phép khẩn cấp sau khi nghiên cứu TNLS giai đoạn 3, có kết quả đánh giá với số mẫu từ khoảng 20.000 - 60.000 người.

Sở Công thương TP.HCM đề nghị shipper được vận chuyển hàng hóa liên quận

Ngày 28.8, Sở Công thương TP.HCM có công văn gửi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình về việc đưa đội ngũ shipper tham gia vận chuyển hàng hóa liên quận, huyện, TP.Thủ Đức, trong thời gian TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội, nhằm giảm tải áp lực và quá tải trong việc “đi chợ hộ”.
Theo Sở Công thương TP.HCM, đội ngũ shipper vốn thông thạo mạng lưới giao thông tại TP.HCM sẽ giúp vận chuyển hàng đến từng hộ dân tốt hơn. Mỗi shipper có thể giao 20 - 25 đơn hàng/ngày. Vì vậy, nếu huy động được 25.000 shipper, có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 đến 625.000 hộ gia đình.

Sở Công thương TP.HCM đề nghị shipper được vận chuyển hàng hóa liên quận trong dịch Covid-19

Ngoài ra, Sở Công thương TP.HCM cũng đưa ra giải pháp để vận chuyển hàng hóa an toàn, chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 từ ngày 13.8 trở về trước được tham gia lưu thông, cung ứng hàng hóa.
Theo đó, doanh nghiệp cung cấp ứng dụng shipper chịu trách nhiệm lập danh sách shipper đủ điều kiện, gửi về Sở Công thương TP.HCM để đưa vào cơ sở dữ liệu “Tra cứu shipper” phục vụ cơ quan chức năng tra cứu trực tuyến khi cần thiết.
Đồng thời, sẽ xét nghiệm nhanh cho shipper định kỳ 3 ngày/lần, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả.
Trước đó, Grab đề nghị với Sở Công thương TP.HCM công ty này được cung cấp miễn phí hạ tầng ứng dụng Grab tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện mà các shipper hiện không được phép hoạt động. Người dùng có thể dễ dàng vào mục GrabMart chọn mặt hàng tại các điểm bán gần khu vực sinh sống.

Bình Thạnh di chuyển 2.000 người từ vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn

Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại TP.HCM, Q.Bình Thạnh đã có văn bản yêu cầu triển khai kế hoạch di chuyển người dân có hoàn cảnh khó khăn (đã xét nghiệm âm tính Covid-19) từ vùng nguy cơ đến nơi an toàn. Nhiều phường trên địa bàn đã đến vận động người dân thực hiện theo kế hoạch.

Từ sáng đến tận tối 27.8, tổ liên ngành gồm Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp đưa hơn 500 người từ nhiều phường tại Q.Bình Thạnh đến nhà khách Công đoàn Thanh Đa cư trú tạm thời.

Để đảm bảo đời sống an sinh cũng như hỗ trợ chi phí cho hơn 500 người, tổ công tác đã điều động hàng chục tình nguyện viên đến sắp xếp chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho từng phòng. Những người ở cùng phòng hoặc cùng dãy trọ sẽ được tổ công tác sắp xếp ở chung phòng. Gia đình có nhiều nhân khẩu sẽ được sắp xếp phòng lớn hoặc phòng tầng dưới để thuận tiện việc sinh hoạt trong thời gian lưu trú.

Để động viên người dân an tâm sinh hoạt ở khu vực an toàn, quận Bình Thạnh còn tiếp tế thêm gói an sinh cũng như lương thực đủ để sử dụng trong vào 3-5 ngày. Sau đó, quận sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm nếu người dân thiếu thốn.

Tất bật giãn dân khỏi vùng nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 ở Bình Thạnh

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Bình Thạnh, hiện nay những khu vực có khả năng lây nhiễm cao rất nhiều và đây là công tác tách những người dân trong khu vực có nguy cơ di chuyển đến nơi an toàn. Theo kế hoạch, Q.Bình Thạnh sẽ bố trí 4 điểm tiếp nhận người dân và sẽ triển khai mở rộng trên địa bàn quận.

Đến nay, Bình Thạnh đã vận động được gần 300 người di chuyển đến Chung cư 1050 và 514 người đến nhà khách Công đoàn Thanh Đa. Thời gian tới, tổ công tác sẽ tiếp tục vận động người dân tại các khu vực nguy cơ đến nơi an toàn.

Tại nhà khách Công Đoàn Thanh Đa, tổ y tế cũng được điều động đến để tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi. Tổ công tác cũng phát loa thông báo cụ thể loại vắc xin sẽ tiêm. Người trên 60 tuổi sẽ tiêm vắc xin AstraZeneca, người dưới 60 tuổi sẽ tiêm vắc xin Vero Cell. Hầu hết mọi người đều thực hiện việc tiêm vắc xin, tuy nhiên cũng có trường hợp từ chối tiêm vắc xin theo nguyện vọng.
Khi khâu tiêm vắc xin hoàn tất thì trời đã nhá nhem tối, tổ công tác cũng không kịp nghỉ tay mà tiếp tục điều động nhân lực đến phát gói an sinh, rau củ quả để người dân kịp thời chuẩn bị bữa ăn vào sáng hôm sau. Công tác hỗ trợ người dân cứ xoay vòng đến tận 19 giờ mới hoàn tất.

Như Thanh Niên đưa tin, trong 2 ngày 26 và 27.8, quận Bình Thạnh đã vận động đưa hàng trăm người từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao di chuyển đến khu vực an toàn. Dự kiến số lượng di chuyển khoảng 2.000 người và sẽ tiếp tục mở rộng.

Các trường hợp di chuyển chủ yếu là bà con sống tại phòng trọ, hoàn cảnh khó khăn, người lao động, sinh viên và công nhân khó khăn.

“Điểm nóng” Covid-19  mới nhất ở Hà Nội nhìn từ góc máy trên cao

Những ngày này, lực lượng y tế thường xuyên có mặt tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (thuộc P.Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) để đưa những người thuộc diện F1 tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 đi cách ly.
Ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi ở Q.Thanh Xuân là một trong những điểm nóng nhất Hà Nội về dịch Covid-19 trong những ngày gần đây. Ngay khi phát hiện các ca F0 tại ngõ này, toàn bộ khu vực này đã được phong toả. Hằng ngày, lực lượng chức năng vận chuyển nhu yếu phẩm, thực phẩm cho người dân trong ngõ. Đồng thời, công tác xét nghiệm sàng lọc F1, đưa đi cách ly tập trung được thực hiện liên tục.

“Điểm nóng” Covid-19 mới nhất ở Hà Nội nhìn từ góc máy trên cao

Trong chiều 27 và sáng 28.8, những người dân sống tại khu vực này rất chấp hành quy định, thậm chí đi cách ly trong tâm thế vui vẻ, lạc quan.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Q.Thanh Xuân là điểm nóng với nhiều ca ở ổ dịch ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi thuộc P.Thanh Xuân Trung.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, tình hình dịch vẫn còn phức tạp, khó lường. Lý do là vẫn xuất hiện những ca bệnh rải rác, tản mát trong cộng đồng, đặc biệt là các ca bệnh phát hiện qua ho, sốt. Hà Nội đã xuất hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh trong các chuỗi cung ứng, công sở, chợ, khu dân cư, khu chung cư...

Đà Nẵng lo ngại Covid-19 bùng phát vì các hẻm “chặt ngoài lỏng trong”

Ngày 27.8.2021, Đà Nẵng ghi nhận 202 ca nhiễm Covid-19 mới. Đáng chú ý, có tới hàng chục ca xuất hiện tại khu vực hẻm. Ngành y tế cho rằng nguyên nhân lây nhiễm là do người dân vô vẫn đi lại, trò chuyện với nhau trong thời gian Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết khu vực hẻm trên đường Trần Cao Vân thuộc (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới trong thời gian thành phố phong tỏa, thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”.
Theo CDC Đà Nẵng, trong tối 26.8.2021 và ngày 27.8.2021, qua hoạt động lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực phong tỏa có F0, đơn vị này ghi nhận hàng chục ca mắc Covid-19 mới. Cụ thể, các ca dương tính Covid-19 tập trung tại một số hẻm như: 158, 236, 254, 268… trên trục đường Trần Cao Vân. Riêng phường Tam Thuận đang là nơi ghi nhận ca dương tính Covid-19 nhiều nhất tại quận Thanh Khê với 96 ca.
 

Đà Nẵng lo ngại Covid-19 bùng phát vì các hẻm “chặt ngoài lỏng trong”

Dọc tuyến đường Trần Cao Vân có rất nhiều hẻm chật hẹp và liên thông với nhau. Theo đánh giá của ngành y tế, nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm tăng nhanh xuất phát từ vấn đề người dân có tâm lý chủ quan, có hiện tượng tụ tập, không mang khẩu trang.
Để kiểm soát dịch bệnh, CDC Đà Nẵng yêu cầu địa phương tổ chức phong tỏa các kiệt, hẻm nơi có ca nhiễm; tổ chức lực lượng trực tại các chốt. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ ngành y tế, số ca Covid-19 vẫn liên tục tăng tại các điểm nóng này.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết hiện nay tại các hẻm vẫn xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, tập trung đông, ra ngoài trao đổi, nói chuyện. Tại một số địa phương, việc quản lý thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” của chính quyền cơ sở trong khu vực hẻm còn lỏng lẻo.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây nhiễm trở nên phức tạp. Nếu không siết chặt, thực hiện quyết liệt các biện pháp yêu cầu người dân ở yên trong nhà tại các kiệt, hẻm thì Đà Nẵng sẽ mãi mãi đuổi theo dịch bệnh.

Công an mang rau củ, thịt cá đến tận phòng trọ hỗ trợ người thất nghiệp vì Covid-19

Sáng 28.8.2021, Công an Q.12 đã mang những phần quà hỗ trợ trao cho các hộ gia định ở trọ trên địa bàn. Các gia đình này nhiều tháng nay rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Công an quận 12 đã làm lễ xuất quân trao quà hỗ trợ các hộ dân thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chị Tô Thị Lý (Q.12) đã phải chật vật vì mất việc do dịch Covid-19. Khi nhà sắp hết đồ ăn thì lại nhận được quà hỗ trợ nên gia đình anh chị bất ngờ. Chị Lý cũng lấy rau và cá nấu vừa được tặng để nấu bữa trưa cho cả nhà. 
 

Công an mang rau xanh, cá tươi đến phòng trọ người thất nghiệp vì Covid-19

Trong thời gian qua, Công an Q.12 đã vận động, tổ chức trao gần 9000 phần quà với tổng kinh phí hơn 4,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn vận động các chủ phòng trọ miễn giảm tiền thuê với 15.000 phòng, tương đương với 9,2 tỉ đồng.

 

Có mặt tại lễ xuất quân, thượng tá Lê Viết Tiệp, trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (PX03) Công an TP.HCM cho biết, Công an TP.HCM đã triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con, trong đó có huy động một lượng lớn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm và thiết bị y tế để hỗ trợ người dân.

 
Công an TP.HCM đã yêu cầu địa phương chỉ đạo rà soát, lên danh sách hộ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Việc thực hiện trao quà sẽ phối hợp với từng quận để triển khai, bắt đầu từ quận 12, sau đó sẽ đến các quận huyện và TP.Thủ Đức. Ngay sau lễ xuất quân, các xe chở quà đã di chuyển về 11 phường của quận 12. Dựa vào danh sách các hộ khó khăn đã lập trước đó, công an sẽ đưa quà tới tận phòng trọ cho người dân.

Ông chủ nhà trọ tốt bụng: miễn phí tiền phòng, ai cần giúp đỡ đêm cũng đi!

Bà con trong hẻm 79 Trần Văn Đang (P.9, Q.3, TP.HCM) không ai là không biết ông chủ nhà trọ với quả đầu ấn tượng. Suốt 3 tháng qua, hai vợ chồng chủ nhà số 19 trong hẻm nhỏ ngoài việc miễn phí tiền phòng cho người khó khăn còn thường xuyên hỗ trợ rau củ tươi sạch, lương thực thiết yếu cho bà con hàng xóm đang gặp khó khăn khiến anh nấy đều vô cùng cảm kích.

Ông chủ nhà trọ tốt bụng: miễn phí tiền phòng, ai cần giúp đỡ đêm cũng đi!

Đó là anh Phạm Phú Quốc, 48 tuổi, chủ khu nhà trọ tại hẻm 79 Trần Văn Đang (P.9, Q.3, TP.HCM). Khi vừa hay tin người dân trong con hẻm 377 Cách Mạng Tháng Tám (P.12, Q.10) có nhiều ca F0 mới phát hiện, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn đã lập tức chở hàng chục phần quà là nhu yếu phẩm và những túi thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 cho bà con. Đây không phải là lần đầu anh làm công việc này. 

Ông chủ nhà trọ tốt bụng, được bà con hàng xóm yêu mến

Lê Nam

Hai vợ chồng anh Phú Quốc có 20 phòng trọ trong căn nhà 4 tầng, chủ yếu dành cho sinh viên và hộ gia đình nhỏ thuê với giá từ 2,5-4 triệu/ tháng. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thấy nhiều người thuê trọ gặp khó khăn hoặc phải về quê tránh dịch, hai vợ chồng bàn bạc giảm giá tiền nhà, sau đó miễn phí hẳn cho những người còn ở lại.

Suốt 3 tháng nay, gia đình anh Quốc liên tục hỗ trợ rau sạch, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người xung quanh

Lê Nam

Anh Nguyễn Văn Thơm, 26 tuổi, đã thất nghiệp nhiều tháng nay mà không thể trở về quê. Ở lại thành phố, anh Thơm cũng yên tâm phần nào vì không chỉ gánh nặng tiền trọ được vơi đi, mà bản thân anh còn được còn được ông chủ nhà hỗ trợ rau, gạo xuyên suốt ngày dịch.

Anh Nguyễn Văn Thơm (bên phải - người thuê trọ) cảm động trước tấm lòng chủ nhà khi vừa được miễn phí tiền phòng, vừa được hỗ trợ nhu yếu phẩm trong những ngày "mắc kẹt" ở Sài Gòn

Lê Nam

"Thật ra trước đây, anh có làm trong lĩnh vực phượt (phượt thủ). Tôi cũng làm đại sứ thương hiệu cho một số nhãn hàng nên cũng có nguồn thu nhập. Vợ chồng cũng tích lũy được. Vợ tôi cho thuê phòng trọ, mùa dịch đâu lấy tiền ai đâu, mới đầu cũng giảm giảm, sau đó tụi nhỏ khổ quá có lấy tiền đâu. Cứ nói quà đây này, ở dưới này có đầy đủ đồ ăn hết tụi con cứ xuống đây lấy, gạo đường trứng sữa cứ lấy tụi con ăn", anh Phú chia sẻ.

Anh Quốc đang hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.12, Q.10 chiều 27.8.2021

Lê Nam

Đam mê phượt, có thói quen làm từ thiện nhiều năm nay, những ngày giãn cách xã hội, cứ hễ thấy ai kêu thiếu lương thực, thấy F0 cần thuốc chữa bệnh, dù là đêm hay ngày, anh Quốc đều cố gắng hết sức để trợ giúp.

Dù là đêm hay ngày, cứ ở đâu gặp khó khăn, cần giúp đỡ, anh đều cố gắng hỗ trợ bằng hết khả năng

Lê Nam

"Lúc đầu cũng rất sợ, gia đình nói cẩn thận, bạn bè cũng cẩn thận. Nhưng cảm xúc  trào dâng khi thấy tất cả mọi người đang cần tụi tôi, cần phần quà tụi anhtôi, nên tụi tôi có động lực vượt qua nỗi sợ đó", ông chủ nhà trọ nói.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 28.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.